CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV niên độ 2024-2025, ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.
Trong quý IV, doanh thu thuần của SLS đạt 371 tỷ đồng, giảm tới 33% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tuy có giảm nhưng không tương xứng với mức giảm doanh thu, khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp mạnh từ 42,4% xuống còn 27,8%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý này chỉ còn 96,5 tỷ đồng, tương đương mức giảm 59%.
Mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ tăng gấp đôi, đạt gần 16 tỷ đồng, nhưng mức tăng này không đủ bù đắp sự suy yếu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh đột biến gần 12 tỷ đồng, so với mức hơn 50 triệu đồng cùng kỳ năm trước, góp phần khiến lợi nhuận ròng lao dốc.
Doanh nghiệp cho biết, thị trường đường trong nước tiếp tục chịu sức ép từ tình trạng dư cung và nhu cầu tiêu thụ yếu, trong khi nạn buôn lậu diễn biến phức tạp khiến giá bán đường suy giảm đáng kể. Đây được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh kém tích cực trong kỳ.
Tính chung cả niên độ tài chính 2024–2025 (từ 1/7/2024 đến 30/6/2025), SLS ghi nhận doanh thu thuần gần 1.161 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 374 tỷ đồng, giảm 29% so với mức nền cao của năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn vượt 6% kế hoạch doanh thu và gấp 2,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra cho cả niên độ.
Cần nhắc lại rằng, trong hai niên độ trước (2022–2023 và 2023–2024), SLS từng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế vượt 520 tỷ đồng mỗi năm, nhờ hưởng lợi lớn từ chu kỳ giá đường toàn cầu tăng mạnh. So với giai đoạn đỉnh cao đó, kết quả năm nay sụt giảm đáng kể, song vẫn vượt trội nếu đặt trong bối cảnh các chu kỳ kinh doanh thông thường trước đây.
Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cả niên độ đạt 38.215 đồng – thấp hơn so với mức kỷ lục trên 53.000 đồng của hai năm trước nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trên thị trường chứng khoán.
Về thị giá, cổ phiếu SLS hiện giao dịch quanh mức 192.200 đồng/cp (sáng 25/7/2025), thấp hơn khoảng 9% so với đỉnh lịch sử 212.000 đồng/cp thiết lập đầu tháng 6, nhưng đã hồi phục hơn 4% từ vùng đáy hồi tháng 4. So với vùng tích lũy kéo dài từ cuối năm 2023, giá cổ phiếu hiện tại vẫn cao gấp rưỡi. Thanh khoản trong 12 tháng qua ở mức khiêm tốn, bình quân gần 10.000 cổ phiếu mỗi phiên.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 2.083 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu niên độ. Hàng tồn kho tăng 19%, lên 511,5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh 52%, vượt 1.032 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.
Nợ phải trả cũng tăng đáng kể, lên gần 356 tỷ đồng – gấp 2,5 lần so với đầu năm. Đáng chú ý, khoản vay tài chính ngắn hạn tăng đột biến lên gần 275 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với đầu kỳ. Hai chủ nợ lớn nhất là Vietcombank Chi nhánh Sơn La với dư nợ gần 226 tỷ đồng và BIDV Sơn La hơn 49 tỷ đồng.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/sls-loi-nhuan-mia-duong-son-la-giam-manh-sau-hai-nam-tang-truong-nong/34033891