Kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II và nâng hạng thị trường

Dòng tiền nội và ngoại hợp lực

Tuy lực mua từ khối ngoại đã giảm đáng kể trong tuần giao dịch vừa qua, VN-Index vẫn duy trì mức thanh khoản rất cao, đều đặn vượt 1 tỷ USD mỗi phiên. Tổng giá trị bán ròng lũy kế của khối ngoại lên tới 5,7 tỷ USD trong hơn 18 tháng trở lại đây, trong khi lượng mua ròng trở lại mới chỉ đạt khoảng 385 triệu USD trong nửa đầu tháng 7 – một con số rất khiêm tốn (chưa tới 8% tổng giá trị bán ròng của 3 năm vừa qua). Điều này cho thấy, VN-Index còn nhiều lực mua hỗ trợ tiềm năng từ dòng vốn ngoại. Vì vậy, khả năng điều chỉnh là có, nhưng có lẽ sẽ không nhiều và tiềm năng tăng điểm vẫn còn khi dòng vốn chốt lời ngắn hạn vơi bớt.

Song song với đó, dòng tiền nội đã trở thành động lực chính, liên tục bổ sung thanh khoản và hỗ trợ xu hướng tăng giá. Là dòng tiền có xu hướng tìm kiếm rủi ro và chuyển dịch linh hoạt hơn, việc khối nội nối tiếp động lực mua ròng của nhà đầu tư ngoại là một tín hiệu tích cực cho sự bền vững của thị trường. Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ và dòng tiền trong nước trở nên chủ động hơn, VN-Index hoàn toàn có khả năng vượt mốc kháng cự 1.500 điểm trong thời gian ngắn.

Triển vọng một số nhóm ngành tiềm năng

Xác suất nâng hạng đang cao hơn bao giờ hết, có thể trở thành chất xúc tác chủ đạo cho những sự bứt phá sắp tới.

Tác động từ các cổ phiếu blue-chip vẫn rất lớn trong tuần vừa qua, nhưng chúng tôi nhận thấy dòng tiền đã có dấu hiệu xoay chuyển rõ nét cả về nhóm ngành lẫn nhóm vốn hóa. Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán tiếp tục là điểm sáng, hưởng lợi từ môi trường thanh khoản cao và xu hướng gia tăng giao dịch. Tuy nhiên, dòng tiền đã bắt đầu quay trở lại các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc, đặc biệt là những doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ cải cách chính sách và phục hồi kinh tế. Chúng tôi đánh giá, bất động sản sẽ là ngành được chú ý nhiều trong thời gian sắp tới

Cụ thể, thị trường bất động sản TP.HCM được kỳ vọng hồi phục rõ nét từ nửa cuối 2025 nhờ tháo gỡ các nút thắt pháp lý và nhu cầu nhà ở thực gia tăng. Hàng loạt dự án lớn chuẩn bị mở bán trong nửa cuối năm 2025 là động lực quan trọng. Cùng với đó, TP.HCM vừa hỗ trợ 442 lô đất thí điểm phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội, còn Hà Nội cũng đã phê duyệt 298 lô đất với tổng diện tích 1.530 ha. Chúng tôi tin tưởng nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ tiếp tục vận động tích cực trong thời gian tới, với các đại diện nổi bật như KDH, DXG, NLG, NVL, PDR, VHM. Ngoài ra, các doanh nghiệp dịch vụ như DXS, CRE cũng sẽ được hưởng lợi sớm nhờ vai trò là đơn vị phân phối dự án mới trên thị trường.

Bên cạnh đó, bất động sản khu công nghiệp là nhóm ngành mà chúng tôi kỳ vọng sẽ được dòng tiền tìm đến trong thời gian sắp tới. Sau khi thông tin thuế quan gỡ nút thắt tâm lý cho dòng vốn FDI, các khu công nghiệp đang ghi nhận nhiều thông tin tích cực. Các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại TP.HCM và vùng vệ tinh đang nổi bật nhờ triển vọng chuyển đổi đất sang công nghiệp, thương mại theo quy hoạch mới của thành phố. Động lực chính bao gồm: vị trí đắc địa, hưởng lợi từ hạ tầng giao thông, chính sách pháp lý thuận lợi giúp rút ngắn thời gian chuyển đổi và gia tăng giá trị đất. Chúng tôi đánh giá cao các cổ phiếu PHR, IDC, SZC, KBC.

Ngoài ra, nhóm ngành bán lẻ cũng được đánh giá cao nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách giảm thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, cũng như sự cải thiện trong tâm lý người tiêu dùng dưới tác động của đầu tư công và hiệu ứng tăng giá tài sản. Chúng tôi đánh giá các cổ phiếu đại diện của ngành như MWG, MSN, DGW, PET vẫn có triển vọng tăng giá khi bước vào quý III, được biết đến là mùa cao điểm của tiêu dùng trong nước.

Kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II và nâng hạng thị trường

Kỳ vọng về khả năng nâng hạng thị trường cho Việt Nam vào tháng 9 tới đang tăng mạnh, nhờ chương trình cải cách quyết liệt cùng việc vận hành hệ thống giao dịch KRX và hàng loạt sáng kiến mới về hạ tầng thị trường. Lịch sử các thị trường được nâng hạng cho thấy chỉ số thường tăng 18 – 100% trong 12 tháng trước ngày chính thức, trong khi VN-Index đã tăng hơn 35% kể từ khi tạo đáy hồi đầu tháng 4.

Khi thời điểm công bố đang đến gần, tâm lý tích cực lan tỏa khắp thị trường, thể hiện ở dòng tiền mạnh và sự bứt phá ở nhiều nhóm ngành. Xác suất nâng hạng đang cao hơn bao giờ hết và chúng tôi kỳ vọng điều này trở thành chất xúc tác chủ đạo cho những sự bứt phá sắp tới.

Thêm vào đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đang đến gần, chúng tôi dự báo thị trường sẽ phân hóa mạnh theo yếu tố cơ bản của từng doanh nghiệp. Các cổ phiếu có kết quả vượt trội sẽ có vai trò dẫn dắt đối với cả nhóm ngành, tiêu biểu như HPG đạt lợi nhuận quý II tăng 30% so với cùng kỳ, nâng lợi nhuận 6 tháng đầu năm lên 7.600 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ). Ngay sau khi công bố, cổ phiếu HPG đã kéo theo tâm lý tích cực cho toàn ngành thép.

Góc độ kỹ thuật: Điều chỉnh ngắn hạn là hợp lý

Từ góc độ kỹ thuật, VN-Index đang ở trong chu kỳ tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2021 – 2022, nhưng chỉ số đã liên tục ở vùng quá mua trên RSI (14), làm gia tăng khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Sau chuỗi tăng gần như không ngừng nghỉ hơn một tháng qua, áp lực chốt lời tích tụ và khả năng xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh khi VN-Index tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.500 điểm ở mức cao, với biên độ điều chỉnh có thể đạt 5 – 15% dựa trên thống kê trong quá khứ.

Về dài hạn, trong bối cảnh nội tại của kinh tế cũng như thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ bởi rất nhiều yếu tố tích cực, chúng tôi tin rằng các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư tham gia và gia tăng tỷ trọng vào các cổ phiếu tiềm năng nhưng chưa ghi nhận sự tăng giá tương xứng trong nhịp tăng điểm vừa qua. Do vậy, hiện tại là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư cơ cấu lại tỷ trọng tiền mặt và chuẩn bị chiến lược bắt đáy các cổ phiếu khi thời cơ xuất hiện.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ky-vong-ket-qua-kinh-doanh-quy-ii-va-nang-hang-thi-truong-post373353.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *