Theo Hiệp hội này, việc đổi tên khẳng định cam kết thúc đẩy sự phát triển của Mạng dịch vụ đa chuỗi Blockchain Việt Nam (VBSN), hướng tới hệ sinh thái blockchain toàn diện, bền vững, mang tầm vóc quốc gia.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam
Đổi tên thành Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam
Ngày 25/7/2025, Hiệp hội Blockchain Việt Nam chính thức đổi tên thành Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam (vẫn giữ tên viết tắt VBA). Tên gọi mới thể hiện sự chuyển đổi định hướng của VBA, từ việc thúc đẩy công nghệ blockchain sang vai trò trung tâm kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển thị trường tài sản số và hệ sinh thái blockchain mà khởi đầu là mạng VBSN.
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội Vụ cho biết, thị trường tài sản số là một lĩnh vực có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế số, tuy nhiên cũng rất nhạy cảm và có nguy cơ cao về lừa đảo, rửa tiền trong khi các quy định pháp lý có độ trễ nhất định. Vì vậy, cùng với các định hướng phát triển về công nghệ, tài chính, ứng dụng, đại diện Bộ Nội Vụ đề nghị VBA sớm ban hành Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp hội viên để đảm bảo hoạt động một cách mạnh mẽ nhưng lành mạnh và bền vững, tuân theo các quy định pháp lý về phòng chống rửa tiền và minh bạch tài chính.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách có tính chất chiến lược và định hướng cho ngành blockchain và tài sản số, theo tinh thần Nghị quyết 57.
Cụ thể, theo Quyết định số 1236 về Chiến lược Blockchain Quốc gia, đề ra mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain. Trong đó, VBA, cùng các hội, hiệp hội, được giao chủ trì Phát triển các nền tảng Blockchain “Make in Vietnam”, kết nối các loại hình mạng blockchain, doanh nghiệp hoạt động trên Hạ tầng blockchain Việt Nam, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Blockchain cũng được xác định là một trong 11 công nghệ chiến lược theo Quyết định số 1131 của Thủ tướng.
Đặc biệt, Luật Công nghiệp Công nghệ Số được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, chính thức công nhận tài sản số là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ, mở ra một không gian phát triển mới, tạo nền tảng cho sự bứt phá của nền kinh tế số.
Bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA
Bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA cho biết: “Việc đổi tên Hiệp hội không chỉ thể hiện sự bắt nhịp với xu thế thời đại mà còn khẳng định quyết tâm đẩy mạnh tiến trình tích hợp công nghệ blockchain và tài sản số vào hệ thống pháp lý, tài chính, dịch vụ công, đưa Việt Nam hòa vào dòng chảy chuyển đổi số toàn cầu”.
Cùng thời điểm, nhiều hiệp hội nghề nghiệp trong ngành blockchain trên thế giới cũng tái định vị thương hiệu để phản ánh sự dịch chuyển của lĩnh vực này, tiêu biểu như Hiệp hội Tài chính số Toàn cầu tại Anh, Hội đồng Kinh tế số Australia (DECA) và Hiệp hội Kinh doanh Tài sản Mã hóa Nhật Bản (JCBA).
Bầu bổ sung nhiều thành viên vào BCH
Kể từ khi thành lập vào tháng 4/2022, VBA đã xây dựng được mạng lưới 115 hội viên chính thức ở cả lĩnh vực tài chính – công nghệ – giáo dục và hơn 200 thỏa thuận hợp tác với các đối tác chiến lược như Boston Consulting Group, Tether, Chainalysis, Dragon Capital, ACAMS, VCCI, VNBA,… bước đầu tạo lập mạng lưới kết nối chặt chẽ giữa tri thức – thị trường – thể chế trong lĩnh vực blockchain và tài sản số.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA cho biết, “Trong ba năm qua, VBA không chỉ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ blockchain mà còn từng bước xây nền móng cho sự phát triển dài hạn của hệ sinh thái tài sản số tại Việt Nam thông qua các trụ cột tham vấn chính sách, giáo dục, kết nối cộng đồng, đóng góp thiết thực cho sự phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam”.
Đại hội cũng thông qua việc bầu bổ sung 8 ủy viên Ban Chấp hành mới gồm: ông Hồ Anh Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank; ông Lê Văn Đại, Tổng giám đốc Viettel Digital; ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam; ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á; ông Nguyễn Cảnh Bình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Alphabooks; bà Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Thư ký Liên minh kỷ lục Thế giới; bà Đồng Thị Khánh Ngọc, Giám đốc cao cấp Vận hành Công ty 1Matrix; ông Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII.
Ông Phan Đức Trung tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch VBA, cùng 3 Phó Chủ tịch là bà Nguyễn Vân Hiền, ông Nguyễn Trọng Khang và ông Phan Chiến Thắng.
Trong nhiệm kỳ 2025–2030, VBA ưu tiên đồng hành phát triển Mạng Dịch vụ đa chuỗi Blockchain Việt Nam (VBSN), một hệ sinh thái hạ tầng mở do doanh nghiệp trong nước làm chủ, có khả năng mở rộng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Hiệp hội đặt mục tiêu hỗ trợ kết nối tối thiểu 50 doanh nghiệp nội địa triển khai dịch vụ blockchain-as-a-service (BaaS) trên nền tảng VBSN, hỗ trợ vận hành thử nghiệm ít nhất ba dịch vụ công sử dụng blockchain và đồng hành phát triển hai sáng kiến fintech ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Ở tầm khu vực và quốc tế, VBA hướng tới mở rộng kết nối chiến lược thông qua việc thành lập các văn phòng đại diện tại các trung tâm tài chính lớn như Bắc Mỹ và Dubai, giữ vai trò cầu nối giữa cộng đồng chuyên gia, nhà đầu tư, kiều bào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để VBA tham gia mạnh mẽ vào các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu và các diễn đàn hợp tác xuyên quốc gia.
Phan Trang
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/dai-hoi-bat-thuong-hiep-hoi-blockchain-viet-nam-doi-ten-moi-bau-bo-sung-nhieu-sep-techcombank-nam-a-bank-vao-bch/34036924