Doanh nghiệp hạ tầng thuộc hệ sinh thái Viettel đề xuất dự án điện gió quy mô lớn tại Quảng Trị, kỳ vọng cung ứng điện cho 160.000 hộ dân

Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction; HOSE: CTR) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Viettel vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, đề xuất được chấp thuận chủ trương đầu tư cụm dự án điện gió với tổng công suất lên tới 198MW, tổng vốn dự kiến khoảng 317 triệu USD.

Theo tờ trình của CTR, cụm dự án mang tên Nhà máy điện gió Lệ Thủy 4, dự kiến được triển khai tại khu vực giữa phá Hạc Hải và ven sông Kiến Giang, thuộc các xã Lệ Thủy, Cam Hồng, Lệ Ninh, Trường Phú, Ninh Châu và Trường Ninh.

Điện gió
Viettel Construction đề xuất đầu tư cụm dự án điện gió 317 triệu USD tại Quảng Trị

Ban đầu, dự án có quy mô 30MW và đã được đưa vào Quy hoạch điện VIII cũng như quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 2380/QĐ-UBND ngày 27/6/2025. Tuy nhiên, qua khảo sát thực địa và đánh giá các yếu tố kỹ thuật, doanh nghiệp nhận định công suất này không còn phù hợp với mô hình đầu tư điện gió hiện đại.

Lý do là các dự án công suất nhỏ thường gặp phải nhiều hạn chế như hiệu quả đầu tư thấp, chi phí vận hành cao, khó tối ưu hệ thống truyền tải và dễ dẫn đến lãng phí tài nguyên, đặc biệt là quỹ đất và tiềm năng gió tại khu vực.

Từ đó, CTR kiến nghị nâng tổng công suất lên 198MW, chia thành 4 nhà máy điện gió độc lập (mỗi nhà máy có công suất 49,5MW), bao gồm: Lệ Thủy 4-1, Lệ Thủy 4-2, Lệ Thủy 4-3 và Lệ Thủy 4-4.

Về mặt bằng triển khai, cụm dự án dự kiến sử dụng khoảng 46ha, phần lớn là đất nông nghiệp trũng, ao hồ và vùng ven sông nhiễm mặn, khó canh tác. Dự án hạn chế tối đa sử dụng đất lúa và tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ đất đai, môi trường và an toàn.

Theo đề xuất, dự án sẽ tránh xa khu dân cư, trường học, bệnh viện và các vùng phát triển đô thị, đồng thời kết nối với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu trong khu vực.

Doanh nghiệp kỳ vọng cụm điện gió Lệ Thủy 4 sẽ không chỉ bổ sung nguồn điện tái tạo cho hệ thống quốc gia mà còn cải thiện cảnh quan sinh thái, hỗ trợ nâng cấp giao thông nội đồng và thúc đẩy mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.

Khi đi vào vận hành, cụm điện gió này được ước tính tạo ra khoảng 480 triệu kWh điện sạch mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của khoảng 160.000 hộ dân. Đồng thời, dự án sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển bền vững của quốc gia.

Ngoài lợi ích môi trường, dự án còn được kỳ vọng tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ năng lượng, bảo trì – vận hành và dịch vụ phụ trợ.

Về tài chính, cụm dự án sẽ đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh Quảng Trị thông qua thuế và các khoản đóng góp khác từ doanh nghiệp.

Tổng thời gian thực hiện cụm dự án điện gió Lệ Thủy 4 dự kiến kéo dài trong 36 tháng, từ năm 2026 đến 2028.

Trong dài hạn, Viettel cũng đặt mục tiêu phát triển các dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) với tổng công suất từ 300-500MW tại khu vực, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác năng lượng tái tạo và ổn định vận hành lưới điện.

Nửa đầu năm 2025, CTR ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm qua. Lợi nhuận trước thuế trong tháng đạt 68,9 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2024. Đây là mức lợi nhuận hàng tháng cao nhất trong nhiều năm qua của doanh nghiệp này.

Doanh thu tháng 6 của CTR đạt 1.109 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt gần 6.015 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024 và hoàn thành 43% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 335 tỷ đồng, tăng 10%, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-ha-tang-thuoc-he-sinh-thai-viettel-de-xuat-du-an-dien-gio-quy-mo-lon-tai-quang-tri-ky-vong-cung-ung-dien-cho-160-000-ho-dan-1391650.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *