Ba màu lợi nhuận trong ngành bột giặt, chất tẩy rửa quý 2
Trước áp lực tăng trưởng thấp và cạnh tranh gay gắt, 3 doanh nghiệp thuộc “họ” Vinachem ghi nhận kết quả kinh doanh trái chiều trong quý 2/2025: Lixco giữ đà ổn định, Hasoco bất ngờ báo lãi sau 10 quý âm, trong khi Netco sụt sâu về doanh thu và lợi nhuận.
Hình ảnh sản phẩm của từng thương hiệu Netco, Lixco và Hasoco (từ trái qua phải)
|
Ngành cạnh tranh cao, thị trường bão hòa
Ngành bột giặt và chất tẩy rửa tại Việt Nam thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), phục vụ trực tiếp nhu cầu sinh hoạt của các hộ gia đình. Sau đại dịch COVID-19, thị trường bước vào giai đoạn bão hòa, với mức tăng trưởng chậm lại, chỉ quanh 3-5% mỗi năm theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Đặc trưng nổi bật là mức độ tập trung cao, khi các tập đoàn đa quốc gia như Unilever và Procter & Gamble (P&G) chiếm tới 70-80% thị phần sản phẩm bột giặt, nước giặt, chất tẩy rửa gia dụng. Phần còn lại chia cho các doanh nghiệp nội địa như LIX, NET, Đại Việt Hương, Vico, Mỹ Hảo…
Trong bối cảnh tăng trưởng thấp và áp lực cạnh tranh gia tăng, kết quả kinh doanh quý 2/2025 ghi nhận sự phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp nội, từ những cái tên đầu ngành như Lixco và Netco, đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Hasoco.
Dù có sự khác biệt lớn về quy mô và hiệu quả hoạt động, cả Lixco, Netco và Hasoco đều có điểm chung thuộc “họ” Vinachem. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) hiện nắm giữ 51% vốn tại Lixco; còn tại Netco là 36%, quyền chi phối hiện thuộc về Masan HPC – công ty thành viên 100% vốn Masan Group sau thương vụ M&A từ năm 2020. Hasoco, đơn vị sản xuất chất tẩy rửa truyền thống có tuổi đời hơn 65 năm, cũng do Vinachem sở hữu tới 80% vốn.
Lixco duy trì đà tăng lãi, mảng tài chính là điểm sáng
CTCP Bột giặt Lix (Lixco, HOSE: LIX), doanh nghiệp hơn 50 năm tuổi, báo lãi ròng quý 2/2025 gần 55 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, dù doanh thu thuần giảm nhẹ 1% còn 719 tỷ đồng. Biên lãi gộp được cải thiện từ 22% lên 23.1%, nhờ giá vốn giảm sâu hơn doanh thu. Đặc biệt, doanh thu tài chính gấp hơn 5 lần, đạt trên 16 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản cổ tức 11 tỷ đồng từ công ty liên doanh Xalivico.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, LIX ghi nhận doanh thu hơn 1,378 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng 5%, đạt trên 95 tỷ đồng. Công ty thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và 48% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Netco giảm lãi mạnh, hoạt động cốt lõi chững lại
Ngược lại, CTCP Bột giặt NET (Netco, HNX: NET) ghi nhận lợi nhuận ròng quý 2 chỉ hơn 30 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong 2 năm. Doanh thu thuần giảm 10% còn 352 tỷ đồng, biên lãi gộp cũng co lại 4.8 điểm % còn 22%.
Kết quả kinh doanh hàng quý giai đoạn 2023-2025 của Netco | ||
Công ty lý giải kết quả yếu kém do mức tiêu thụ các sản phẩm bột giặt, nước rửa chén sụt giảm, dù doanh thu từ nước giặt tăng. Doanh thu tài chính tăng mạnh nhưng không đủ bù đắp suy giảm của mảng cốt lõi.
Lũy kế 6 tháng, NET đạt doanh thu 739 tỷ đồng và lãi ròng gần 82 tỷ đồng, giảm lần lượt 2% và 15%. Công ty mới thực hiện khoảng 39-42% chỉ tiêu doanh thu và 41-51% mục tiêu lợi nhuận cả năm, tùy theo kịch bản kế hoạch cao – thấp
Hasoco bất ngờ đảo chiều, lần đầu có lãi sau 10 quý
Đáng chú ý, CTCP Xà phòng Hà Nội (Hasoco, UPCoM: XPH) bất ngờ ghi nhận lãi ròng gần 4 tỷ đồng trong quý 2/2025, hoàn toàn đảo chiều so với mức lỗ hơn 2 tỷ đồng cùng kỳ và chấm dứt chuỗi 10 quý liên tiếp thua lỗ.
Doanh thu thuần quý này đạt hơn 50 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm mạnh 10 điểm % xuống còn 6.2%, do chi phí đầu vào tăng vọt. Lãi chủ yếu đến từ doanh thu tài chính đột biến đạt 5.55 tỷ đồng, gấp tới 33 lần cùng kỳ, nhờ cổ tức, lợi nhuận được chia từ công ty liên kết trong lĩnh vực bất động sản là Xavinco.
Chuỗi 10 quý lỗ liên tiếp của Hasoco bắt đầu từ quý 4/2022-1/2025 | ||
Lũy kế 6 tháng, Hasoco lãi ròng 1.8 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt so với mức lỗ 3.6 tỷ đồng cùng kỳ, trong khi doanh thu tăng mạnh 239% lên gần 58 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Hasoco có lợi nhuận nửa đầu năm kể từ 2019, và đạt 97% kế hoạch doanh thu cả năm chỉ sau 6 tháng.
Dù vậy, Doanh nghiệp vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 79 tỷ đồng, chiếm trên 54% vốn chủ sở hữu.
Biến động cổ phiếu
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu XPH tăng trần 2 phiên liên tiếp sau thông tin có lãi trở lại, đóng cửa phiên 25/07 tại 15,600 đồng/cp, tăng 36% trong 1 tuần, với thanh khoản bình quân gần 44,000 cp/ngày – gấp hơn 5 lần khớp lệnh bình quân 1 năm. Tính từ 1 năm trước, thị giá XPH đã tăng tới 156%, hiện tiệm cận đỉnh lịch sử từng thiết lập vào tháng 4/2021.
Cổ phiếu LIX cũng hồi phục nhẹ 9% trong tháng qua lên 33,100 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 10/2024, tăng hơn 19% trong quý gần nhất. Tuy nhiên, thị giá vẫn thấp hơn khoảng 12% trong vòng 1 năm. Thanh khoản bình quân hơn 42,000 đồng/cp trong năm qua.
Trong khi đó, thị giá NET điều chỉnh nhẹ 3% trong tháng qua xuống 78,300 đồng/cp, giảm gần 15% trong vòng 1 năm, thanh khoản khiêm tốn ở mức 4,300 cp/ngày, cách khá xa vùng đỉnh lịch sử trên 100,000 đồng/cp lập vào tháng 5/2024.
Nguồn: VietstockFinance
|
– 16:28 25/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/ba-mau-loi-nhuan-trong-nganh-bot-giat-chat-tay-rua-quy-2-737-1332910.htm