Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank AMC) vừa thông báo xử lý tài sản bảo đảm của Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO). Động thái này, cùng với hàng loạt tài sản khác được rao bán trước đó, phản ánh rõ nét những khó khăn tài chính và thách thức trong hoạt động kinh doanh mà VNECO đang phải đối mặt.
Tính đến cuối quý I/2025, tổng lỗ lũy kế của Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam ở mức 151,17 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Tài sản được đưa ra xử lý là quyền sử dụng đất và tòa nhà văn phòng tọa lạc tại vị trí “vàng” – số 153/6 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM. Lô đất có diện tích gần 400 m². VietinBank AMC cho biết, phương thức và giá chuyển nhượng sẽ được thực hiện theo thỏa thuận.
Đây không phải là lần đầu tiên VNECO phải tính đến việc bán tài sản để giải quyết các khoản nợ. Trước đó, vào cuối năm 2024, HĐQT Công ty thông qua chủ trương chuyển nhượng một loạt bất động sản tại số 125 và 219C đường Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận) để trả nợ vay cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Hải Vân.
Những động thái này phần nào phản ánh gánh nặng tài chính mà VNECO đang đối mặt. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, nợ phải trả của Tổng công ty ở mức 2.443,5 tỷ đồng, cao gấp 3,45 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng nợ vay là 1.581 tỷ đồng, bao gồm khoản vay hơn 158,3 tỷ đồng tại VietinBank và 417,1 tỷ đồng tại BIDV – Chi nhánh Hải Vân.
Không chỉ chịu áp lực tài chính, hoạt động kinh doanh cốt lõi của VNECO cũng gặp nhiều trở ngại. Dù ngành điện có hàng loạt dự án lớn từ năm 2023, đặc biệt là các gói thầu thuộc Dự án Đường dây 500kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối, VNECO lại liên tiếp bị loại khi tham gia đấu thầu do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, năng lực và kinh nghiệm.
Tại Báo cáo thường niên năm 2024, VNECO thẳng thắn thừa nhận rằng, năm 2024 là một năm đầy khó khăn và là một bước lùi đối với Tổng công ty. VNECO quyết định tiến hành một cuộc tái cấu trúc sâu rộng và mạnh mẽ. Tổng công ty đang tập trung mọi nguồn lực vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và có thế mạnh là xây lắp điện, năng lượng tái tạo và bất động sản du lịch. Bên cạnh đó, VNECO quyết liệt thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành và kém hiệu quả để tinh gọn bộ máy.
Đơn cử tại Gói thầu số 30 Xây lắp đường dây từ VT237 đến VT261 thuộc Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu (giá dự toán gần 101 tỷ đồng), VNECO bị loại do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Hay tại Gói thầu số 12 Xây lắp trạm thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Gò Công và đường dây đấu nối Gò Công – Cần Đước (giá dự toán 122,7 tỷ đồng), VNECO không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.
Câu chuyện tương tự diễn ra tại nhiều gói thầu xây lắp điện khác như Gói thầu số 13 Xây lắp đường dây 220kV từ ĐĐ-G8 (bao gồm VT22/G8) thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Hải Hậu và đường dây đấu nối; Gói thầu số 14 Xây lắp trạm (bao gồm cả thử nghiệm hiệu chỉnh nhất thứ, phòng cháy, chữa cháy) thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Lấp Vò và đường dây đấu nối Thốt Nốt – Lấp Vò…
Tính từ năm 2023 đến nay, VNECO mới trúng 2 gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xây lắp điện, gồm: Gói thầu số 07 Xây lắp đường dây 110kV từ Trạm biến áp Thủy điện Thác Bà – trạm 110kV Đoan Hùng thuộc Dự án Nâng cao năng lực truyền tải đường dây 110kV Thác Bà – trạm 220kV Phú Thọ với giá trúng thầu gần 45 tỷ đồng; Gói thầu CPC-ĐH.LT-W01 Thi công xây dựng công trình đường dây 110kV Trạm biến áp 110kV Đồng Hới – Lệ Thủy với giá trúng thầu 88,23 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, Công ty được công bố trúng 13 gói thầu với tổng giá trúng thầu khoảng 827 tỷ đồng.
Không trúng thầu tại nhiều dự án lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tài chính của VNECO. Kết thúc quý I/2025, Tổng công ty ghi nhận 65,9 tỷ đồng doanh thu, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Dòng tiền sụt giảm mạnh khiến VNECO từ mức lãi 1,7 tỷ đồng của quý I/2024 chuyển sang lỗ trước thuế 23,4 tỷ đồng. Điều này càng làm “bức tranh” kinh doanh của “ông lớn” ngành xây lắp điện một thời trở nên ảm đạm. Tính đến cuối quý I/2025, tổng lỗ lũy kế của VNECO ở mức 151,17 tỷ đồng.
Theo Báo cáo thường niên năm 2024, HĐQT Tổng công ty định hướng chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh doanh trong năm 2025 và các năm tiếp theo. VNECO sẽ không còn chỉ tập trung vào lĩnh vực truyền thống là xây lắp các công trình điện như đường dây và trạm biến áp. Thay vào đó, Tổng công ty sẽ mở rộng và đẩy mạnh hoạt động sang các lĩnh vực tiềm năng hơn, bao gồm: đầu tư và xây lắp các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), khai thác các dự án bất động sản, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và phát triển hoạt động thương mại.
Mục tiêu của sự đa dạng hóa này là nhằm từng bước giảm phụ thuộc vào mảng xây lắp điện truyền thống, đồng thời tái cơ cấu nguồn doanh thu và lợi nhuận, hướng tới tăng trưởng bền vững hơn.
Để hiện thực hóa chiến lược này, trong năm 2025, VNECO tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai và dự án mới trúng thầu để tạo dựng uy tín vững chắc trên thị trường. Song song đó, công tác quản trị nội bộ cũng được chú trọng thông qua việc hoàn thiện quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn tổ hợp.
Hoàng Việt
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/sau-buoc-lui-vneco-lam-cach-nao-de-tang-truong/33547189