Nóng: Đề xuất xây đường sắt cao tốc vượt biển khu vực phía Nam

Một đề xuất táo bạo đang được xem xét nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ, sau đó vượt biển để kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ). Đây là phương án do Công ty Tư vấn Quốc tế enCity đưa ra, với kỳ vọng tạo ra bước đột phá về hạ tầng liên kết vùng ven biển phía Nam, trong bối cảnh TPHCM đang mở rộng không gian phát triển về phía biển.

duongsatcaotocvuotbien.png
Dù mang tính đột phá và đầy triển vọng, các chuyên gia cũng cảnh báo dự án đường sắt cao tốc vượt biển này sẽ đối mặt với nhiều rào cản

Vượt biển bằng hạ tầng tích hợp đường sắt – đường bộ

Theo đề xuất của enCity, đoạn tuyến kéo dài từ Cần Giờ sang Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ cần tới một công trình vượt biển phức hợp, có thể kết hợp giữa cầu và hầm chui. Mục tiêu là vừa đảm bảo hành lang tàu biển hiện hữu, vừa cho phép đa phương tiện lưu thông như đường sắt và đường bộ. Giải pháp tích hợp này được kỳ vọng giúp tối ưu chi phí đầu tư, tăng hiệu quả khai thác và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn.

Trong điều kiện hiện tại, kết nối giữa TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu dựa vào đường bộ và đường thủy. Người dân thường mất 2 – 3 giờ di chuyển bằng ôtô qua quốc lộ 51, cao tốc Long Thành – Dầu Giây, hoặc đi xe máy vòng qua Biên Hòa, Long Thành, qua phà Cát Lái. Đường thủy chỉ có tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu, được khai thác từ năm 2021, hiện mới đáp ứng khoảng 8.400 lượt khách/ngày.

Tuy nhiên, dự báo đến năm 2035, nhu cầu di chuyển giữa TP.HCM và Vũng Tàu có thể tăng gấp 10 lần, đạt gần 100.000 lượt khách/ngày, đặc biệt khi các siêu dự án dọc bờ biển đồng loạt đi vào khai thác.

vungtau.jpg
Hướng tuyến đề xuất metro nối Cần Giờ – Vũng Tàu (Nguồn: EnCity)

Siêu dự án đẩy nhu cầu hạ tầng lên cao

Cần Giờ và Vũng Tàu đang trở thành những điểm nóng phát triển với hàng loạt dự án quy mô lớn. Trong đó đáng chú ý là Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (2.870 ha, dân số dự kiến 228.000 người), cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (571 ha, tạo 6.000 – 8.000 việc làm), và khu tổ hợp cảng – đô thị Cái Mép – Thị Vải ở Vũng Tàu, được kỳ vọng đạt sản lượng 52,3 triệu TEU vào năm 2050.

Trong bối cảnh đó, hệ thống kết nối vận tải tốc độ cao không chỉ giải quyết bài toán lưu thông mà còn là đòn bẩy cho sự phát triển chuỗi đô thị – cảng – logistics – dịch vụ – du lịch liên hoàn. Ông Nguyễn Đình Nên – chuyên gia quy hoạch giao thông của enCity nhấn mạnh rằng tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đóng vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt sau khi TPHCM sáp nhập địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ.

Tuyến metro tốc độ cao hơn 4 tỷ USD do Vingroup nghiên cứu đầu tư

Một trong những hạng mục hạ tầng trọng điểm hiện đã có nhà đầu tư nghiên cứu là tuyến metro tốc độ cao từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ. Dự án dài gần 49 km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7 cũ) và kết thúc tại khu đất 39 ha giáp Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Tuyến metro này được thiết kế hoàn toàn trên cao, sử dụng khổ đường ray tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ tối đa lên tới 250 km/h. Với mức đầu tư dự kiến hơn 4 tỷ USD, tuyến đường sắt này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Phú Mỹ Hưng đến Cần Giờ còn khoảng 16 phút, năng lực chuyên chở đạt 30.000 – 40.000 hành khách mỗi giờ, mỗi hướng. Kế hoạch dự kiến khởi công vào năm 2026.

Nếu kết nối này tiếp tục được mở rộng từ Cần Giờ sang Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực ven biển phía Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, kết nối liền mạch từ đô thị trung tâm đến cảng quốc tế, các khu đô thị – du lịch mới và vùng kinh tế biển trọng điểm.

Thách thức không nhỏ từ kỹ thuật đến tài chính

Dù mang tính đột phá và đầy triển vọng, các chuyên gia cũng cảnh báo dự án sẽ đối mặt với nhiều rào cản. Việc xây dựng một tuyến hạ tầng vượt biển tích hợp đa phương tiện vừa đòi hỏi công nghệ tiên tiến, vừa yêu cầu nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Ngoài ra, các vấn đề về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường và sự đồng thuận xã hội cũng là những yếu tố không thể xem nhẹ.

Tuy vậy, nếu được triển khai bài bản, dự án có thể trở thành hình mẫu cho mô hình phát triển đô thị ven biển tích hợp tại Việt Nam – nơi hạ tầng không chỉ để đi lại, mà còn là đòn bẩy kích hoạt không gian phát triển bền vững và cạnh tranh toàn cầu.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nong-de-xuat-xay-duong-sat-cao-toc-vuot-bien-khu-vuc-phia-nam-1389968.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *