Lãi bán niên năm thứ hai liên tiếp, doanh thu cao nhất 5 năm
Ngày 4/7/2025, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra thông báo chuyển cổ phiếu của Công ty CP Dược Lâm Đồng (Ladophar, HNX: LDP) từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo do lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2024 vẫn ở mức hơn 52 tỷ đồng.
Trước diễn biến này, Ladophar đã công bố văn bản giải trình kèm theo biện pháp và lộ trình khắc phục, đồng thời công bố ước kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 với nhiều tín hiệu khả quan.
Cụ thể, doanh thu bán niên của Công ty ước đạt hơn 111 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, trong khi lãi trước thuế đạt hơn 2 tỷ đồng, tăng gần 16%. Đây là năm thứ hai liên tiếp doanh nghiệp có lãi bán niên sau chuỗi thua lỗ kéo dài từ 2018-2023. Mức doanh thu này cũng được ghi nhận là cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trước đó, trong năm 2024, Ladophar ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất gần 7 tỷ đồng, vượt 130% kế hoạch năm. Tuy nhiên, do khoản lỗ lũy kế lớn từ các năm trước chưa được xóa bỏ, cổ phiếu LDP vẫn bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định của HNX.
Trong quý 3/2025, Ladophar đặt mục tiêu doanh thu 94 tỷ đồng và lợi nhuận gần 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng triển khai kế hoạch tiết giảm 15% chi phí vận hành và kiểm soát các khoản chi không hiệu quả. Trong quý 4, LDP dự kiến đạt doanh thu khoảng 104 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế ước khoảng 3 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn và đầu tư mới, kỳ vọng mở lối thoát cho khoản lỗ lũy kế
Để hỗ trợ cho lộ trình tái cấu trúc tài chính, Ladophar đã hoàn tất phát hành 635.000 cổ phiếu ESOP vào ngày 26/6/2025, tương ứng gần 5% vốn điều lệ, với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của công ty tăng lên hơn 133 tỷ đồng.
Tiếp theo, doanh nghiệp dự kiến chào bán riêng lẻ 13,64 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 11.000 đồng/cp, hướng đến nhóm dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên hơn 263 tỷ đồng (chưa bao gồm lượng cổ phiếu ESOP đã phát hành).
Tổng số tiền dự kiến thu về từ đợt chào bán riêng lẻ này tối thiểu khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó, gần 66 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu ứng dụng công nghệ CO₂ siêu tới hạn; khoảng 58,5 tỷ đồng dùng để thanh toán các khoản nợ vay và trái phiếu đến hạn; phần còn lại sẽ được đầu tư vào thiết bị phục vụ sản xuất – kinh doanh.
Dự án nhà máy chiết xuất dược liệu đã được ĐHĐCĐ năm 2025 thông qua, đặt tại Khu công nghiệp Phú Hội (Lâm Đồng) với tổng mức đầu tư 157,5 tỷ đồng, triển khai từ năm 2025 đến 2030.
Trong đó, khoảng 105 tỷ đồng sẽ được vay ngân hàng trong kỳ hạn 7 năm, với lãi suất 8,2%/năm, phần còn lại là vốn tự có của doanh nghiệp.
Theo tính toán của Ladophar, khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy có thể tạo ra doanh thu 9,2 triệu USD/năm (khoảng 230 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế khoảng 97 tỷ đồng/năm và có khả năng hoàn vốn trong giai đoạn 2028-2032. Các sản phẩm chính bao gồm: dầu hạt đàn hương, tinh dầu gỗ đàn hương, tinh dầu thảo dược và các hoạt chất sinh học như curcumin, lycopene.
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn và đầu tư mới, Ladophar cũng thực hiện lộ trình tái cấu trúc tài chính. Doanh nghiệp tập trung vào việc cơ cấu lại các khoản vay ngắn hạn, ưu tiên thanh toán sớm các khoản nợ có lãi suất cao, đàm phán giãn tiến độ trả nợ và thực hiện trích lập dự phòng phù hợp để giảm áp lực tài chính trong trung và dài hạn.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 14/7, cổ phiếu LDP giao dịch quanh mức 11.600 đồng/cp, tăng nhẹ 5% trong 1 tháng qua nhưng vẫn thấp hơn khoảng 36% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 60.000 cp/ngày.
Dù từng đạt đỉnh trên 25.000 đồng/cp vào tháng 4/2024, cổ phiếu LDP hiện vẫn còn cách xa mốc đỉnh lịch sử hơn 55.000 đồng/cp thiết lập đầu năm 2022. Đó là thời điểm LDP có liên quan đến nhóm Louis, trước khi ông Đỗ Thành Nhân – cựu Chủ tịch Louis Holdings bị bắt vì thao túng chứng khoán.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/bi-canh-bao-vi-lo-luy-ke-doanh-nghiep-bat-ngo-chuyen-minh-manh-me-ghi-nhan-doanh-thu-cao-nhat-5-nam-1390936.html