Với vai trò là nguồn điện chạy nền nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống điện, nhiệt điện khí/LNG đã khẳng định vai trò không thể thay thế trong hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh không phát triển thêm điện than và chiến lược đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, việc chậm trễ đưa các dự án điện khí/LNG vào hoạt động đang đặt ra nguy cơ lớn, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và các mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong thời gian tới.
Điện khí: Trụ cột không thể thay thế trong cơ cấu năng lượng quốc gia
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang “vươn mình” phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Việc phát triển điện khí đóng vai trò quan trọng để hạn chế khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện trong tương lai gần khi sản lượng điện từ than chững lại trong giai đoạn tới và năng lượng tái tạo tiếp tục đối mặt với những thách thức như hiệu suất gián đoạn hay các hạn chế của lưới điện; khí đốt/LNG sẽ là nguồn nhiên liệu quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh xác định ưu tiên tối đa hóa sử dụng khí trong nước để phát điện, đồng thời chủ động nhập khẩu bổ sung khí thiên nhiên và LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) khi nguồn cung nội địa suy giảm. Mục tiêu đến năm 2030, nhiệt điện khí trong nước dự kiến đạt 10.861 – 14.930 MW, chiếm 5,9 – 6,3% tổng công suất, trong khi Nhiệt điện LNG sẽ đạt 22.524 MW, chiếm 9,5 – 12,3%. Đây là định hướng chiến lược, đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn chuyển đổi đầy thách thức.
Ông Hoàng Xuân Quốc, Cố vấn Năng lượng cao cấp Tập đoàn VinaCapital nhấn mạnh rằng, việc sử dụng LNG là một quy luật khách quan đối với các nước đang phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hay Singapore đều đã trải qua giai đoạn chuyển đổi từ nhiệt điện than sang LNG.
Theo ông Quốc, đến nay nhiệt điện vẫn đóng vai trò là nguồn điện chạy nền mà không nguồn nào có thể thay thế được, kể cả điện hạt nhân, điện gió hay điện mặt trời. Do đó, việc phát triển điện khí và LNG là một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang dần giảm và không phát triển điện than. Điện khí không chỉ cung cấp nguồn điện ổn định, tin cậy để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, mà còn là mắt xích quan trọng trong hành trình chuyển dịch năng lượng của đất nước, hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn.
Thách thức phát triển điện khí/LNG
Phát triển điện khí, đặc biệt điện LNG đã được khẳng định đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai các dự án điện khí/LNG đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ và ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Nhơn Trạch 3, 4 là hai nhà máy điện LNG đầu tiên của nước ta
Theo Quy hoạch điện VIII, có tổng cộng 23 dự án điện khí (bao gồm cả nguồn khí khai thác trong nước và khí LNG nhập khẩu) với tổng công suất 30.424 MW. Trong đó, 10 dự án sử dụng khí trong nước với tổng công suất 7.900 MW và 13 dự án sử dụng LNG nhập khẩu với tổng công suất 22.524 MW.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có một dự án vận hành là Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (công suất 660 MW), dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B; hai dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (tổng công suất 1.624 MW), tiến độ đạt hơn 90% và đang chuẩn bị vận hành thương mại. Kho cảng LNG Thị Vải – kho cảng LNG đầu tiên của Việt Nam – đã hoàn thành và sẵn sàng cung cấp nhiên liệu cho hai nhà máy này. 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng (tổng công suất 23.640 MW); 3 dự án chưa tìm được nhà đầu tư. Điều này cho thấy, mặc dù có số lượng lớn các dự án điện khí được quy hoạch, tiến độ triển khai thực tế còn rất chậm. Nhiều dự án quan trọng đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.
Trong đó, những thách thức chính được nhận định đến từ cơ chế phát triển điện khí/LNG chưa hoàn thiện, đồng bộ về nhập khẩu, tồn trữ, phân phối khí đến sản xuất điện và mua bán điện. Cụ thể, chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hoàn chỉnh liên quan đến địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG. Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án và thu xếp vốn.
Vướng mắc trong hợp đồng mua bán điện (PPA) và cơ chế giá, là một trong những rào cản lớn nhất. Các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đàm phán và ký kết PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đặc biệt là các điều khoản liên quan đến cam kết bao tiêu sản lượng điện tối thiểu (Qc) và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện. Trong khi, các tổ chức tín dụng yêu cầu các cam kết rõ ràng về sản lượng mua bán điện để đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận hợp lý.
Ở cấp độ địa phương, một số tỉnh còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện khí, dẫn đến tình trạng có dự án được quy hoạch nhưng chưa tìm được chủ đầu tư phù hợp.
Cần có cơ chế đột phá
Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển điện khí, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần có sự đổi mới nhận thức và tư duy từ việc xây dựng cơ chế chính sách cho đến triển khai thực hiện. Đặc biệt, cần có sự linh hoạt và đột phá để đáp ứng tốc độ phát triển của thị trường năng lượng toàn cầu và nhu cầu năng lượng trong nước. Các giải pháp như, cụ thể hóa các cơ chế ưu đãi trong Luật Điện lực, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và cơ chế giá mua điện linh hoạt theo cơ chế thị trường sẽ là chìa khóa để thúc đẩy phát triển điện khí ở Việt Nam.
Bà Yulin Li, Chuyên gia Nghiên cứu về khí đốt và LNG công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường năng lượng Wood Mackenzie cho rằng “để Việt Nam tận dụng triệt để tiềm năng của khí đốt và LNG, cần có một cơ chế năng lượng chuyên biệt để tập trung vào chính sách và quy định về năng lượng. Một khung chính sách mạnh mẽ là điều cần thiết để thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt trung và hạ nguồn”.
Các chuyên gia của Wood Mackenzie cũng gợi ý về các cơ chế chính sách cần thiết như: cần đưa ra nhiều ưu đãi hơn để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế nhập khẩu LNG, hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, có cơ chế chuyển giá khí vào giá điện phù hợp, xem xét có hợp đồng mua bán LNG dài hạn để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trước biến động;…
Bên cạnh đó, để tối ưu nguồn lực, tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng nên triển khai xây dựng các kho cảng LNG theo mô hình kho cảng trung tâm (LNG Hub) để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện và công nghiệp xung quanh khu vực thay vì xây dựng từng kho cảng riêng biệt gắn với mỗi dự án điện sử dụng LNG.
Mô hình kho LNG Hub được đánh giá mang lại nhiều lợi ích và tiết kiệm chi phí
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho hay, qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tế các nước, cơ sở hạ tầng cảng nhập và kho chứa LNG được ưu tiên quy hoạch tập trung tại một số trung tâm có tính tích hợp cao để cung cấp LNG tái hóa cho các cụm nhà máy nhiệt điện bằng các đường ống dẫn khí có kết nối với hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia. Mô hình này không chỉ giảm suất đầu tư mà còn mang lại nhiều lợi ích linh hoạt trong vận hành thương mại, hỗ trợ khai thác hạ tầng tối ưu, tiết kiệm chi phí dự trữ nhiên liệu khi so sánh với mô hình một nhà máy điện – một kho cảng LNG.
Việc đầu tư các kho LNG Hub cũng phù hợp với định hướng của Đảng; tại Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 24/4/2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW và một số định hướng cho giai đoạn mới đã chỉ ra 3 giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp khí thời gian tới, trong đó có định hướng về việc xây dựng các trung tâm năng lượng quốc gia tích hợp khí, LNG – điện, … quy mô lớn.
Ông Joshua Ngu, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Wood Mackenzie nhận định, việc hình thành các trạm đầu mối nhập khẩu LNG lớn mang lại nhiều lợi ích và tối ưu chi phí do có cơ sở hạ tầng dùng chung; có cơ hội nhập khẩu những chuyến LNG lớn, giá cả cạnh tranh hơn; không cần xây dựng nhiều cầu cảng; dễ hơn trong quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, những hoạt động kinh tế xung quanh kho trung tâm đó sẽ phát triển rất nhanh chóng, vì khí không chỉ là nhiên liệu cho điện mà còn cho nhiều ngành công nghiệp khác, do đó có thể thúc đẩy phát triển cả một khu phức hợp công nghiệp. Và nhờ đó sẽ giúp tăng tính quy mô của nền kinh tế.
Tóm lại, điện khí, đặc biệt là LNG, được xác định là nguồn năng lượng trọng yếu, đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của đất nước. Để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, nguyên tắc “năng lượng đi trước một bước” luôn được nhấn mạnh. Các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đều khẳng định rằng, nếu không có năng lượng, mọi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều khó có thể đạt được. Do đó, việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy xây dựng hạ tầng phát triển điện khí/LNG là vô cùng cấp thiết, nhằm đáp ứng kịp thời các mục tiêu phát triển chung của đất nước.
M.P
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/bai-3-som-hoan-thien-chuoi-gia-tri-dien-khilng-de-khong-lo-nhip-tang-truong/33652854