Ngành điện Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển dịch từ biểu giá hỗ trợ (FIT) đối với điện năng lượng tái tạo (NLTT) sang đấu thầu cạnh tranh phát triển các dự án điện. Sự chuyển dịch này mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án điện, góp phần hóa giải thách thức về nhu cầu điện.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị đang mời nhà đầu tư đăng ký thực hiện nhiều dự án điện gió. Ảnh: Nhã Chi
Tại Việt Nam, cơ chế giá FIT cho điện gió được ban hành năm 2011, sau đó mở rộng cho điện từ chất thải (2014) và điện mặt trời (2017, 2020). Nhờ đó, năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) đã có sự tăng trưởng “bùng nổ”, từ mức đóng góp không đáng kể năm 2018 đến tỷ trọng 27% tổng công suất điện quốc gia vào năm 2021.
Tuy nhiên, việc mở rộng công suất chậm lại đáng kể từ năm 2021 khi các cơ chế FIT hết hiệu lực. Bộ Công Thương được Chính phủ giao nghiên cứu xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện do cơ chế này có nhiều ưu điểm, bao gồm tăng tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Việc đấu thầu giúp đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất với mức giá cạnh tranh và chất lượng dự án cao. Quy trình đấu thầu công khai, minh bạch cũng giúp tăng niềm tin của công chúng và các bên liên quan vào dự án. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng cơ chế này để phát triển dự án điện như: Đức, Đan Mạch, Ấn Độ…
Theo cơ chế này, các nhà đầu tư sẽ đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dựa trên một khung giá mới có quy định mức giá trần cụ thể cho từng loại hình điện.
Luật Điện lực (sửa đổi) 2024 có nhiều chính sách mới, trong đó bổ sung chính sách đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả. Khoản 1 Điều 19 Luật này quy định: “Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện lực khi có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm theo quy định của pháp luật về đấu thầu trên cơ sở tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện là giá điện; đối với dự án điện lực không có khung giá do Bộ Công Thương ban hành hoặc dự án điện lực thực hiện mua bán điện trực tiếp thì tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tăng đáng kể mục tiêu công suất từ năng lượng tái tạo/năng lượng mới, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn tới, định hướng cho khả năng xuất khẩu điện trong tương lai.
Thấy rõ cơ hội từ chuyển động của chính sách, trong nửa đầu năm 2025, hàng loạt dự án điện tái tạo mới được các địa phương khởi động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Gần đây nhất, ngày 3/7, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị công bố mời gọi nhà đầu tư đăng ký thực hiện 3 dự án điện gió, bao gồm: Nhà máy Điện gió (NMĐG) Tân Thành Long (1.809,158 tỷ đồng); NMĐG Phúc Thành An Quảng Trị (1.703,914 tỷ đồng); NMĐG Cam Lộ (6.500 tỷ đồng).
Trước đó, cuối tháng 4/2025, Quảng Trị đã gọi đầu tư loạt dự án điện gió như: NMĐG SCI Tân Thành (hơn 1.262 tỷ đồng); NMĐG SCI Hướng Việt (1.018 tỷ đồng)…
Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều địa phương như: Bạc Liêu (nay là tỉnh Cà Mau); Trà Vinh (nay là tỉnh Vĩnh Long); Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai); Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên)… đã công bố danh mục loạt dự án điện tái tạo quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng/dự án mời các nhà đầu tư tham gia thực hiện.
Theo kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện, nhiều dự án điện thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư như: Dự án NMĐG V1-1 Trà Vinh giai đoạn 2 thu hút 4 nhà đầu tư đăng ký thực hiện; Dự án NMĐG V1-3 giai đoạn 2 thu hút 3 nhà đầu tư đăng ký thực hiện; NMĐG SCI Hướng Việt thu hút 3 nhà đầu tư…
Ông Bùi Văn Thịnh – đại diện nhà đầu tư vừa đăng ký đầu tư một số dự án điện NLTT nhìn nhận, sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư vào lĩnh vực này là tín hiệu tích cực, là cơ sở để kỳ vọng sự thành công của các dự án điện gió, từ đó hiện thực hóa mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh và bảo đảm điện cho nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Một báo cáo cập nhật về ngành điện vừa được chuyên gia của SSI Research thực hiện chỉ ra, với vai trò ngày càng lớn của NLTT và các nguồn năng lượng mới, các doanh nghiệp NLTT như: Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG), Công ty CP Điện Gia Lai (GEG)… đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển đổi chính sách.
Việt Anh
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/chuyen-tu-co-che-fit-sang-dau-thau-soi-dong-dau-tu-du-an-dien-tai-tao/33547197