SID: Thua lỗ kỷ lục, khối nợ khổng lồ và phải lập dự phòng 17.200 tỷ

Với thực tế bức tranh tài chính “đỏ lửa”, các cổ đông của Công ty Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SID) đã phải rót 13.000 tỷ để duy trì khả năng hoạt động của DN

Theo tài liệu của VietnamFinance, tình hình tài chính năm 2024 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SID) có nhiều điểm không sáng sủa: thua lỗ kỷ lục, vốn chủ sở hữu âm sâu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh kiệt quệ. Cùng với đó, kiểm toán độc lập cũng đã đưa ra ý kiến loại trừ đối với giá trị ghi sổ hơn 33.764 tỷ đồng do chưa thực hiện đối chiều đầy đủ các khoản nợ phải thu.

Lỗ kỷ lục 8.700 tỷ đồng, lập dự phòng phải thu hơn 17.200 tỷ đồng

Trong năm tài chính 2024, SID ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 20.141 tỷ đồng, trong khi năm 2023 là 0 đồng. Lợi nhuận gộp từ hoạt động cốt lõi đạt 7.540 tỷ đồng, một con số không nhỏ, cùng với đó doanh thu tài chính ghi nhận con số tích cực với hơn 3.863 tỷ đồng.


Dự án The Global City (Nguồn: CTV).

Tuy nhiên, mọi nỗ lực tạo doanh thu đều bị “nuốt chửng” bởi gánh nặng chi phí khổng lồ. Tâm điểm là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên mức hơn 16.565 tỷ đồng. Thuyết minh chi tiết cho thấy, phần lớn khoản mục này là do việc trích lập chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi lên đến 16.463 tỷ đồng.

Đáng lo ngại hơn, toàn bộ số dự phòng này (hơn 17.212 tỷ đồng) được trích lập cho hàng loạt các khoản đầu tư như: Công ty cổ phần Cát Phú Tường (1.878 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xây dựng Hùng Khảo (1.825 tỷ), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoà Phú Thịnh (1.425 tỷ), Công ty TNHH Đầu tư Hưng Trường Phát (1.500 tỷ), Công ty TNHH Đắc Hoà Phú (1.800 tỷ đồng), Công ty TNHH Nhất Vạn Hưng (1.694 tỷ), …

Loạt khoản dự phòng này chính là nguyên nhân chính đẩy SID vào tình trạng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 10.700 tỷ đồng, và cuối cùng là lỗ ròng sau thuế lên tới hơn 8.748 tỷ đồng trong năm 2024. Mức thua lỗ này trầm trọng hơn gấp hàng chục lần so với năm 2023.

Về chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, dù lỗ trước thuế rất lớn, SID vẫn ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là 508,3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do có những khoản thu nhập chịu thuế hoặc chi phí không được khấu trừ theo quy định hiện hành. Cụ thể, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản là 2.541 tỷ đồng, theo đó, thuế TNDN phải nộp là 508,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2024, SID phải nộp tiền thuế chậm nộp hơn 8,3 tỷ đồng.

Âm vốn chủ sở hữu, tăng cường vay vợ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ củng cố thêm bức tranh tài chính tiêu cực của SID. Dù doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của SID lại âm hơn 14.544 tỷ đồng trong năm 2024.

Đây là một tín hiệu cảnh báo cho thấy hoạt động cốt lõi không đủ khả năng tạo ra tiền mặt để tự duy trì, ngay cả khi đã điều chỉnh các khoản phi tiền mặt như dự phòng nợ khó đòi khổng lồ. SID đang phải dựa vào các nguồn khác để tồn tại.

Để bù đắp cho dòng tiền kinh doanh, SID đã phải huy động rất lớn từ hoạt động tài chính, với dòng tiền thuần dương cuối kỳ là 171 tỷ đồng. Cụ thể, công ty đã vay mới lên tới hơn 28.713 tỷ đồng, đồng thời cũng thực hiện trả nợ gốc vay rất lớn, hơn 17.606 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của SID giảm mạnh, còn hơn 85.082 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn vẫn ở mức rất cao (hơn 56.976 tỷ đồng), tiềm ẩn rủi ro lớn khi đi kèm với khoản dự phòng nợ khó đòi đã được trích lập.

Nghiêm trọng nhất là cấu trúc nguồn vốn. Tổng nợ phải trả của SID đã lên tới hơn 93.178 tỷ đồng. Trong khi đó, do khoản lỗ lũy kế khổng lồ, vốn chủ sở hữu của SID đã chuyển sang trạng thái âm sâu, đạt mức âm 8.095 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu âm là dấu hiệu rõ ràng của mất khả năng thanh toán kỹ thuật, tức là tổng tài sản không còn đủ để bù đắp tổng nợ phải trả.

Tại BCTC kiểm toán, SID đã thể hiện thông tin là các cổ đông công ty đã góp thêm 13.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SID) được thành lập từ năm 1999, trụ sở chính tại tại thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến 31/12/2024, SDI chỉ đăng ký 6 lao động, thành viên góp vốn là 3 cá nhân gồm bà Mai Thị Kim Oanh (góp 2.114 tỷ), bà Nguyễn Thị Ái Nghĩa (góp 384,5 tỷ), ông Nguyễn Hồng phong (góp 1.346 tỷ).

Ngành nghề kinh doanh chính của SID và các công ty con tập trung vào lĩnh vực đầu tư, phát triển bất động sản và hạ tầng, y tế, giáo dục, xúc tiến thương mại.

Các công ty com của SID gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục SDI, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Bình An, Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo SDI, Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Sài Gòn Bình An, Công ty TNHH MTV Khu đô thị The Global City.

Mới đây, Ngày 17/6/2025, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SID) có ký hợp đồng hợp tác thực hiện dự án Khu đô thị du lịch Cần Giờ. Theo đó, SDI có trách nhiệm góp khoản vốn với tổng giá trị 5.894 tỷ đồng để phát triển các phân khu hợp tác của dự án. Theo hợp đồng hợp tác, SDI sẽ được phân chia lợi nhuận từ sản phẩm bất động sản hợp tác, tổng diện tích hợp tác là 141ha.

Ngày 19/6/2025, Bất động sản TCO và Công ty SID ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, Bất động sản TCO có nghĩa vụ góp một khoản tiền có giá trị là 5.556 tỷ đồng cho SID. Các phân khu hợp tác gồm 50 vị trí hợp tác với các khu đất thực hiện xây dựng trường học, thương mại dịch vụ, thương mại dịch vụ cao tầng, nhà để xe, biệt thự nghỉ dưỡng khách sạn với tổng diện tích đất là 48,3ha.

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/sid-thua-lo-ky-luc-khoi-no-khong-lo-va-phai-lap-du-phong-17200-ty/33530690

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *