Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với động lực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VN30 tăng gần 25 điểm phiên 11/7 qua đó lập đỉnh mới 1.594,01 điểm, phá kỷ lục cũ xác lập vào phiên 25/11/2021. Thậm chí, trong phiên vừa qua, chỉ số này còn có thời điểm chạm mốc 1.600 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.
VN30 vượt đỉnh trong khi VN-Index vẫn còn kém đỉnh lịch sử hơn 70 điểm, tức là khoảng gần 5%. Những phiên gần đây, dòng tiền tập trung kéo trụ khiến chênh lệch điểm số giữa VN30 và VN-Index ngày càng lớn. Riêng trong phiên 11/7, mức tăng của VN-Index chỉ tương đương một nửa so với VN30.
Dòng tiền ngoại trở lại mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này. Từ đầu tháng 7, khối ngoại đã mua ròng hơn 10.000 tỷ trên HoSE. Lực mua nhanh và mạnh với giá trị lên đến cả nghìn tỷ mỗi phiên. Với quy mô như vậy, không bất ngờ khi điểm đến là các cổ phiếu vốn hóa lớn còn room.
Đánh giá về dòng vốn ngoại thời gian gần đây, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng Cá nhân của Maybank Investment Bank (MSVN), cho rằng có một số biểu hiện cho thấy P-Notes đóng góp quan trọng vào lực mua của khối ngoại. P‑Notes có đặc tính giao dịch quyết liệt và thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao.
Ngoài dòng tiền P-Notes, khối ngoại đảo chiều mua ròng khi triển vọng nâng hạng đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo nhiều nhận định, dòng vốn ngoại thường đến sớm trước thời điểm nâng hạng khoảng 4-5 tháng. Nếu đúng kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng vào cuối năm nay và đây là giai đoạn vàng để dòng vốn ngoại đón đầu sóng nâng hạng.
Trong báo cáo “ASEAN Equity Strategy”, JP Morgan cho rằng việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài không phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch vào tháng 11/2024 và nâng cấp hệ thống giao dịch (KRX) đã nâng xác suất Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) trong kỳ rà soát tháng 9/2025. Việc nâng hạng có thể hút dòng vốn thụ động hơn 500 triệu USD vào thị trường và cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Cũng tại báo cáo này, JP Morgan đã nâng thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với Singapore và Philippines lên trạng thái “tăng tỷ trọng” (OW); giữ quan điểm “trung lập” (Neutral) với Indonesia, Malaysia và “giảm tỷ trọng” (UW) với Thái Lan. Tổ chức này còn dự báo VN-Index lên 1.500 cho kịch bản cơ sở và 1.600 điểm cho kịch bản lạc quan vào cuối năm nay. Theo JP Morgan, thị trường Việt Nam hội tụ 4 yếu tố tích cực.
Thứ nhất, Việt Nam là đối tác thương mại đầu tiên khu vực Đông Nam Á đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trong thời hạn tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày. Việc công bố các thỏa thuận thương mại “có thể là chất xúc tác quan trọng trong ngắn hạn đối với từng quốc gia”, theo báo cáo của JPMorgan.
Tiếp đến, Chính phủ Việt Nam có khả năng thúc đẩy tài khóa đáng kể để hỗ trợ tăng trưởng, bất chấp rủi ro bên ngoài. Thực tế, GDP nửa đầu năm tăng trưởng 7,52%, mạnh nhất kể từ năm 2011 với đầu tư công tăng đến 40% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ 2024, theo Bộ Tài chính. “Đây là điểm khác biệt quan trọng trong ASEAN, vì hầu hết quốc gia khác đều có dư địa tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng còn hạn chế”, báo cáo nhận định.
Thuận lợi khác cho thị trường chứng khoán là USD yếu giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa chính sách. Đồng thời, vị thế đầu tư nước ngoài còn thấp, với khoảng 1,3 tỷ USD trên 2,3 tỷ USD rút ròng từ sau bầu cử Mỹ. Thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ khả năng giúp khối ngoại quay lại tích cực hơn.
Mặt khác, dù giai đoạn bi quan nhất đã qua, JPMorgan cho rằng còn quá sớm để kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi. Bởi lẽ, chính sách tiền tệ cần thời gian để hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Trong khi đó, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu với xác suất 40% là vẫn cao, gây bất lợi cho thị trường nửa cuối năm. Vì vậy, JPMorgan khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng nhóm cổ phiểu đại diện cho nhu cầu nội địa như ngân hàng, công nghiệp và tiêu dùng không thiết yếu.
Nguồn: https://cafef.vn/vn30-chinh-thuc-pha-dinh-lich-su-188250711152121229.chn