Kinh tế tuần hoàn giúp dệt may Việt Nam chiếm ưu thế cạnh tranh

 Việc chuyển đổi theo mô hình kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc đối với ngành dệt may.

Bên trong nhà máy may hàng xuất khẩu. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Chuyển đổi tuần hoàn chính là chìa khóa phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo khả năng tồn tại, giúp các doanh nghiệp chiếm ưu thế cạnh tranh trong tương lai.

* Nguyên liệu đầu vào và tái chế hợp lý

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả kinh tế. Kinh tế tuần hoàn gồm 3 nội dung cốt lõi: Giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường thông qua sử dụng tối ưu nhất tài nguyên và năng lượng; tái sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm; tái chế, tận dụng phế liệu, phế thải trở thành đầu vào sản xuất.
Là một trong những trụ cột xuất khẩu của Việt Nam, ngành công nghiệp dệt may đang nỗ lực không ngừng để phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong giai đoạn 2025-2030, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phát triển theo chiều sâu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, giảm phụ thuộc lao động phổ thông.
Theo các chuyên gia, mục tiêu áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may gồm loại bỏ nguyên liệu thô và phát thải vi sợi, gia tăng vòng đời sản phẩm, tái chế hợp lý, sử dụng nguyên liệu – nhiên liệu hiệu quả và chuyển sang năng lượng tái tạo; trong đó, bước đầu tiên – loại bỏ nguyên liệu thô và phát thải vi sợi nhựa – là nền tảng, có ý nghĩa quan trọng cho chuỗi tuần hoàn.
“Đảm bảo rằng nguyên liệu đầu vào an toàn và lành mạnh để cho phép luân chuyển và tránh những tác động tiêu cực trong quá trình sản xuất, giai đoạn sử dụng và sau sử dụng. Các nguyên liệu có liên quan đến sức khỏe hoặc môi trường được thiết kế riêng và không sử dụng chất gây ô nhiễm nào như vi sợi nhựa, chất nhuộm, phụ gia…”,  Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường nhấn mạnh.
Để chuyển sang kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp dệt may cần giảm dùng sợi nguyên sinh hóa thạch, tăng tỷ lệ polyester tái chế; phát triển sợi cellulose tái tạo thay polyester; thiết kế sản phẩm bằng sợi đơn chất (cotton 100%, polyester 100%) để tái chế dễ dàng; sử dụng nguyên liệu sinh học thay thế một phần polyester. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong khi polyester thông thường phải mất đến 500-1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn, thì nguyên liệu polyester tái chế khi được vùi trong đất khả năng phân hủy đến 68,8% sau 180 ngày.
Đồng thời chuyển đổi sang thuốc nhuộm gốc nước, ít độc hại, dễ phân hủy. Ứng dụng công nghệ nhuộm mới như nhuộm CO₂ siêu tới hạn, nhuộm foam, nhuộm plasma.
Trong khi đó, mục tiêu tái chế hợp lý đặt ra yêu cầu điều chỉnh quy trình thiết kế và tái chế quần áo. Hiện nay, việc thiết kế và sản xuất quần áo thường không tính đến điều gì sẽ xảy ra khi quần áo không thể sử dụng được nữa. Các chuyên gia cho rằng, việc hướng tới nhiều loại vật liệu và phát triển các quy trình tái chế hiệu quả cho những vật liệu này là một bước quan trọng trong việc mở rộng quy mô tái chế, cũng như việc phát triển các vật liệu mới
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tại Việt Nam có một số doanh nghiệp như TCM – Dệt may Thành Công đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phẩm tái chế và những sản phẩm có giá trị cao, có quy trình sản xuất khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may, phát triển bền vững (ESG), tăng cường sử dụng 3 loại vật liệu polyester, viscose, cotton tái chế.
Tái chế hợp lý trong ngành dệt may còn gắn liền với yêu cầu đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh để cải thiện tính kinh tế và chất lượng tái chế. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường, cho rằng, cần có một chương trình đổi mới chung để tập trung nỗ lực và đầu tư vào công nghệ tái chế các vật liệu thông thường; cải tiến công nghệ phân loại cũng sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng tái chế bằng cách cung cấp nguyên liệu được xác định rõ ràng.
Doanh nghiệp dệt may cũng cần đầu tư công nghệ hỗ trợ giảm thải và tái sử dụng (phần mềm tối ưu sơ đồ cắt, hệ thống lọc nước thải – tái sử dụng nước, công nghệ thu hồi nhiệt từ nước thải, hệ thống phân loại vải vụn tự động, công nghệ nhuộm không nước, nhuộm ít hóa chất).

Công nhân làm việc bên trong nhà máy may hàng xuất khẩu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

* Phát triển công nghệ xanh, sản phẩm xanh

Với vai trò hạt nhân ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu đến 2030 đạt mức tăng trưởng hai con số, phát triển bền vững theo kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu xuất khẩu riêng. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết các giải pháp then chốt gồm: Chuyển đổi số và xanh; đầu tư công nghệ 4.0; tái cơ cấu doanh nghiệp; phát triển thị trường trong và ngoài nước; nâng cao mô hình quản trị; gắn kết phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển nhân lực toàn diện.
Hiện tỷ lệ sản phẩm xanh của Vinatex đã đạt 25%; toàn hệ thống đã đưa vào sản xuất sản phẩm sợi từ nguyên liệu tái chế tăng cao hàng năm, đến năm 2024 đạt 17.864 tấn. Mô hình sản xuất cũng được chuyển đổi mạnh mẽ từ gia công đơn thuần truyền thống (CMT) sang các phương thức có giá trị gia tăng cao như FOB và từng bước hoàn thiện để chuyển đổi theo phương thức ODM và OBM. Vinatex đã đầu tư các trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm xanh, vải chức năng, chủ động thích ứng xu hướng toàn cầu hóa.
Với mục tiêu xanh hóa, Tổng công ty 28 (Agtex 28) cũng đã đổi mới mô hình sản xuất, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, hoạt động khép kín từ kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất đến may thành phẩm và phân phối trực tiếp ra thị trường; trong đó, ngành dệt của Agtex 28 sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, đồng bộ từ khâu dệt vải đến nhuộm, hoàn tất, xử lý và bảo vệ môi trường, do các hãng chế tạo thiết bị dệt may hàng đầu của Thụy Sĩ, Đức, Bỉ sản xuất. Năm 2025, đơn vị mới đầu tư hàng loạt máy dệt của hãng Toyota – Nhật Bản, đảm bảo mục tiêu mỗi năm đạt 3 triệu mét vải in loang, 18 triệu m vải nhuộm, 2.500 tấn sợi.
Ngành dệt may Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia; xuất khẩu dệt may trị giá 44 tỷ USD năm 2024, giữ vị trí thứ hai thế giới. Mục tiêu năm 2025 đạt 47-48 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại dệt may Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu tới 132 thị trường, lớn nhất là Mỹ, tiếp theo là CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Hướng đi tới kinh tế tuần hoàn của dệt may Việt Nam nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, góp phần thực hiện mục tiêu chung của quốc gia và toàn cầu về Net Zero, đồng thời còn tận dụng cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững vị thế xuất khẩu hàng đầu thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm xanh của nhà nhập khẩu.
Theo khuyến cáo của Nhóm Nghiên cứu dệt may bền vững và đa năng (Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Hà Lan), chỉ riêng để hòa nhập thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng hàng loạt quy định của luật pháp châu Âu hiện hành; trong đó, có Chỉ thị khung về chất thải EU (yêu cầu thu gom riêng biệt chất thải dệt may vào năm 2025 ở tất cả các quốc gia thành viên EU; khuyến khích tái sử dụng và tái chế thay vì thiêu đốt hoặc chôn lấp…); Quy định REACH (hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất dệt may; thúc đẩy các lựa chọn thay thế an toàn hơn và minh bạch việc sử dụng hóa chất trong toàn chuỗi cung ứng); Chiến lược Dệt may bền vững và tuần hoàn của EU (hướng tới các sản phẩm dệt may được đưa ra thị trường EU cần phải bền, có thể sửa chữa và tái chế; được sản xuất chủ yếu từ sợi tái chế; không chứa các chất độc hại).

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/kinh-te-tuan-hoan-giup-det-may-viet-nam-chiem-uu-the-canh-tranh/33841854

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *