Mỗi ngày thu hơn 6,4 tỷ đồng
Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO – UPCoM: SAS) – nơi ‘Vua hàng hiệu’ Jonathan Hạnh Nguyễn giữ vai Chủ tịch HĐQT vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với những con số tăng trưởng ấn tượng.
Trong quý này, doanh thu thuần của SASCO đạt 770,2 tỷ đồng, tức mỗi ngày thu hơn 6,4 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2024. Với tỷ trọng giá vốn chỉ chiếm khoảng 40,5%, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp lên tới 458,1 tỷ đồng – tăng gần 24%, qua đó duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức rất cao 59,5%. Kết quả này tiếp tục phản ánh khả năng khai thác hiệu quả của SASCO trong các mảng dịch vụ phi hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là bán lẻ, phòng chờ hạng thương gia và các dịch vụ tiện ích khác ở khu vực nhà ga quốc tế.
Tổng chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ của SASCO là 348,7 tỷ đồng, chiếm 45,3% doanh thu thuần – thấp hơn đáng kể so với mức 56,3% của quý 2 năm trước. Nhờ tối ưu chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 132,2 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh hơn 62%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản thu nhập khác gần 4,3 tỷ đồng – gấp đôi cùng kỳ, trong khi chi phí khác không đáng kể.
Nhờ đó, SASCO ghi nhận tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 136,2 tỷ đồng, tăng 62,3% so với mức 83,9 tỷ đồng của quý 2/2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 108,4 tỷ đồng, tăng hơn 60%. EPS quý này đạt 813 đồng/cổ phiếu – một con số tích cực nếu đặt trong bối cảnh SASCO có vốn điều lệ lớn (1.334,8 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SASCO thu về 1.534,5 tỷ đồng doanh thu và 221,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 15% và 95% so với cùng kỳ 2024. Bên cạnh lợi nhuận, dòng tiền kinh doanh của SASCO cũng ghi nhận sự bứt phá rõ rệt. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 325,6 tỷ đồng – gấp 5 lần cùng kỳ.
Đây là kết quả của việc thu hồi công nợ hiệu quả, giảm hàng tồn kho và duy trì hiệu suất vận hành cao trong bối cảnh du lịch phục hồi mạnh. Trong khi đó, công ty không phát sinh đầu tư tài chính lớn, không vay nợ mới và chỉ chi trả cổ tức nhỏ giọt (239 triệu đồng). Nhờ vậy, dòng tiền thuần trong kỳ đạt 250,2 tỷ đồng, đưa lượng tiền và tương đương tiền lên 469,6 tỷ đồng – cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cấu trúc tài sản chắc chắn, thanh khoản dồi dào
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của SASCO đạt 2.603 tỷ đồng, tăng 233 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm khoảng 67%, tương ứng 1.748 tỷ đồng – tăng gần 209 tỷ đồng. Tiền mặt và tương đương tiền chiếm phần lớn, đạt 469,6 tỷ đồng, tăng mạnh 252 tỷ đồng so với đầu kỳ. Đây là cơ sở giúp SASCO duy trì thanh khoản cao, chủ động trong kế hoạch đầu tư và chi trả. Đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng) đạt 635,7 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng. Phải thu khách hàng giảm nhẹ còn 184 tỷ đồng, phản ánh sự cải thiện trong quản lý dòng tiền.
Đáng chú ý, hơn 90% các khoản phải thu đến từ các hãng hàng không, khách hàng quen thuộc và doanh nghiệp liên kết – nhóm khách hàng có độ tin cậy và thanh toán cao. Hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác cũng được điều chỉnh phù hợp với mùa cao điểm du lịch, không gây áp lực tồn đọng.
Tài sản dài hạn của SASCO đạt 855,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư vào các công ty liên kết và đơn vị khác đạt 268,6 tỷ đồng. Một điểm đáng ghi nhận là doanh nghiệp đã xử lý toàn bộ khoản đầu tư vào Công ty Liên doanh Nhà Việt (14,9 tỷ đồng), qua đó giúp dự phòng tổn thất đầu tư giảm mạnh từ gần 29 tỷ xuống còn 14,4 tỷ đồng. Những khoản đầu tư khác như CTCP xăng dầu Tân Sơn Nhất, Sasco Phú Quốc, Suất ăn Nội Bài, Địa ốc Thảo Điền hay Bia Sài Gòn Trung Tâm vẫn được duy trì ổn định.
Nợ phải trả thấp, vốn chủ sở hữu tăng vững chắc
Dưới sự dẫn dắt của ‘Vua hàng hiệu’, SASCO đang duy trì cơ cấu tài chính rất lành mạnh. Nợ phải trả tính đến cuối quý chỉ ở mức 742,6 tỷ đồng, chiếm chưa đến 29% tổng nguồn vốn. Đáng nói là công ty hoàn toàn không có nợ vay tài chính cả ngắn hạn và dài hạn. Nợ chủ yếu là phải trả nhà cung cấp, người lao động và thuế.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu SASCO đạt 1.860,8 tỷ đồng, tăng thêm hơn 221 tỷ đồng so với đầu năm. Lợi nhuận chưa phân phối hiện đạt 521,8 tỷ đồng – cho thấy nền tảng tích lũy ổn định và liên tục cải thiện. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn đạt trên 71%, phản ánh mức độ tự chủ tài chính cao, tạo dư địa lớn để SASCO linh hoạt đầu tư hoặc ứng phó trước biến động thị trường.
Về cơ cấu cổ đông, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 49,08% vốn điều lệ (tương đương 655 tỷ đồng). Kế đến là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương – doanh nghiệp gắn liền tên tuổi Jonathan Hạnh Nguyễn nắm 24,98% vốn, tương đương 333,4 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SAS ghi nhận diễn biến khởi sắc trong nửa đầu tháng 7/2025. Giá cổ phiếu tăng từ 43.10 lên 45.90 đồng – tương đương mức tăng 6,5%. Đặc biệt, trong giai đoạn từ ngày 8 đến 11/7, mã này tăng liền 4 phiên, kéo giá từ vùng 43.x lên gần 46 đồng, đi kèm thanh khoản bùng nổ. Đỉnh điểm là ngày 10/7 với hơn 182.000 cổ phiếu được khớp lệnh, GTGD gần 8.400 triệu đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh trong giai đoạn này, riêng phiên 10/7 lên tới 17.100 cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến hai phiên gần nhất (17–18/7), khối ngoại quay đầu bán ròng nhẹ, trong khi khối tự doanh hoàn toàn đứng ngoài. Diễn biến này cho thấy cổ phiếu SAS đang được dẫn dắt bởi dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức bên ngoài, phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường vào kết quả kinh doanh khả quan và nền tảng tài chính vững mạnh mà doanh nghiệp này đang xây dựng.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/mot-doanh-nghiep-do-vua-hang-hieu-dan-dat-moi-ngay-thu-hon-6-4-ty-dong-1391984.html