200 nghìn tỷ đồng dư nợ và cú hích gọi vốn: Mô hình tài chính thay thế chuyển mình thành doanh nghiệp đại chúng

200 nghìn tỷ đồng dư nợ và cú hích gọi vốn: Mô hình tài chính thay thế chuyển mình thành doanh nghiệp đại chúng

Không còn là “vùng trũng” ít được chú ý, thị trường cầm đồ tại Việt Nam đang nổi lên như một phân khúc tài chính thay thế đầy tiềm năng, với quy mô dư nợ lên đến 200 nghìn tỷ đồng – vượt qua cả con số 170 nghìn tỷ đồng của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay.

Điểm nổi bật của thị trường này là khả năng tiếp cận những nhóm khách hàng vốn bị ngân hàng và công ty tài chính truyền thống từ chối, bao gồm người thu nhập thấp, lao động phổ thông hoặc thậm chí từng có nợ xấu. Không đòi hỏi tín chấp, không yêu cầu lịch sử tín dụng “sạch”, mô hình cầm đồ dựa trên tài sản đảm bảo như xe máy, ô tô, giúp khách hàng không cần chứng minh thu nhập hay phụ thuộc vào điểm tín dụng CIC.

Theo báo cáo của FiinGroup, tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên toàn nền kinh tế đạt khoảng 3.2 triệu tỷ đồng. Trong đó, hoạt động cầm đồ – một lĩnh vực thuộc nhóm tài chính thay thế – ghi nhận dư nợ ước tính khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Riêng khối công ty tài chính tiêu dùng, theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đang nắm giữ khoảng 170 nghìn tỷ đồng dư nợ. Những con số này cho thấy quy mô của thị trường cho vay cầm cố không hề thua kém so với thị trường vay tiêu dùng qua các công ty tài chính.

Cũng theo FiinGroup, đến cuối năm 2024, thị trường cầm đồ Việt Nam có gần 24,000 tiệm truyền thống với hơn 1,200 cửa hàng theo mô hình hiện đại. Trong số này, các chuỗi hiện đại đang ngày càng khẳng định vị thế thông qua ứng dụng công nghệ và chiến lược mở rộng quy mô. Các thương hiệu tiêu biểu có thể kể đến gồm F88, Srisawad, Người Bạn Vàng, Happy Money, Việt Money, T99…

Thị phần và chiến lược định vị thị trường của các chuỗi cầm đồ thế hệ mới. (Nguồn: FiinGroup)

Theo đó, F88 hiện là đơn vị dẫn đầu mảng này cả về quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng. Năm 2024, F88 có dư nợ cho vay vượt mức 4,585 tỷ đồng trong khi trong khi nhiều chuỗi cầm đồ khác khác vẫn dưới ngưỡng 50 tỷ đồng. Quy mô mạng lưới cửa hàng cũng cho thấy sự vượt trội: Giữa năm 2025, F88 sở hữu 888 cửa hàng, vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành như Người Bạn Vàng  với 143 cửa hàng, Srisawad 97 cửa hàng.

Góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng của F88 là chiến lược đầu tư vào công nghệ. Đây là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành dịch vụ cầm đồ phát triển ứng dụng di động “My F88” nhằm số hóa toàn bộ chuỗi vận hành, đồng thời phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm. Việc tiên phong trong chuyển đổi số đã giúp F88 chuẩn hóa mô hình kinh doanh cầm đồ hiện đại và nâng cao trải nghiệm người dùng, đặc biệt trong các dịch vụ như cho vay bằng đăng ký xe máy, ô tô sản phẩm chủ lực của phân khúc này.

Không dừng lại ở đó, F88 còn mở rộng hệ sinh thái dịch vụ với bảo hiểm, thu chi hộ, và đặc biệt là trở thành ngân hàng đại lý thông qua hợp tác với Ngân hàng Quân Đội (MB). Đây được xem là một bước tiến lớn, khẳng định vai trò của mô hình tài chính thay thế không chỉ là “bổ sung” mà đang từng bước tiệm cận các chức năng tài chính truyền thống.

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn hiện nay với mô hình tài chính thay thế là sự thiếu thống nhất trong nhận diện pháp lý. Dù F88 là công ty duy nhất trong nhóm này có giấy phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ, doanh nghiệp vẫn thường xuyên bị hiểu nhầm là công ty tài chính tiêu dùng. Việc định danh rõ ràng là điều cần thiết – đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư đang quan tâm ngày càng nhiều đến những mô hình tài chính mới, bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống.

F88 hiện là đơn vị dẫn đầu cả về quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng.

Cũng chính vì vậy, việc F88 lên sàn không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dài hạn mà còn có thể tạo tiền lệ cho nhiều doanh nghiệp cùng ngành đi theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp hóa.

Khi các công ty tài chính tiêu dùng đang chật vật vì biên lợi nhuận giảm, còn ngân hàng truyền thống đối mặt với giới hạn trong phục vụ nhóm khách hàng “dưới chuẩn”, thì tài chính thay thế đặc biệt là mô hình cầm cố tài sản  nổi lên như một hướng đi phù hợp với nhu cầu của hàng triệu người dân.Với quy mô dư nợ tương đương, mạng lưới phát triển mạnh và khả năng thích ứng công nghệ cao, đây có thể là “mảnh ghép” còn thiếu trong bức tranh tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Kim Ngân 

FILI

– 15:10 18/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/200-nghin-ty-dong-du-no-va-cu-hich-goi-von-mo-hinh-tai-chinh-thay-the-chuyen-minh-thanh-doanh-nghiep-dai-chung-737-1329820.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *