“Đại gia” hạ tầng Trung Quốc muốn tham gia đường sắt cao tốc Bắc – Nam vừa tung mẫu tàu có thể làm lu mờ khái niệm cao tốc cũ

Trung Quốc trình làng tàu đệm từ siêu tốc, rút ngắn hành trình Bắc Kinh – Thượng Hải còn 2,5 giờ

Một mẫu tàu đệm từ tốc độ cao (Maglev) vừa được Trung Quốc công bố hôm 11/7 tại Đại hội Đường sắt cao tốc Thế giới lần thứ 12 tổ chức ở Bắc Kinh, với tốc độ tối đa lên tới 600 km/h. Theo nhà sản xuất, phương tiện này có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và Thượng Hải xuống còn khoảng 2,5 giờ – nhanh hơn gần một nửa so với các tàu cao tốc hiện tại.

đường sắt cao tốc
Trung Quốc ra mắt mẫu tàu đệm từ với tốc độ tối đa lên tới 600 km/h

Đây là mẫu tàu đệm từ thế hệ mới do Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRRC) phát triển, được giới thiệu là phương tiện giao thông mặt đất nhanh nhất từng được sản xuất tại nước này. Thiết kế khí động học với phần đầu tàu nhọn giúp giảm lực cản không khí, trong khi nội thất mang phong cách tương lai đã được hé lộ qua các hình ảnh từ truyền thông quốc gia.

CRRC cho biết giai đoạn kỹ thuật đầu tiên của dự án đã hoàn tất vào tháng 7/2024. Hiện tàu đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên tuyến đường thực tế, bao gồm các bài kiểm tra an toàn và đánh giá tính khả thi kỹ thuật, trước khi được phép vận hành thương mại. Theo tờ The Paper (Thượng Hải), mẫu tàu sẽ hoạt động chủ yếu giữa các thành phố lớn, nhằm bổ sung cho mạng lưới đường sắt hiện hữu.

tàu siêu nhanh
Tàu đệm từ (Maglev) tại Đại hội Đường sắt cao tốc Thế giới lần thứ 12 tổ chức ở Bắc Kinh

Ông Shao Nan, kỹ sư cấp cao tại CRRC, cho biết mẫu tàu này kết hợp tính chính xác và độ an toàn cao của hệ thống đường sắt với tốc độ tương đương hàng không. “Chúng tôi kỳ vọng phương tiện này sẽ lấp khoảng trống giữa tàu cao tốc hiện tại và máy bay, đặc biệt trong các hành lang di chuyển dưới 2.000 km”, ông nói.

Công nghệ đệm từ siêu dẫn mà CRRC đang áp dụng cho phép tàu lơ lửng khỏi mặt ray sau khi đạt tốc độ khoảng 150 km/h, giúp giảm ma sát và tiêu hao cơ học. Trước ngưỡng tốc độ này, tàu vẫn sử dụng bánh xe cao su để vận hành. Hệ thống còn tích hợp công nghệ lái tự động hoàn toàn với nhiều cảm biến, công nghệ truyền thông 5G, AI phân tích video và nhận diện âm thanh dọc tuyến đường.

Các lợi thế khác được nhấn mạnh bao gồm tốc độ cao hơn, tiếng ồn vận hành thấp hơn, không phát thải khí và chi phí bảo trì dài hạn thấp do hạn chế tiếp xúc vật lý giữa các bộ phận chuyển động.

Trung Quốc bắt đầu khai thác tuyến đệm từ đầu tiên vào năm 2003, kết nối Sân bay quốc tế Phố Đông với trung tâm Thượng Hải. Tuyến này được hợp tác phát triển cùng Đức và có vận tốc khoảng 430 km/h. Tuy nhiên, các tuyến đệm từ nội địa tại Trường Sa (2016) và Bắc Kinh (2017) chủ yếu là loại tốc độ thấp, không vượt quá 120 km/h.

3 tập đoàn Trung Quốc muốn tham gia làm đường sắt cao tốc tại Việt Nam

Trong chuyến công tác tại Thiên Tân ngày 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp lãnh đạo ba tập đoàn hạ tầng hàng đầu Trung Quốc gồm Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC), Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) và Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC). Cả ba doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư và triển khai các dự án đường sắt, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam tại Việt Nam.

CREC hiện có khoảng 290.000 nhân viên, trong đó có hơn 85.000 kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật, từng tham gia nhiều dự án giao thông tại Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng hơn 1 tỷ USD. CRCC – doanh nghiệp xếp thứ 42 trong danh sách Fortune Global 500 – cũng khẳng định thế mạnh trong thi công hạ tầng đường sắt quốc tế với hơn 9.000 km đã được hoàn thiện. Trong khi đó, CCCC hiện hoạt động tại hơn 180 quốc gia, từng thực hiện hơn 30 dự án hạ tầng lớn tại Việt Nam với tổng trị giá trên 3 tỷ USD.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đề xuất từ phía các tập đoàn, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu rất lớn trong phát triển giao thông đường sắt, đặc biệt là các tuyến tốc độ cao như Bắc – Nam, các tuyến kết nối biên giới phía Bắc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cũng được xác định sẽ khởi công vào cuối năm nay.

Thủ tướng đề nghị hai bên cùng rút kinh nghiệm từ các dự án đã triển khai, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, trên tinh thần công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/dai-gia-ha-tang-trung-quoc-muon-tham-gia-duong-sat-cao-toc-bac-nam-vua-tung-mau-tau-co-the-lam-lu-mo-khai-niem-cao-toc-cu-1390573.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *