Bộ Xây dựng vừa có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép Bến cảng số 1, 2 – khu bến cảng Lạch Huyện, thuộc Công ty TNHH Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn – SNP) được tiếp nhận tàu container trọng tải lên tới 165.000 DWT (giảm tải).
Quyết định này mở ra cơ hội nâng cao năng lực khai thác cảng tại khu vực phía Bắc, đồng thời thể hiện sự linh hoạt trong việc quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng cảng biển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tiếp nhận tàu cỡ lớn
Bộ Xây dựng yêu cầu việc tiếp nhận tàu trọng tải lớn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định 58/2017/NĐ-CP và Nghị định 34/2025/NĐ-CP về hoạt động hàng hải. Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các điều kiện kỹ thuật, đảm bảo an toàn kết cấu công trình, an ninh, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu doanh nghiệp khai thác, trong trường hợp này là Tân Cảng Hải Phòng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu phát sinh sự cố trong quá trình tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Đồng thời, Bộ Xây dựng không cam kết đầu tư hay nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng trong khu vực.
Lợi thế vị trí và thách thức cạnh tranh gay gắt
Bến cảng số 1 và 2 của Lạch Huyện đã đi vào vận hành từ tháng 6/2019, sở hữu 2 cầu cảng với tổng chiều dài 750 mét và khu nước trước bến có độ sâu -16 mét, đủ khả năng đón các tàu container cỡ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đánh giá của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cụm cảng Hải Phòng hiện là trung tâm cạnh tranh khốc liệt nhất cả nước khi quy tụ hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành như Tân Cảng, VIMC, Gemadept, Hateco, Viconship và cảng Hải Phòng (PHP). Trong giai đoạn 2025–2026, nguồn cung cảng tại khu vực này dự kiến tăng thêm 34% so với hiện tại.
Một loạt dự án mở rộng đang được triển khai, bao gồm: Lạch Huyện 3–4 của PHP (nâng công suất thêm 1,1 triệu TEU), Lạch Huyện 5–6 của Hateco (1 triệu TEU giai đoạn 1) và Nam Đình Vũ 3 của Gemadept (650.000 TEU), dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Trong bối cảnh nguồn cung tăng mạnh, các cảng nằm sâu trong sông, không có liên kết với các hãng tàu quốc tế, sẽ chịu áp lực lớn cả về cạnh tranh giá và khả năng thu hút hàng hóa.
Triển vọng dài hạn của ngành cảng biển
Dù đối mặt nhiều thách thức trong ngắn hạn, ngành cảng biển Việt Nam vẫn được đánh giá giàu tiềm năng trong trung – dài hạn nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự gia tăng đầu tư vào hạ tầng hậu cần.
Bên cạnh đó, chính sách tăng khung giá dịch vụ bốc xếp theo Thông tư 39/2023 sẽ hỗ trợ cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp cảng. Việc nâng cấp và mở rộng hệ thống cảng tại các khu vực chiến lược như Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục là điểm tựa cho sự phát triển bền vững của toàn ngành.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tan-cang-sai-gon-snp-don-tin-vui-tai-cum-cang-hai-phong-1393214.html