Lợi nhuận doanh nghiệp cảng phân hóa mạnh ngay từ loạt báo cáo đầu tiên

Lợi nhuận doanh nghiệp cảng phân hóa mạnh ngay từ loạt báo cáo đầu tiên

Những doanh nghiệp cảng biển công bố sớm BCTC quý 2/2025 cho thấy bức tranh phân hóa mạnh về lợi nhuận, với một số đơn vị tăng trưởng kỷ lục, trong khi không ít tên tuổi lớn sụt giảm mạnh.

Quý 2 khởi sắc không đồng đều với các doanh nghiệp cảng – Ảnh minh họa

NAPPDN báo lãi kỷ lục quý

CTCP Cảng Nghệ Tĩnh (HNX: NAP) ghi nhận quý kinh doanh tích cực nhất từ trước tới nay, với lãi ròng đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ 2024. Doanh thu quý 2 đạt đỉnh 2 năm ở mức hơn 66 tỷ đồng, tăng 31%. Biên lãi gộp cải thiện mạnh, tăng 6.4 điểm % lên 27.7%.

NAP cho biết sản lượng tăng là yếu tố thúc đẩy doanh thu, trong khi doanh thu tài chính tăng 65% và chi phí quản lý giảm 16%, giá vốn giảm 28%. Kết quả này giúp Công ty đạt doanh thu lũy kế 6 tháng hơn 126 tỷ đồng và lãi ròng 14.4 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 38% so với cùng kỳ, tương ứng thực hiện 54% kế hoạch doanh thu và gần 95% kế hoạch lợi nhuận năm.

CTCP Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN) tiếp tục chuỗi tăng trưởng mạnh khi báo lãi ròng quý 2 đạt 125.5 tỷ đồng, tăng 47% cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng 22% lên 392 tỷ đồng, biên lãi gộp nhích nhẹ lên 37.5%. Đây đều là doanh thu, lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử của Doanh nghiệp.

Theo đó, PDN ghi nhận doanh thu từ khai thác tăng 22%, doanh thu tài chính tăng 39%, doanh thu khác tăng gần 6,700%. Sản lượng ngành hàng tổng hợp và container lần lượt tăng 14% và 15% so với cùng kỳ.

PDN lập kỷ lục doanh thu và lợi nhuận trong quý 2/2025

Lũy kế 6 tháng, PDN đạt doanh thu 746 tỷ đồng và lãi ròng gần 225 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 32%, tương ứng thực hiện được 53% và 62% kế hoạch năm. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Công ty duy trì tăng trưởng doanh thu, và ghi nhận 3 năm liên tiếp phá kỷ lục lợi nhuận theo chu kỳ bán niên.

Một số đơn vị sụt giảm lợi nhuận quý 2

Ở chiều ngược lại, CTCP Cảng Đình Vũ (HOSE: DVP) ghi nhận lãi ròng quý 2 giảm 21% còn 67.4 tỷ đồng. Doanh thu kỳ này giảm 22% còn 148 tỷ đồng, do sản lượng thông qua cảng chỉ đạt gần 119,000 TEUs, giảm 27%. Khoản lợi nhuận khác chưa tới 8 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2024 đạt 21 tỷ đồng, cũng góp phần kéo giảm kết quả kinh doanh.

Lũy kế 6 tháng, DVP đạt doanh thu 307 tỷ đồng và lãi ròng gần 132 tỷ đồng, giảm 10%, là mức lãi bán niên thấp nhất trong 10 năm qua. Công ty chỉ mới thực hiện 32% kế hoạch doanh thu và 35% mục tiêu lãi sau nửa đầu năm.

DVP báo lãi bán niên thấp nhất kể từ 2015 đến nay

CTCP Cảng Quy Nhơn (HOSE: QNP) ghi nhận lợi nhuận quý 2 giảm 10% còn 39.4 tỷ đồng. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ đạt 2.6 triệu tấn, giảm 18.5%, khiến doanh thu thuần giảm 16% còn dưới 280 tỷ đồng. Biên lãi gộp duy trì quanh 24.5%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, QNP đạt doanh thu 531 tỷ đồng và lãi hơn 65 tỷ đồng, đều giảm 13% so với cùng kỳ, lần lượt thực hiện 38% kế hoạch doanh thu và 42% mục tiêu lãi cả năm.

CTCP Cảng An Giang (HNX: CAG) cũng ghi nhận lãi ròng quý 2 giảm 20%, còn chưa tới 2 tỷ đồng. Dù doanh thu quý này tăng 37% lên 14 tỷ đồng, cải thiện biên lãi gộp lên trên 20%, Công ty bị ảnh hưởng tiêu cực do ghi lỗ hơn 1.3 tỷ đồng từ hoạt động khác (cùng kỳ khoản này lãi gần 4 tỷ đồng).

Lũy kế 6 tháng, CAG báo lỗ gần 6 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2024 lãi hơn 544 triệu đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6 là 668 triệu đồng.

Ngành cảng đối mặt áp lực lớn nửa cuối năm

Báo cáo cập nhật của CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định triển vọng ngành cảng nửa cuối năm không mấy tích cực nếu đàm phán thương mại với Mỹ không có tiến triển. Khi đó, sản lượng qua cảng có thể sụt giảm, nhất là tại các cảng nước sâu phục vụ xuất khẩu sang Mỹ. Mùa cao điểm năm nay được cho là đến sớm, rơi vào tháng 6-7 thay vì tháng 8-9 như thường lệ, do doanh nghiệp nhập khẩu đẩy đơn hàng trước hạn thuế.

VCBS cảnh báo, nếu sau 90 ngày hoãn thuế, các bên không đạt đồng thuận và mức thuế bị điều chỉnh tăng, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu, đặc biệt ở các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, vốn là nhóm hàng chủ lực tại nhiều cảng.

Trong bối cảnh đó, ngày 19/07, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 113/CĐ-TTg, yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và phát triển logistics, kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh của ngành cảng trong dài hạn.

Thế Mạnh

FILI

– 15:12 21/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/loi-nhuan-doanh-nghiep-cang-phan-hoa-manh-ngay-tu-loat-bao-cao-dau-tien-737-1330380.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *