Công ty chứng khoán nào ‘bơm tiền’ mạnh nhất cho vay ký quỹ?

Nhiều công ty chứng khoán đưa dư nợ ký quỹ lên mức kỷ lục vào thời điểm cuối quý 2/2025, phần nào cho thấy sự sôi động của dòng tiền tham gia thị trường.

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính quý 2/2025, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của 30 công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường đạt gần 280.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng gần 25.000 tỷ đồng sau 3 tháng và tăng hơn 50.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Ở nhóm đầu ngành, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) giữ vững vị thế dẫn đầu về quy mô với dư nợ margin đạt gần 33.200 tỷ đồng, tăng gần 30% so với đầu năm, tương ứng mức tăng xấp xỉ 7.600 tỷ đồng. Trong quý 2 vừa qua, TCBS đã “bơm” thêm hơn 3.000 tỷ đồng cho mảng này.

SSI cũng chẳng “kém cạnh” khi ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách với TCBS sau quý 2. Tổng dư nợ cho vay margin của công ty tính đến cuối tháng 6/2025 đạt hơn 32.860 tỷ đồng, tăng 50% (hơn 11.000 tỷ đồng) so với cuối năm 2024 và tăng 22% (gần 6.000 tỷ đồng) so với cuối quý 1.

Tính theo tốc độ thì dẫn đầu là Chứng khoán VPBank (VPBS), với dư nợ margin tăng gần gấp đôi so với đầu năm, đưa công ty này vươn lên vị trí thứ tư toàn ngành. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ margin của VPBS đạt hơn 17.600 tỷ đồng đồng, tăng gần 4.900 tỷ đồng so với quý trước nhưng đã tăng hơn 8.200 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 87%.

Với những con số trên, TCBS, SSI và VPBS đều ghi nhận mức dư nợ margin cao kỷ lục.

Chứng khoán TP HCM (HSC, mã chứng khoán HCM) đứng thứ 3 về quy mô cho vay margin với dư nợ cuối quý 2/2025 ở mức hơn 19.800 tỷ đồng. Tuy nhiên so với cuối quý 1, con số này giảm hơn 500 tỷ đồng và giảm hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm.

Chứng khoán VPS và Mirea Asset cũng có quy mô cho vay hơn 17.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2025 nhưng đều sụt giảm so với quý trước. Mirea Asset giảm nhẹ còn VPS giảm gần 1.000 tỷ đồng.

Ở nhóm sau, các công ty có dư nợ margin hơn 10.000 tỷ đồng là VNDirect, MBS, Chứng khoán KIS Việt Nam, Vietcap và ACBS. Trong đó, chỉ có VNDirect thu hẹp quy mô cho vay trong quý 2 vừa qua, còn ACBS có mức tăng mạnh nhất (hơn 2.000 tỷ đồng).

Ở nhóm nhỏ hơn, Chứng khoán VIX (mã VIX) dẫn đầu về tốc độ gia tăng quy mô cho vay, với dư nợ gần 9.300 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6, tăng hơn 3.000 tỷ đồng sau một quý và tăng gần 3.500 tỷ đồng so với đầu năm. Đây cũng là mức dư nợ margin kỷ lục của doanh nghiệp.

Chứng khoán Kafi, Chứng khoán KB (KBSV), Chứng khoán BIDV (BSC, mã BSI), SHS, DNSE (mã DSE), Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (mã CTS), Chứng khoán LPBank (LPBS), Chứng khoán Bảo Việt (mã BVS), Chứng khoán Nhất Việt (mã VFS) đều có sự gia tăng về quy mô cho vay trong quý 2.

Ngược chiều, Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán FPT (mã FTS), Chứng khoán Phú Hưng (mã PHS), Rồng Việt (VDSC, mã VDS), Chứng khoán Agribank (mã AGR), Chứng khoán TPBank (TPS, mã ORS), Chứng khoán An Bình (mã ABW), Maybank, DSC ghi nhận sụt giảm.

Nhờ gia tăng quy mô cho vay nên nhiều công ty chứng khoán ghi nhận khoản lãi từ mảng này tăng mạnh trong quý 2/2025. Điển hình như TCBS, thu nhập từ lãi các khoản cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán đạt gần 844 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với quý 1/2025 và 32% cùng kỳ năm trước (YoY).

Với SSI, lãi từ các khoản phải thu và cho vay đóng góp 830 tỷ đồng, tăng hơn 60% YoY. Với VIX, mảng cho vay ký quỹ mang về 214 tỷ đồng, tăng 81% YoY…

Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Vì vậy để gia tăng ưu thế trong mảng kinh doanh này, các công ty chứng khoán vẫn đang rất tích cực tham gia “cuộc đua” tăng vốn.

Phạm Ngọc-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/cong-ty-chung-khoan-nao-bom-tien-manh-nhat-cho-vay-ky-quy/33882084

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *