Bước ngoặt quan trọng trong cải cách chính sách tiền tệ
Việc tiến tới bỏ room tín dụng được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là bước ngoặt quan trọng trong cải cách chính sách tiền tệ, phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong việc hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, phù hợp với định hướng xây dựng một ngành ngân hàng vận hành theo cơ chế thị trường, minh bạch. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu cho thấy chính sách vĩ mô đang dần trở nên cởi mở hơn, tiệm cận các thông lệ quốc tế và tạo nền tảng thuận lợi để thu hút dòng vốn trung – dài hạn, yếu tố rất cần thiết cho tăng trưởng ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán.
Động thái này được thị trường kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Việc được “cởi trói” khỏi hạn mức tín dụng cố định sẽ cho phép chủ động hơn trong việc phân bổ vốn vay. Thay vì bị giới hạn bởi quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có thể dựa vào sức khỏe tài chính nội tại và nhu cầu thực tế của thị trường để đẩy mạnh tín dụng.
Theo các chuyên gia phân tích, nhóm hưởng lợi lớn nhất từ sự thay đổi này là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đặc biệt là những đơn vị đang dẫn đầu về nền tảng vốn và đã xây dựng được hệ sinh thái khách hàng vững chắc (bao gồm cả khối doanh nghiệp và bán lẻ). Nhờ khả năng chủ động đưa vốn vào các lĩnh vực có nhu cầu cao và quản lý rủi ro hiệu quả hơn, một số ngân hàng tiêu biểu như MBB, TCB, VPB, ACB, HDB sẽ có cơ hội tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn của mình.
Bên cạnh nhóm ngân hàng tư nhân, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng cá nhân, tăng trưởng dư địa tín dụng và cải thiện biên lãi ròng (NIM) trong thời gian tới. Khi tín dụng được mở rộng và NIM được tối ưu, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng được dự báo sẽ có đà tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn. Các ngân hàng có cơ sở để kỳ vọng và đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao trong kế hoạch kinh doanh khi không còn vướng rào cản hành chính.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” cũng mang đến nhiều thách thức. Cụ thể, các ngân hàng sẽ phải tập trung nhiều hơn vào quản lý rủi ro tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn vay, thay vì chỉ chạy theo hạn mức. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải nâng cao năng lực thẩm định, giám sát khoản vay và xây dựng bộ đệm vốn vững chắc để đối phó với rủi ro nợ xấu. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng để thu hút khách hàng và cho vay hiệu quả sẽ gia tăng. Ngân hàng nào có chất lượng dịch vụ tốt, quy trình nhanh gọn và chi phí vốn thấp sẽ có lợi thế hơn.
Tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu ngân hàng
Sóng lên của nhóm ngân hàng có thể chia thành nhiều giai đoạn, có thể sẽ có điều chỉnh trong quá trình tăng, nhưng về cơ bản sóng lên của nhóm này sẽ kéo dài trong 3 – 5 quý tới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Finpeace
Thông điệp chung trong vài năm qua từ phía Ngân hàng Nhà nước là linh hoạt trong phân bổ room tín dụng. Tuy nhiên, trước tín hiệu rõ ràng về một lộ trình xóa bỏ room tín dụng, thị trường chứng khoán và nhóm ngân hàng có phản ứng rất tích cực.
Thị giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở đỉnh lịch sử như CTG (Ngân hàng TMCP Công thương), TCB (Ngân hàng TMCP Techcombank), STB (Ngân hàng TMCP Sacombank), hoặc có xu hướng tăng ngắn hạn và cách không xa so với đỉnh lịch sử như BID (Ngân hàng TMCP BIDV), VCB (Ngân hàng TMCP Vietcombank).
Nhận định về diễn biến này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Finpeace cho rằng, các ngân hàng đã quen với việc bị áp trần tín dụng từ 14 năm qua, tuy nhiên, mức trần vẫn là một rào cản của tăng trưởng theo tính chất thị trường. Trong khi các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán niêm yết luôn đòi hỏi các doanh nghiệp phát triển nhanh để bù đắp chi phí vốn họ bỏ ra trong quá trình đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, nhóm ngân hàng tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn vào chỉ số VN-Index, sự tích cực của nhóm này làm tăng sự hấp dẫn của thị trường niêm yết trong mắt nhà đầu tư cá nhân.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle1 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle1, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’).style.display = “none”;} });
Năm 2025 đánh dấu sự phát triển vượt trội về chất và lượng của nhiều ngân hàng lớn. Việc dỡ bỏ cơ chế room tín dụng có thể nói được “kích hoạt” rất đúng lúc để mỗi ngân hàng tận dụng đà đang có để phát triển theo các hướng riêng. Gần đây nhất, nhà đầu tư có thể thấy rõ hơn câu chuyện phát triển của Ngân hàng Techcombank qua việc IPO Công ty Chứng khoán Techcombank.
Tầm nhìn của ngân hàng này là thâm nhập sâu hơn vào thị trường quản lý gia sản, mạng lưới khách hàng SME/hộ kinh doanh và thị trường bảo hiểm nhân thọ. Các ngân hàng khác cũng có những câu chuyện phát triển rất hấp dẫn như Ngân hàng Quân đội (MBB), với số lượng tài khoản mở mới rất ấn tượng và hoàn toàn có thể tiếp tục chiếm lĩnh số lượng tài khoản hàng đầu. Do đó, nhịp tăng trưởng tiếp theo của nhóm này đang được hỗ trợ từ năng lực huy động vốn từ thị trường chứng khoán, cho tới tạo điều kiện cơ chế. Đây chính là cơ hội lớn cho toàn bộ nhóm ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, so với các nhóm ngành khác, ngân hàng là nhóm đủ kích cỡ về thanh khoản để các dòng tiền lớn có thể dễ dàng tham gia, mà giảm thiểu tác động lên quy mô giá giao dịch. Ông Tuấn Anh cho rằng, nhóm ngân hàng sẽ có biến động tích cực tương tự như năm 2021. Tại đó, sóng lên có thể chia thành nhiều giai đoạn, có thể sẽ có điều chỉnh trong quá trình tăng, nhưng về cơ bản sóng lên của nhóm này sẽ kéo dài trong 3 – 5 quý tới.
Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao sẽ hưởng lợi trực tiếp khi không còn hạn mức tín dụng, nhờ dư địa cấp tín dụng lớn hơn, cải thiện lợi nhuận và NIM khi đẩy mạnh các khoản vay dài hạn. Hiện TCB có CAR khoảng 15%, VPB 16%, HDB 14%, trong khi các ngân hàng nhỏ như NCB chỉ quanh 8 – 9% sẽ cần tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu cấp 2 để đáp ứng yêu cầu vốn, có thể gây áp lực pha loãng cổ phiếu. Trong khi đó, P/B ngành ngân hàng dự phóng năm 2025 đang ở mức 1,3 lần, thấp hơn mức trung bình khu vực 1,5 – 1,7 lần, còn ROE trung bình các ngân hàng lớn dự kiến đạt khoảng 16%, tạo dư địa tăng giá cổ phiếu khi tín dụng phục hồi. Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2025, cao hơn mức 14% của năm 2024, nhờ tín dụng phục hồi và nhu cầu vốn cho tiêu dùng, bất động sản, hạ tầng.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của Công ty cổ phần FIDT, việc tín dụng tăng nhanh có thể làm gia tăng nợ xấu nếu không kiểm soát chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, tỷ lệ tín dụng trên huy động (LDR) toàn ngành hiện khoảng 104%, có thể gây áp lực tăng lãi suất huy động, ảnh hưởng NIM nếu không được quản lý tốt. Ngoài ra, biến động tỷ giá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao cũng là yếu tố cần theo dõi, đặc biệt với các ngân hàng có dư nợ ngoại tệ lớn.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle2 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle2, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’).style.display = “none”;} });
Theo giới chuyên gia phân tích, việc bỏ room tín dụng là chất xúc tác quan trọng giúp ngành ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh và cải thiện lợi nhuận, đồng thời thu hút dòng vốn ngoại khi Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nên ưu tiên các ngân hàng lớn, CAR cao, chất lượng tài sản tốt và quản trị rủi ro chặt chẽ như VCB, BID, TCB, VPB, HDB, đồng thời theo dõi rủi ro lãi suất và chất lượng tín dụng để quản trị danh mục hiệu quả trong giai đoạn này.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-ngan-hang-se-co-song-bo-room-tin-dung-post372981.html