Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025: Mở khóa tiềm năng kinh tế – chiến lược tăng trưởng quốc gia

Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025: Mở khóa tiềm năng kinh tế – chiến lược tăng trưởng quốc gia

Phiên tọa đàm chính “Mở khóa tiềm năng kinh tế – Chiến lược tăng trưởng quốc gia” trong khuôn khổ Hội nghị Techcombank Investment Summit 2025 đã tập trung thảo luận về cơ hội và khả năng tận dụng các xu hướng mới, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số, để phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.  

Tham gia tọa đàm có ông Bùi Hoàng Hải – Phó chủ tịch UBCK Nhà nước, ông Trần Anh Quý – Phó vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông Nguyễn Xuân Giao – Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam – Oman và ông Danny Le – Tổng giám đốc Tập đoàn Masan. Người điều phối chương trình là ông Joydeep Sengupta, Senior Partner tại McKinsey.

Các diễn giả tham dự sự kiện

Kiến tạo nền kinh tế hội nhập, minh bạch, phát triển và bao trùm

Trước khi Hội nghị bước vào phiên tọa đàm quan trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, trước gần 700 lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước, đã nhấn mạnh rằng Việt Nam đang quyết liệt thực hiện đổi mới cơ cấu kinh tế toàn diện và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực phát triển kinh tế, nhằm thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng làm nền tảng và là kim chỉ nam để thu hút ngoại lực và phát huy nội lực. Quốc hội đã sửa đổi 28 luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch để thúc đẩy phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội.

Bên cạnh những chỉ số kinh tế tích cực trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng từ các tuyến đường bộ cao tốc đến sân bay, bến cảng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao… để tạo nền tảng hướng đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số từ năm 2026.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ kiến tạo nền kinh tế hội nhập, minh bạch, phát triển và bao trùm. Chúng tôi cam kết đối xử một cách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, sát cánh cùng tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy thị trường phát triển”.

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán

Phát biểu trong phiên tọa đàm “Mở khóa tiềm năng kinh tế – Chiến lược tăng trưởng quốc gia”, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều cải cách pháp lý trên TTCK, bao gồm sửa đổi Luật Chứng khoán (được thông qua vào năm 2024) và ban hành các quy định mới về tài sản số, thị trường carbon, và Nghị định hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng đang được soạn thảo và sớm trình Chính phủ.

Theo ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN, thị trường đã có nhiều cải cách về pháp lý trong thời gian qua

Với cam kết giảm 30% thủ tục tài chính và chi phí tuân thủ, các cải cách đều nhắm đến mục tiêu chính là tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán (KRX) đã được đưa vào vận hành cùng với việc xây dựng cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) theo tiêu chuẩn quốc tế. Các cải cách này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của thị trường.

“Chúng tôi còn một danh sách dài về những cải cách sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm đồng hành hiệu quả hơn với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. May mắn là các cải cách nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong thời gian qua trong thời gian qua có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ” – ông Hải cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Giao – Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Việt Nam – Oman đề cập đến một khía cạnh khác, đó là việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan ban ngành trong giai đoạn vừa qua.

Ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Việt Nam – Oman

“Thủ tục mở tài khoản giao dịch đã được đơn giản hóa đáng kể, từ gần 3 tháng xuống còn 1 ngày và có thể thực hiện online. NHNN cũng sửa đổi các thông tư liên quan để loại bỏ các yêu cầu rườm rà. Các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) cũng được đơn giản hóa, giảm thời gian chờ đợi thay vì phải tuân thủ nhiều quy định như trước đây”, ông Giao cho biết.

Phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững

Một trong những động lực để khai mở tiềm năng kinh tế là phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững. Ông Trần Anh Quý, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế – NHNN chia sẻ, Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và đã triển khai chiến lược tăng trưởng xanh suốt hơn 10 năm qua. Trong đó, ngành ngân hàng đã có đóng góp đáng kể vào mục tiêu này.

“Với ngành ngân hàng, việc triển khai kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh đã đi qua 2 giai đoạn từ 2011-2020 và 2021-2030; đã có 2 kế hoạch hành động và chiến lược phát triển xanh. Chỉ thị số 03 đã được ban hành để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh và quản lý rủi ro về môi trường, xã hội tại tất cả các ngân hàng trong hệ thống”.

Ngành ngân hàng đã triển khai kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh và đi qua 2 giai đoạn, từ 2011-2020 và 2021-2030; đã có 2 kế hoạch hành động và chiến lược phát triển xanh – theo ông Trần Anh Quý, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế – NHNN

Một trong những điểm đáng chú ý nhất là việc ban hành Thông tư 17, hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường. Ông Quý chia sẻ, tính đến cuối năm 2024, tất cả tổ chức tín dụng đều nghiêm túc triển khai các giải pháp theo cam kết, góp phần vào tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2017-2024, với tổng dư nợ đạt 700 ngàn tỷ đồng. “Các ngân hàng nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững và tôi tin rằng toàn ngành sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình thực hiện cam kết của Việt Nam” – ông nói thêm.

Chìa khóa từ nền tảng công nghệ và chuyển đổi số

Trao đổi tại buổi thảo luận, ông Danny Le, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan cho biết các nhà đầu tư quốc tế đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam khi đất nước đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và Big Data trong nhiều lĩnh vực. Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao nguồn nhân lực Việt Nam với nhiều tài năng về công nghệ và môi trường thuận lợi để triển khai các giải pháp số khi Chính phủ dành rất nhiều sự quan tâm đến lĩnh vực này. Đây là ưu điểm giúp thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Tổng Giám đốc MSN Danny Le

Được hỏi về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với Masan, đặc biệt là trong giai đoạn tập đoàn mở rộng kinh doanh mạnh mẽ trên toàn cầu, đưa các thương hiệu Việt ra thế giới, ông Danny Le khẳng định, AI, blockchain, và Big Data không chỉ giúp mở rộng cơ hội tiếp cận vốn mà còn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng vì việc ứng dụng công nghệ giúp giảm đáng kể thời gian thu hút khách hàng đồng thời nâng cao năng suất lao động.

“Chúng tôi cũng đang hợp tác với Techcombank phát triển các sản phẩm số hóa giữa hai hệ sinh thái, và sẽ hoàn thiện trong 5 năm tới”, ông Danny cho biết thêm.

Tiếp sau phiên thảo luận, Tiến sĩ Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank nhấn mạnh, những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng nể 7-8%. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, nếu muốn thực hiện tham vọng tăng trưởng 2 con số thì đây là thời điểm cần phải hành động ngay nếu không muốn vuột mất cơ hội và lỡ đà tăng trưởng.

Ông Jens Lottner nhận định Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đặt ra nếu tận dụng được các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ để cải thiện năng suất lao động, nền tảng chuyển đổi số cùng với quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như AI, thương mại điện tử hay sản xuất linh kiện công nghệ cao, các mô hình phát triển kinh tế mới – nơi công nghệ, dữ liệu và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển chính.

Tổng Giám đốc Techcombank – ông Jens Lottner

“Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những hành động hỗ trợ rất thiết thực bằng các nghị quyết cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào công cuộc chuyển đổi. Nếu có thể triển khai các chính sách một cách hiệu quả, kết hợp với đổi mới sáng tạo và hợp tác công – tư, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá trở thành nền kinh tế số hàng đầu khu vực trong tương lai”, ông Jens Lottner khẳng định.

Đó cũng là lý do Techcombank tổ chức Hội nghị Đầu tư năm 2025 với chủ đề “Việt Nam mới: Tầm nhìn kiến tạo giá trị” vào thời điểm quan trọng này, nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, đối thoại cùng các nhà hoạch định chính sách đồng thời kết nối các doanh nghiệp có chung tầm nhìn, cùng hợp tác biến các sáng kiến, các cơ hội đầu tư thành các dự án kinh doanh hiệu quả với giá trị và lợi nhuận cho tất cả các bên.

“Trong quá trình đó, với các giải pháp tài chính toàn diện và nền tảng công nghệ vượt trội, Techcombank và hệ sinh thái là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn hiệu quả, đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của Chính phủ”, vị CEO của Techcombank nói tiếp.

“Hãy hợp tác cởi mở, chia sẻ những giá trị vượt trội và truyền cảm hứng, để cùng với nhau, chúng ta sẽ kiến tạo một Việt Nam mới tuyệt vời hơn”, CEO của Techcombank kết thúc phần chia sẻ của mình.

Hải Âu

FILI

– 13:59 14/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/hoi-nghi-dau-tu-techcombank-2025-mo-khoa-tiem-nang-kinh-te-chien-luoc-tang-truong-quoc-gia-737-1327885.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *