CEO Selex Motors: Tuy muộn, Việt Nam vẫn có thể dẫn đầu khu vực về xe điện, hành động ngay từ bài học của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan

Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan đã triển khai thành công các chính sách chuyển đổi sang xe máy điện, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải chuyên nghiệp như giao hàng và xe ôm công nghệ.

Nói về cuộc chuyển đổi tại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO của Selex Motors – một startup xe điện và năng lượng – nhấn mạnh rằng sự thành công của quá trình chuyển đổi phụ thuộc vào ba yếu tố cốt lõi: mục tiêu và lộ trình chuyển đổi phù hợp, chính sách hỗ trợ tài chính, và hạ tầng năng lượng.

Trong đó, ông Nguyên đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của một lộ trình bài bản và hạ tầng dùng chung.

CEO Selex Motors: Tuy muộn, Việt Nam vẫn có thể dẫn đầu khu vực về xe điện, hành động ngay từ bài học của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan- Ảnh 1.

Bài học về một lộ trình chuyển đổi phù hợp

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự chuyển đổi chỉ thành công khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước với một chính sách toàn diện và lộ trình phù hợp. Theo ông Nguyên, chính quyền cần đặt ra mục tiêu đồng bộ, chi tiết và một lộ trình chuyển đổi cụ thể, đủ dài, thường là 5 năm hoặc hơn, để cả hệ sinh thái có thời gian chuyển dịch một cách bền vững.

Về mục tiêu, đó không nên chỉ bao gồm một số lượng xe chuyển đổi, mà phải hướng tới phát triển cả một hệ sinh thái, để làm hạt nhân cho việc chuyển đổi xe máy điện ở các phân khúc phổ thông. Hệ sinh thái này gồm các nhà sản xuất nội địa, hạ tầng năng lượng dùng chung cho tất cả các hãng, các công ty vận tải, các bên cung cấp tài chính, các công ty cung cấp điện (bao gồm năng lượng tái tạo), các công ty cung cấp dịch vụ hậu mãi…

Về lộ trình, ông Nguyên cho rằng nên được chia làm hai giai đoạn: khuyến khích và bắt buộc.

“Trong 3 năm đầu, có thể tập trung vào các chính sách khuyến khích chuyển đổi bằng hỗ trợ tài chính. 2 năm sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn bắt buộc, ví dụ như cấm xe máy xăng cung cấp dịch vụ vận tải trong nội thành và các nền tảng công nghệ dừng đăng ký mới xe máy xăng,” ông Nguyên phân tích.

Mô hình này đã được áp dụng rất thành công tại Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi chính quyền đã cấm hoàn toàn xe máy xăng tại 6 quận trung tâm từ năm 2023 sau một thời gian dài khuyến khích. Trong khi đó, Ấn Độ và Thái Lan hiện chưa áp dụng biện pháp cấm xe xăng.

Cách tiếp cận theo giai đoạn sẽ giúp các nhà sản xuất nội địa, đơn vị vận tải, và các bên cung cấp tài chính có đủ thời gian chuẩn bị và thích ứng.

Hạ tầng năng lượng dùng chung – Xương sống của hệ sinh thái

“Có đủ hạ tầng năng lượng để sạc và đổi pin là điều kiện cần để người dùng yên tâm chuyển đổi. Hạ tầng năng lượng phải được ưu tiên phát triển trước 1 bước” – Ông Nguyên phân tích.

Theo CEO Selex Motors, nhà nước cần có các chính sách mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hạ tầng theo hướng dùng chung, chia sẻ với tất cả các hãng sản xuất và người dùng, để tối ưu nguồn lực đầu tư. Các chính sách cần tập trung vào việc quy hoạch vị trí điểm đặt, có ưu đãi tài chính để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn phát triển hạ tầng, và có khung giá ưu đãi và chính sách mua điện hợp lý.

Đây cũng là chính sách được nhiều nước áp dụng. Các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đều có chính sách trợ cấp mạnh mẽ cho việc xây dựng trạm sạc/đổi pin và chỉ hỗ trợ các hạ tầng có tính dùng chung.

Đơn cử như Trung Quốc (Thâm Quyến) đã trợ cấp 105–175 triệu VND cho mỗi trạm đổi pin dùng chung. Ấn Độ trợ cấp 75-150 triệu VND cho mỗi trạm sạc dùng chung và Thái Lan trợ cấp khoảng 37,5 triệu VND cho mỗi trạm sạc.

Ngoài ra, các nước này còn hỗ trợ bằng cách miễn phí tiền thuê đất tại các địa điểm công cộng như siêu thị, bãi đỗ xe, chung cư và giảm giá điện cho hoạt động sạc pin.

Ông Nguyên cho rằng việc quy hoạch vị trí và có khung giá điện ưu đãi là những chính sách mà Việt Nam cần tập trung để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng dùng chung, tối ưu hóa nguồn lực xã hội.

Hỗ trợ tài chính là đòn bẩy kích cầu

Cả ba quốc gia đều có những chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp rất hiệu quả.

Về hỗ trợ người dùng, mức trợ cấp mua xe mới dao động từ 1,75-7 triệu VND/xe ở Trung Quốc, 3-9 triệu VND/xe ở Ấn Độ và lên tới khoảng 13,5 triệu VND/xe ở Thái Lan.

Bên cạnh đó, các chương trình cho vay ưu đãi cũng được áp dụng để giúp tài xế công nghệ dễ dàng mua xe với mức lãi suất thấp: 3-4%/năm tại Thâm Quyến (Trung Quốc), 6%/năm tại Ấn Độ, và 5%/năm tại Thái Lan.

Các chính sách này đều ưu tiên nhóm tài xế giao hàng và xe ôm công nghệ.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, để phát triển doanh nghiệp nội địa, các nước đều có chính sách cho vay ưu đãi. Đáng chú ý, Thâm Quyến cho phép doanh nghiệp sản xuất vay vốn với lãi suất chỉ 3-4%/năm và không yêu cầu thế chấp bằng bất động sản, thay vào đó có thể thế chấp bằng sáng chế công nghệ hoặc các hợp đồng lớn. Chính sách này, theo ông Nguyên, là “cực kỳ quan trọng để phát triển doanh nghiệp nội địa trong một lĩnh vực mới, đòi hỏi vốn lớn như xe điện.”

Tuy nhiên, các chính sách này chỉ áp dụng với các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao, từ >40% ở Ấn Độ, >50% ở Thái Lan cho tới >60% ở Trung Quốc, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Theo CEO Selex Motors, đối với xe điện, Nhà nước cần có tư duy đầu tư trong 10 năm đầu, sau đó mới có thể “gặt hái” thành quả. Các chính sách như miễn phí trước bạ và đăng ký biển số cho người dùng sẽ có tác dụng kích cầu mạnh mẽ.

“Xe điện là một lĩnh vực mới, đòi hỏi vốn lớn, doanh nghiệp không thể tự phát triển tốt nếu không có hỗ trợ của chính phủ. Chính phủ Trung Quốc và Mỹ đã đầu tư liên tục cho xe điện 20 năm nay, do đó họ mới có những doanh nghiệp như Tesla hay BYD, dẫn đầu thế giới. Chúng ta tuy muộn, nhưng nếu hành động từ bây giờ vẫn có cơ hội trở thành nước dẫn đầu khu vực về xe điện” – ông Nguyên nhận định.

Nguồn: https://cafef.vn/ceo-selex-motors-tuy-muon-viet-nam-van-co-the-dan-dau-khu-vuc-ve-xe-dien-hanh-dong-ngay-tu-bai-hoc-cua-trung-quoc-an-do-thai-lan-18825071509381291.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *