Sáng 11/7, ngoài tuyên án 41 bị cáo phạm tội trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các địa phương, Hội đồng
xét xử
TAND TP Hà Nội cũng ra phán quyết với phần dân sự.
Trong vụ án, Viện Kiểm sát cáo buộc,
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn
khi thực hiện 14 dự án, gói thầu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ từ năm 2008 – 2023, đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo nhân viên cấp dưới hoặc cấu kết với các đơn vị khác thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, kế toán.
Hành vi sai phạm của bị cáo Hậu và các đồng phạm gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, với tổng số tiền hơn 1.160 tỷ đồng. Trong đó, hậu quả thiệt hại từ hành vi vi phạm quy định về kế toán là 504,5 tỷ đồng; từ việc xác định lại giá đất là 204 tỷ đồng; từ hành vi vi phạm quy định về đấu thầu là 459 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu.
Đáng chú ý, lợi dụng mối quan hệ cá nhân hoặc qua công việc, Nguyễn Văn Hậu đưa tiền cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các Sở ngành tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi… với tổng số tiền 132 tỷ đồng để những người này lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thực hiện công việc theo đề nghị của Hậu, giúp
Tập đoàn Phúc Sơn
trúng thầu, gây thiệt hại.
Hội đồng xét xử có quan điểm cho rằng, các bị cáo phạm tội đều phải khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn
Nguyễn Văn Hậu
là chủ mưu xuyên suốt, hưởng lợi ích bất chính nên buộc khắc phục hơn 1.100 tỷ đồng, nhóm nhận hối lộ phải sung công quỹ Nhà nước.
Theo Hội đồng xét xử, đến trước ngày tuyên án, Tập đoàn Phúc Sơn và người thân đã nộp cho Nguyễn Văn Hậu tổng số tiền hơn 800 tỷ đồng.
Bị cáo Hậu cũng tự nguyện dùng hơn 500 lượng vàng và sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đang bị phong tỏa để hoàn thành nghĩa vụ.
Như vậy, cùng các khoản nộp tự nguyện của bị cáo khác, Hội đồng xét xử ghi nhận thu tổng số tiền 1.179 tỷ đồng, vượt con số thiệt hại quy kết nêu trong cáo trạng.
Do khoản tiền đã thu hồi, tòa kiến nghị một số địa phương gỡ lệnh kê biên các bất động sản, nhằm đảm bảo quyền lợi cho Tập đoàn Phúc Sơn.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Đã cân nhắc giữa công và tội
Khi tuyên tòa đánh giá hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, huy động nguồn lực đầu tư tại địa phương, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước.
Trong vụ án, mỗi bị cáo là một mắt xích, ở mỗi giai đoạn khác nhau đều gây hậu quả.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Hậu là chủ mưu, đã thao túng, làm tha hóa, biến chất, sa ngã nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ của nhiều địa phương; hành vi đưa hối lộ của bị cáo làm băng hoại đạo đức, ảnh hưởng xấu tới cách hành xử, đe dọa sự tồn vong của chế độ nên cần nghiêm trị dù đã rất tích cực khắc phục hậu quả.
Hội đồng xét xử cho biết, trong thời gian nghị án đã cân nhắc giữa công, tội với một số bị cáo là cấp dưới, làm theo chỉ đạo, phục tùng, phạm tội với vai trò thứ yếu không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít… để đưa ra mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và khung hình phạt liền kề, trừ tội “Đưa hối lộ” của Hậu.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng đánh giá cao việc các bị cáo có nhận thức tích cực, đặc biệt là Nguyễn Văn Hậu, các bị cáo thuộc Tập đoàn Phúc Sơn và bị cáo Đặng Trung Hoành (cựu Chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít, Vĩnh Long). Sự hợp tác của nhóm này đã giúp làm sáng tỏ vụ án.
Xét nhân thân, hầu hết bị cáo đều có trình độ học vấn, có thành tích trong công tác, nhiều người được tặng huân chương, bằng khen, giấy khen. Gia đình có ông, bà, cha, mẹ là người có công với cách mạng, như: Bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Lê Duy Thành, ông Lê Viết Chữ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) và ông Đặng Quang Minh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)…
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Hậu được đánh giá tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng… nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt thấp hơn đề nghị của Viện Kiểm sát.
9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”;
7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp mức án 30 năm tù.
Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu 14 – 15 năm tù về tội “Đưa hối lộ”,
11 – 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”,
7 – 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hình phạt là 30 năm tù.
Nguồn: https://cafef.vn/ly-do-chu-tich-tap-doan-phuc-son-nguyen-van-hau-duoc-huong-mot-phan-hinh-phat-thap-hon-de-nghi-cua-vien-kiem-sat-188250711140518957.chn