Tân binh ngành gạo dưới trướng đại gia Nguyễn Hoàng Nam “hút” trăm tỷ đồng trái phiếu, hé lộ cú chuyển hướng đầy tham vọng

Cổ đông nội bộ ‘chốt kèo’, hé lộ tham vọng lớn

Theo thông tin công bố ngày 10/7, TCO Holdings (HOSE: TCO) đã hoàn tất phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định 9%/năm với tổng giá trị 260 tỷ đồng. Người mua không ai khác là hai cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 2,2 triệu cổ phiếu TCO – ông Dương Minh Hoàng và ông Võ Công Hiền.

Toàn bộ số tiền thu được được dùng để tất toán trước hạn các khoản vay cá nhân trị giá tương ứng, từng được huy động nhằm tài trợ cho thương vụ mua tòa nhà văn phòng Enterprise Tower và đầu tư nhà máy xay xát có công suất 1.100 tấn/ngày – hai tài sản chủ lực hiện nay của doanh nghiệp.

Tân binh ngành gạo - Nguyễn Hoàng Nam
Chủ tịch TCO Holdings – ông Nguyễn Hoàng Nam (phải) và CEO Bùi Lê Quốc Bảo

Việc chuyển đổi từ vay cá nhân sang trái phiếu giúp TCO vừa giảm áp lực trả nợ ngắn hạn, vừa tạo dư địa chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu trong tương lai, đồng thời nâng tính minh bạch và hấp dẫn cho cấu trúc tài chính.

TCO Holdings tiền thân là Công ty TNHH Vận tải Duyên Hải, thành lập từ năm 1979 và hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi. Tháng 3/2008, doanh nghiệp hợp nhất bốn công ty thành viên để hình thành Công ty Cổ phần Vận tải Đa phương thức Duyên Hải với vốn điều lệ ban đầu hơn 90,9 tỷ đồng. Đến tháng 12/2009, cổ phiếu của công ty chính thức giao dịch trên sàn UpCOM với mã chứng khoán TCO, trước khi được niêm yết trên HOSE vào năm 2012.

Sau nhiều năm tập trung vào logistics, năm 2023 đánh dấu bước ngoặt khi doanh nghiệp hoàn tất thoái vốn khỏi lĩnh vực truyền thống, đồng thời đổi tên thành Công ty CP TCO Holdings. Năm 2024, TCO chuyển đổi ngành nghề kinh doanh chính từ vận tải sang tư vấn quản lý, đồng thời đăng ký mở rộng sang các lĩnh vực mới như bán buôn gạo, kinh doanh bất động sản và hoạt động đầu tư. Đây được xem là cú chuyển hướng chiến lược, đặt nền móng cho giai đoạn tái cấu trúc toàn diện và định vị lại vai trò của TCO trên thị trường.

tco-holdings2.jpg
TCO Holdings đặt mục tiêu thu về 3.000 tỷ đồng trong năm 2025, chuẩn bị xúc tiến xuất khẩu gạo trực tiếp

Không chỉ gây chú ý bởi hoạt động tài chính, TCO Holdings còn là “tân binh” đáng theo dõi của ngành gạo Việt Nam. Từ vị thế nhà gia công thuần túy, doanh nghiệp này đang chuyển mình mạnh mẽ với tham vọng trở thành một trong năm doanh nghiệp hàng đầu ngành lúa gạo. Hiện công ty tập trung vào các khâu giá trị gia tăng như sấy, xay xát và đánh bóng gạo cho thị trường nội địa.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa diễn ra tháng 6/2025, ông Nguyễn Hoàng Nam, Chủ tịch HĐQT TCO Holdings cho biết, công ty đang hoàn tất thủ tục để được cấp phép xuất khẩu gạo và rất kỳ vọng sớm nhận được giấy phép. Khi đó, TCO sẽ xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác lớn đã có mối quan hệ chặt chẽ, loại bỏ khâu trung gian. “Chúng tôi kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu thời gian tới”, ông Nam nói.

Tổng Giám đốc Bùi Lê Quốc Bảo nói thêm: Quá trình xin giấy phép xuất khẩu gạo của TCO đã đi được 80%, hồ sơ đang trong quá trình xin ý kiến Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương). TCO kỳ vọng cuối tháng 6 đầu tháng 7 sẽ nhận được giấy phép xuất khẩu gạo trực tiếp.

Quá trình xin giấy phép xuất khẩu gạo của TCO đã đi được 80%. Hồ sơ đang trong quá trình xin ý kiến của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương. TCO kỳ vọng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 (2025) sẽ nhận được giấy phép.

Bùi Lê Quốc Bảo, CEO TCO Holdings

Hiện TCO Holdings hoạt động với các khâu sấy, xay xát, đánh bóng trong chuỗi giá trị gạo. ĐHĐCĐ 2025 công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng cho năm 2025.

Lãi đột biến, tiền hụt hơi

Quý I/2025, TCO Holdings ghi nhận doanh thu thuần 488,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 33,2 tỷ đồng, gấp gần 4 lần quý I/2024. Nguyên nhân chính đến từ khoản lãi phát sinh khi thoái vốn khỏi Tập đoàn Nam An – một phần trong kế hoạch tái cấu trúc, đưa tài sản vận hành thực tế về công ty con TCO Agri và rút khỏi các khoản đầu tư không còn chiến lược.

tco-holdings1.jpg
Lợi nhuận quý 1/2025 của TCO Holdings tăng đột biến dù doanh thu thấp nhất trong 4 quý gần đây

Tuy nhiên, lợi nhuận tăng không đồng nghĩa với sức khỏe tài chính toàn diện. Tổng tài sản TCO giảm mạnh gần 590 tỷ đồng so với đầu năm, còn lại 1.363,5 tỷ đồng. Khoản phải thu khách hàng giảm mạnh từ 664 tỷ xuống 179 tỷ đồng, tiền gửi kỳ hạn cũng giảm về 5,1 tỷ đồng.

Ngược lại, hàng tồn kho tăng gấp ba, lên 220 tỷ đồng – dấu hiệu chuẩn bị cho chu kỳ bán hàng mới nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro tồn vốn. Bất động sản đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng lớn (564,5 tỷ đồng), phản ánh chiến lược giữ tài sản tạo dòng tiền ổn định.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương hơn 20 tỷ đồng. Dù thu hồi đầu tư ngắn hạn và có thêm vốn vay, dòng tiền toàn kỳ vẫn âm hơn 10 tỷ đồng. Kết thúc quý, tiền và tương đương tiền còn lại là 18,9 tỷ đồng – mức khá mỏng trong ngành gạo vốn cần vốn lưu động lớn và quay vòng chậm.

vayk.jpg
Vay cá nhân chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu vốn vay của TCO Holdings

Tổng nợ phải trả tính đến cuối quý I là 993 tỷ đồng, tương đương 73% tổng tài sản. Trong đó, bao gồm 260 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi vừa phát hành, 300 tỷ đồng vay ngân hàng và phần nhỏ vay cá nhân. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm rõ rệt, thể hiện nỗ lực tái cấu trúc tài chính và lành mạnh hóa bảng cân đối.

Trên thị trường, cổ phiếu TCO phục hồi nhẹ từ đáy 9.900 đồng (03/7) lên 10.100 đồng (08/7), hiện dao động quanh vùng 10.050 đồng với thanh khoản ổn định trên 250.000 cổ phiếu/phiên. Xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận lớn, cho thấy khả năng cơ cấu cổ đông hoặc giao dịch nội bộ. Giá cổ phiếu đang tích lũy, chờ động lực mới từ kết quả kinh doanh quý II hoặc tiến triển trong chiến lược xuất khẩu gạo.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch HĐQT TCO Holdings vừa hoàn tất mua vào 4,32 triệu cổ phiếu TCO trong giai đoạn từ 20/6 đến 7/7, theo phương thức thỏa thuận. Tỷ lệ mua thành công đạt 86,4% so với kế hoạch 5 triệu cổ phiếu đăng ký, do điều kiện thị trường không thuận lợi. Sau giao dịch, ông Nam nâng sở hữu từ 4,12% lên 17,92% vốn điều lệ, tương đương hơn 5,6 triệu cổ phiếu.

Giai đoạn ông Nam giao dịch cũng ghi nhận hàng loạt phiên thỏa thuận lớn trên thị trường, với tổng khối lượng hơn 5,82 triệu cổ phiếu TCO được sang tay, giá trị xấp xỉ 57 tỷ đồng, bình quân khoảng 9.800 đồng mỗi cổ phiếu. Ước tính, thương vụ của ông Nam có thể tiêu tốn khoảng 42,4 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT TCO Holdings – ông Nguyễn Hoàng Nam vừa hoàn tất mua vào 4,32 triệu cổ phiếu TCO từ ngày 20/6 đến 7/7, theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Nam nâng sở hữu từ 4,12% lên 17,92% vốn điều lệ, tương đương hơn 5,6 triệu cổ phiếu.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tan-binh-nganh-gao-duoi-truong-dai-gia-nguyen-hoang-nam-hut-tram-ty-dong-trai-phieu-he-lo-cu-chuyen-huong-day-tham-vong-1390442.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *