Tàu hơn 50 năm vẫn tiếp tục chinh phục độ sâu kỷ lục
Chiến dịch rải ống phục vụ dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam (KNT-KTN) mới đây đã chính thức ghi nhận một dấu mốc mới trong lịch sử thi công ngoài khơi Việt Nam.
Theo đó, con tàu Côn Sơn – được đóng từ năm 1969 đã hoàn thành thi công 42,8km đường ống ngầm ở độ sâu tới 65m dưới đáy biển, trở thành công trình rải ống ngầm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Thuộc sở hữu của Vietsovpetro, tàu Côn Sơn là một trong những tàu rải ống có hiệu quả kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tàu có chiều dài 110,3m, trọng tải toàn phần (DWT) đạt 6.952 tấn, dung tải đăng ký (GRT) là 7.355 tấn, được trang bị hệ thống cẩu có sức nâng tối đa 350 tấn. Dù đã hoạt động trên 50 năm, tàu vẫn đảm nhiệm trọng trách thi công các tuyến đường ống ngầm quan trọng tại vùng biển Việt Nam.
Trước đó, Côn Sơn đã đảm nhận lắp đặt hơn 200km đường ống ngầm cho các mỏ dầu khí như Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Cá Tầm và gần nhất là mỏ Kình Ngư Trắng và Kình Ngư Trắng Nam – thuộc Lô 09-2/09. Đây là khu vực nước sâu, xa bờ, nằm trong định hướng chiến lược mở rộng khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Vietsovpetro.
Dầu khí Việt Nam vượt thử thách thi công dưới đáy biển
Chiến dịch rải ống tại mỏ KNT-KTN đặt ra yêu cầu thi công 3 tuyến ống với tổng chiều dài 42,8km ở độ sâu tới 65m – độ sâu lớn nhất từng được thi công bởi tàu Việt. Đây là thử thách kỹ thuật chưa từng có, đòi hỏi khả năng vận hành thiết bị với hiệu suất và độ chính xác tuyệt đối, đồng thời duy trì tiến độ liên tục trong điều kiện biển động và áp lực dưới đáy biển lớn.
Hệ thống đường ống này đóng vai trò thiết yếu trong việc vận chuyển nước ép vỉa, khí gaslift và sản phẩm dầu khí, kết nối mỏ KNT-KTN với hạ tầng hiện có tại mỏ Bạch Hổ (Lô 09-1). Giải pháp này không chỉ tối ưu hóa hiệu quả kỹ thuật mà còn tiết kiệm ngân sách đáng kể cho dự án, khi tận dụng toàn bộ hạ tầng và nguồn lực sẵn có.
Trong bối cảnh giá thiết bị, tàu thuyền và vật tư leo thang do ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, Vietsovpetro đã chủ trương không thuê tàu nước ngoài mà huy động nguồn lực trong nước. Việc tái sử dụng tàu Côn Sơn không chỉ giúp chủ động về tiến độ mà còn tiết kiệm hàng triệu USD cho ngân sách dự án.
Đồng thời, gần 200 kỹ sư và công nhân được huy động làm việc liên tục 24/24 trong 55 ngày trên biển, vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt với mưa giông, sóng lớn. Đội ngũ kỹ thuật đã ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ, sáng kiến thi công phù hợp để đảm bảo an toàn tuyệt đối và hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Sự thành công của chiến dịch rải ống bằng tàu Côn Sơn không chỉ đánh dấu bước tiến kỹ thuật quan trọng mà còn thể hiện năng lực tự chủ vượt trội của ngành dầu khí Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo sát sao từ ban lãnh đạo Vietsovpetro và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên như PVEP, OA Zarubezhneft, dự án KNT-KTN đã trở thành hình mẫu trong thi công đường ống ngầm nước sâu tại khu vực Đông Nam Á.
Đây cũng là công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng bộ Petrovietnam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, làm chủ kỹ thuật và nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt trên bản đồ năng lượng khu vực.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/dau-khi-viet-lap-ky-tich-thi-cong-duoi-day-bien-1390823.html