Cổ phiếu bất động sản nổi sóng, thị trường tiếp tục tăng tốc

Bỏ qua những cảnh báo về chỉ báo kỹ thuật ở mức quá mua, dòng tiền FOMO vẫn chảy mạnh giúp thị trường tiếp tục mở cửa phiên sáng 14/7 duy trì đà tăng khá tốt. Mặc dù có thời điểm thị trường đảo chiều giảm điểm bởi sắc đỏ lan rộng bảng điện tử, nhưng lực cầu hấp thụ mạnh với trụ đỡ vững chắc từ VIC, đã giúp VN-Index nhanh chóng bật hồi và khép lại phiên sáng với mức tăng tích cực cả về điểm số và thanh khoản.

Bước sang phiên giao dịch chiều, trong khi “anh cả” VIC có chút hạ nhiệt, dòng tiền chảy mạnh tiếp tục “chắp cánh” cho các cổ phiếu khác nhóm bất động sản, giúp nhiều mã nổi sóng lớn và chỉ số VN-Index nới thêm đà tăng điểm.

Đây là phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp và chỉ tính trong khoảng nửa đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã tăng tới hơn 94 điểm, tương ứng tăng 6,86%, lên mức cao nhất trong hơn 3 năm, đứng tại mốc 1.470 điểm.

Mặc dù khi các chỉ báo động lượng đã đi vào vùng quá sẽ luôn tiềm ẩn khả năng điều chỉnh kỹ thuật, nhưng với dòng tiền mạnh mẽ và upside của chỉ số VN-Index vẫn còn nhiều, thì trong các phiên tới đây, nếu thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh cũng sẽ mang tính chất lành mạnh trong xu hướng tăng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 206 mã tăng và 117 mã giảm, VN-Index tăng 12,66 điểm (+0,87%), lên 1.470,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 1,35 tỷ đơn vị, giá trị 31.449 tỷ đồng, tăng 6,3% về khối lượng và giảm nhẹ 1,5% về giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 11/7.

Nhóm VN30 kết phiên tăng gần 12 điểm, với 18 mã tăng và 11 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu VIC để mất sắc tím nhưng vẫn là điểm tựa chính cho thị trường khi đóng góp khoảng 4,7 điểm. Kết phiên, cổ phiếu VIC tăng 4,6% lên mức cao kỷ lục 113.000 đồng/CP, nâng vốn hóa thị trường lên 438.280 tỷ đồng.

Điểm sáng khác trong nhóm bluechip nói chung và cả dòng bank nói riêng là VPB khi đóng cửa tăng 4,2% lên mức 21.000 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ, lên tới gần 63,4 triệu đơn vị và được khối ngoại mua ròng tới 9 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu đều chỉ giảm trên dưới 1%. Trong đó, mã tác động mạnh nhất tới thị trường là VCB, đóng cửa giảm nhẹ 0,5%.

Xét về nhóm ngành, bất động sản tiếp tục tỏa sáng với hàng loạt mã đua nhau tăng trần, đặc biệt là cặp DXG – DXS. Trong đó, cổ phiếu DXG giao dịch đột biến với hơn 55,4 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần xấp xỉ 3,9 triệu đơn vị; còn DXS khớp hơn 10,1 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,5 triệu đơn vị.

Các mã khác như FIR, LDG, HAR, NHA, HDC cũng đóng cửa đều trong trạng thái dư mua trần chất đống. Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ trong ngành cũng nới rộng đà tăng mạnh nhờ lực cầu sôi động như NVL tăng 1% và khớp 37,7 triệu đơn vị, DIG tăng 3,9% và khớp 29,64 triệu đơn vị, CII tăng 3% và khớp 27,56 triệu đơn vị, PDR tăng 4,8% và khớp 24,8 triệu đơn vị, HQC, HHV, VCG, SCR, TCH khởi sắc và thanh khoản đều trên chục triệu đơn vị…

Bên cạnh đó, nhóm trụ cột bank – chứng – thép đều tăng nhẹ dù các mã đầu ngành như VCB, CTG, hay HPG đều đóng cửa giảm nhẹ. Trong khi điểm sáng dòng bank là VPB, thì ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu BSI tăng tốt nhất ngành với biên độ tăng 4,4%, còn sôi động nhất là SSI với gần 51,5 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa chỉ nhích nhẹ 0,3%.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu vận tải đi ngược xu hướng chung, với GMD giảm 2%, VJC giảm 1%, HAH, VSC đều giảm nhẹ.

Trên sàn HNX, lực cầu hấp thụ mạnh với tâm điểm là nhóm HNX30 đã giúp các mã bluechip hồi phục tích cực và thị trường chung đảo chiều khởi sắc.

Chốt phiên, sàn HNX có 87 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index tăng 0,8 điểm (+0,33%) lên 239,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 137,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.272 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu gồm IDJ, APS và API đóng cửa đều tăng kịch trần với thanh khoản sôi động, cao nhất là IDJ khớp gần 4,4 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã vừa và nhỏ đáng chú ý khác là TIG tăng 2,7%, NRC tăng 6,9%, VC2 tăng 2,4% với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.

Ngoài các mã bất động sản vừa và nhỏ trên, cổ phiếu khác trong ngành là CEO cũng nổi dậy nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Kết phiên, CEO tăng 3,2% lên mức 19.300 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 33,87 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau khởi sắc, với SHS và MBS cùng tăng 0,7%, thanh khoản lần lượt đạt 31,85 triệu đơn vị và 8,4 triệu đơn vị, BVS tăng 3,7% và VIG tăng 1,5% với thanh khoản cùng đạt gần 1,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường tiếp tục duy trì trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,05%) xuống 102,67 điểm với 142 mã tăng và 119 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 110 triệu đơn vị, giá trị gần 771 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường đều giao dịch khởi sắc. Trong đó, BVB đóng cửa tăng 3% và khớp 5,94 triệu đơn vị.

Tiếp theo là HBC tăng 2,9% và khớp gần 4,1 triệu đơn vị, HNG tăng 1,6% và khớp 3,3 triệu đơn vị, ABB tăng 2,3% và khớp 2,97 triệu đơn vị, SBS tăng 2% và khớp 2,92 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai 41I1F7000 tăng 5,3 điểm, tương đương +0,3% lên 1.601,2 điểm, khớp gần 290.890 đơn vị, khối lượng mở đạt gần 38.660 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CHPG2406 có thanh khoản vượt trội, với 9,25 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 4,1% xuống 1.160 đồng/cq. Tiếp theo là CVPB2407 khớp 7,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 120% lên 220 đồng/cq.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-bat-dong-san-noi-song-thi-truong-tiep-tuc-tang-toc-post373026.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *