Rủng rỉnh đem 22.000 tỷ gửi ngân hàng, đại gia ngành bia vẫn chứng kiến lợi nhuận đi lùi

Mặc dù doanh thu sụt giảm đáng kể trong quý II/2025, Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) vẫn giữ vững lợi nhuận nhờ vào việc cắt giảm chi phí và cơ cấu tài chính ổn định.

sabeco.jpg
Tổng lượng tiền gửi ngân hàng của Sabeco hiện vào khoảng 22.390 tỷ đồng

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025 vừa được công bố, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.867 tỷ đồng, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu giảm, công ty vẫn giữ được lợi nhuận gộp gần như không thay đổi ở mức 2.448 tỷ đồng nhờ hạ giá vốn hàng bán xuống còn 4.356 tỷ đồng, tương đương mức cắt giảm tới 23%.

Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ giảm nhẹ còn 255 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng vọt lên hơn 15 tỷ đồng, gần gấp đôi so với quý II/2024, phần lớn đến từ các hoạt động liên quan đến thương vụ sáp nhập.

Trong khi đó, chi phí bán hàng được duy trì ổn định, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 36%, lên 239 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi toàn bộ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong quý II đạt 1.250 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước.

sabeco.png
Nguồn: Tổng hợp

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 12.615 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2024.

Được biết, năm 2025, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 31.641 tỷ đồng (tăng 9% so với 2024) và lãi sau thuế 4.835 tỷ đồng. Với kết quả hiện tại, doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 40% kế hoạch doanh thu và 42% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Lý giải cho sự sụt giảm doanh thu, Sabeco cho biết thị trường tiêu thụ yếu, cạnh tranh trong ngành bia ngày càng khốc liệt. Thêm vào đó, việc hợp nhất Tập đoàn Bia Bình Tây từ công ty liên kết thành công ty con kể từ ngày 3/1/2025 cũng tạo ra biến động về chỉ số tài chính hợp nhất.

Bên cạnh đó, thu nhập tài chính giảm do lãi tiền gửi suy giảm, trong khi chi phí tài chính phát sinh từ thương vụ mua lại Bình Tây khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Tuy vậy, một phần tổn thất đã được bù đắp nhờ lợi nhuận tăng từ các công ty liên doanh, liên kết và chính sách tiết giảm chi phí bán hàng.

Đáng chú ý, Sabeco không đề cập tới yếu tố siết chặt nồng độ cồn trong các quy định pháp luật – một vấn đề thường gây ảnh hưởng đến ngành bia như là nguyên nhân chính của kết quả kém tích cực.

Tính đến cuối quý II/2025, tổng tài sản của Sabeco đạt 33.196 tỷ đồng – giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nhóm tài sản ngắn hạn chiếm hơn 25.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, doanh nghiệp đang nắm giữ khoảng 6.500 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, tăng gần 50% so với đầu năm. Phần lớn khoản này là tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, Sabeco còn có 15.891 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn, bao gồm hơn 15.680 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 12 tháng và khoảng 200 tỷ đồng gửi dài hạn. Như vậy, tổng lượng tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp này hiện vào khoảng 22.390 tỷ đồng – phản ánh sức khỏe tài chính khá vững vàng.

Vào ngày 1/7 vừa qua, Sabeco đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức đợt cuối năm 2024 với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt (tức 3.000 đồng/cổ phiếu). Với tổng số cổ phiếu đang lưu hành khoảng 2,09 tỷ đơn vị, công ty dự kiến sẽ chi khoảng 6.270 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/6 và thời gian chi trả được ấn định vào ngày 31/7/2025.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/rung-rinh-dem-22-000-ty-gui-ngan-hang-dai-gia-nganh-bia-van-chung-kien-loi-nhuan-di-lui-1393079.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *