Sau chỉ thị cấm xe xăng, cổ phiếu doanh nghiệp này lập tức tăng dựng đứng

Bất chấp áp lực điều chỉnh bao trùm toàn thị trường trong phiên giao dịch 15/7, cổ phiếu TMT của Công ty CP Ô tô TMT tiếp tục tăng trần lên 13.500 đồng/cổ phiếu, ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp. Khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 36.900 đơn vị, song phía bên mua vẫn kê hơn 97.500 cổ phiếu ở giá trần mà không có bên bán, cho thấy lực cầu áp đảo và niềm tin lớn vào triển vọng của doanh nghiệp.

camxexang1.jpg
Ô tô TMT là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam chuyển hướng sang xe điện

Điểm kích hoạt tâm lý tích cực đến từ chỉ thị mới được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo đó, từ năm 2026, Hà Nội sẽ từng bước cấm mô tô, xe máy chạy nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1, tiến tới năm 2030 cấm hoàn toàn các phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 3. Đây được xem là bước ngoặt tạo lực đẩy lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối xe điện, trong đó có TMT.

Ô tô TMT là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam chuyển hướng sang xe điện. Từ năm 2023, công ty đã hợp tác với SAIC-GM-Wuling (Trung Quốc) để phân phối các mẫu ô tô điện bán chạy hàng đầu thế giới tại thị trường nội địa. Trên nền tảng phân phối lâu năm với các thương hiệu Cửu Long, Tata, Howo và DFSK, TMT đã xây dựng dây chuyền lắp ráp xe điện tại Hưng Yên với công suất 30.000 xe/năm, và đang xem xét nâng gấp đôi lên 60.000 xe/năm.

Năm 2023, TMT bán ra 591 xe điện, con số này tăng lên 1.358 xe trong năm 2024. Kế hoạch năm 2025 đầy tham vọng với mục tiêu 3.404 xe, với hai dòng chủ lực gồm Hongguang Mini EV (giá từ 197–231 triệu đồng) và Bingo (xe cỡ nhỏ hạng B, giá từ 399–469 triệu đồng). Cả hai mẫu xe đều nhắm đến nhóm khách hàng đô thị với chi phí sử dụng thấp, thiết kế nhỏ gọn và phù hợp với các tuyến đường nội đô.

Không dừng lại ở sản phẩm, TMT còn đang định hướng trở thành doanh nghiệp tham gia sâu vào hệ sinh thái xe điện thông qua việc phát triển mạng lưới trạm sạc. Theo kế hoạch, công ty sẽ xây dựng 30.000 trạm sạc tương đương 60.000 súng sạc từ nay đến năm 2030, nhằm giải quyết bài toán hạ tầng – yếu tố then chốt để phổ cập xe điện.

Trong lĩnh vực này, TMT không đơn độc. V-Green hiện là đơn vị sở hữu mạng lưới trạm sạc lớn nhất cả nước với quy hoạch 150.000 cổng sạc trên 63 tỉnh, thành. Đồng thời, thị trường đang chứng kiến sự gia nhập của hàng loạt tên tuổi như EverEV, EV One, Charge Plus, GreenYellow Việt Nam, Eboost, VuPhong Energy, POW và EVN… Thị trường trạm sạc được dự báo sẽ tăng trưởng nóng trong 5 năm tới, đi cùng chính sách thúc đẩy từ Chính phủ.

Ngay sau chỉ thị của Thủ tướng, Hà Nội cũng đã thành lập Tổ công tác riêng để phát triển hạ tầng trạm sạc. Đây được xem là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy lộ trình cấm xe xăng là xu hướng tất yếu, mở ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp đón đầu chiến lược xanh, trong đó có TMT.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/sau-chi-thi-cam-xe-xang-co-phieu-doanh-nghiep-nay-lap-tuc-tang-dung-dung-1391066.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *