Trước áp lực thuế Mỹ lên ngành dệt may, Petrovietnam mở “mặt trận nguyên liệu” quy mô chưa từng có

Ngày 18/7, Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vừa tổ chức lễ ký kết Hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm xơ sợi polyester (PSF) giữa Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) với các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) và Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP (PVCHEM).

xơ sợi
Petrovietnam và VINATEX hợp lực nội địa hóa 492.000 tấn xơ sợi, tạo “lá chắn” nguyên liệu cho dệt may Việt trước áp lực thuế Mỹ

Hoạt động này là bước đi cụ thể nhằm triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Petrovietnam trong việc khởi động lại toàn bộ hoạt động của Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ.

Trọng tâm được xác định là đẩy mạnh sản xuất xơ polyester nguyên sinh (PSF) và sợi tái chế, qua đó tận dụng hiệu quả năng lực sản xuất hiện có, đồng thời góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước.

Tại lễ ký kết, ông Trần Huy Thư – Tổng Giám đốc VNPOLY cho biết các bên đã thống nhất hợp tác trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm của từng đơn vị. Theo đó, VNPOLY sẽ phối hợp với VINATEX lựa chọn một đến hai nhà máy thuộc khâu sau trong chuỗi sản xuất dệt may để tiến hành thử nghiệm các quy trình kéo sợi, dệt và nhuộm.

Quá trình này nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm PSF do VNPOLY sản xuất trước khi đưa vào phân phối chính thức trên thị trường. VNPOLY cam kết áp dụng các chính sách ưu đãi hỗ trợ đối tác trong giai đoạn thử nghiệm, bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá thị trường hiện hành.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam nhấn mạnh rằng việc hợp tác giữa các đơn vị thành viên của Petrovietnam và VINATEX là minh chứng cho tinh thần đồng hành, nỗ lực vì mục tiêu phát triển chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam.

Các nghiên cứu hiện nay cho thấy nhu cầu tiêu thụ xơ PSF trong nước vào khoảng 492.000 tấn mỗi năm, phần lớn vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm tới 20% tổng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam và đang tăng cường áp dụng các chính sách thuế đối với sản phẩm nhập khẩu.

Chính vì vậy, việc chủ động nguồn cung nguyên liệu nội địa là giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may, đồng thời giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Đại diện VINATEX, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT bày tỏ sự trân trọng trước sự đồng hành, hỗ trợ từ Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong suốt thời gian qua. Ông khẳng định sự có mặt của 12 doanh nghiệp thành viên VINATEX tại lễ ký kết không chỉ thể hiện nhu cầu thực tế về nguyên liệu đầu vào, mà còn cho thấy mong muốn hợp tác lâu dài, thực chất và hiệu quả.

Ông cũng chia sẻ rằng nhu cầu sử dụng xơ PSF tại Việt Nam đang tăng mạnh, đặc biệt là xu hướng sử dụng sợi pha PSF trong sản phẩm dệt may xuất khẩu. Việc hợp tác với VNPOLY sẽ giúp các doanh nghiệp trong tập đoàn chủ động nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, tăng khả năng đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ các thị trường quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2025, Petrovietnam đã công bố nhiều kết quả tích cực trên các mặt hoạt động.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 510.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu hợp nhất đạt khoảng 310.000 tỷ đồng, đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Petrovietnam đã nộp ngân sách Nhà nước 66.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Với kết quả này, Petrovietnam tiếp tục giữ vững vị thế là doanh nghiệp số 1 tại Việt Nam và hiện xếp thứ 11 trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á.

Năm 2024, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường quốc tế và các biến động kinh tế vĩ mô, Petrovietnam vẫn đạt và vượt từ 6% đến 27% các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tập đoàn trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước có doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, đồng thời đóng góp vào ngân sách nhà nước 165.600 tỷ đồng và đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước đó.

Sự kiện ký kết lần này không chỉ là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của Petrovietnam và VINATEX, mà còn đánh dấu sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với biến động toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh các chính sách thương mại quốc tế đang có xu hướng siết chặt hơn.

Việc đẩy mạnh nội địa hóa nguyên liệu, đặc biệt là PSF, sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của ngành dệt may – một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/truoc-ap-luc-thue-my-len-nganh-det-may-petrovietnam-mo-mat-tran-nguyen-lieu-quy-mo-chua-tung-co-1391853.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *