Phát triển nông nghiệp sạch, gắn kết cộng đồng và tìm hướng đi bền vững cho quê hương đang trở thành lựa chọn của nhiều phụ nữ ở Hậu Giang. Trong số đó, câu chuyện khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Dịch vụ, Thương mại Tân Quới Lộ Saemaul, xã Bình Thành – để lại nhiều ấn tượng. Từ một người phụ nữ nông thôn gắn bó với ruộng đồng, chị Kiều đã tự mình tìm lối đi mới, bắt đầu bằng một ý tưởng tưởng chừng quá liều lĩnh: trồng dưa lưới trong nhà kính.
Nhớ lại những ngày đầu, chị kể: “Ý tưởng táo bạo này bắt nguồn từ trăn trở của tôi – một người đã chứng kiến biết bao mùa vụ thất bại vì sâu bệnh, thời tiết, giá cả bấp bênh. Tôi cứ nghĩ, phải có cách nào đó để bà con không còn phụ thuộc vào thương lái, không còn lo bán rẻ mua đắt”.
Năm 2019, sau nhiều chuyến tham quan học hỏi, chị Kiều quyết định thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới sinh học. Đó là thời điểm không ít người bảo chị “liều”, bởi đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt không phải việc dễ dàng, nhất là với một phụ nữ nông thôn. Nhưng với chị, càng khó càng thôi thúc mình phải làm cho bằng được.
Vừa làm vừa học, chị tích lũy kinh nghiệm từ thất bại đầu tiên. Mùa vụ thử nghiệm, dưa không đồng đều, có trái hỏng vì kỹ thuật chưa thuần thục. Thế nhưng, thay vì nản chí, chị kiên trì ghi chép, lên mạng học thêm, tìm gặp các chuyên gia. Những nỗ lực ấy dần được đền đáp khi những trái dưa lưới đầu tiên tròn đều, thơm ngọt ra đời, trở thành “cú hích” giúp chị tin rằng con đường mình chọn là đúng.
Năm 2020, chị thành lập Hợp tác xã Tân Quới Lộ Saemaul với 68 thành viên ban đầu, chủ yếu trồng rau màu. Thay vì dừng lại ở sản xuất nhỏ lẻ, chị bắt đầu xây dựng quy trình liên kết, vận động mọi người chuyển sang trồng dưa lưới khép kín, giảm thuốc hóa học, ưu tiên phân hữu cơ. Đến nay, hợp tác xã có gần 100 thành viên. Mỗi vụ dưa, sau ba tháng gieo trồng, bà con thu hoạch 3–4 tấn trái mỗi 1.000 mét vuông, lãi gần 20 triệu đồng – một con số không lớn nhưng ổn định và minh chứng rõ rệt cho hướng đi mới.
Không chỉ lo sản xuất, chị Kiều còn tìm đầu ra bền vững. Chị chủ động liên hệ với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, đơn vị bao tiêu sản phẩm. Dưa lưới của hợp tác xã hiện được tiêu thụ với giá 25.000 đồng/kg, giúp người trồng yên tâm sản xuất. Song song đó, chị mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, xây dựng fanpage quảng bá sản phẩm, thử nghiệm thương mại điện tử – những cách làm còn khá mới ở vùng quê.
“Muốn phát triển nông sản sạch thì trước hết phải nghĩ đến người tiêu dùng. Mỗi trái dưa bán ra là một cam kết về chất lượng, là uy tín của người trồng”, chị nói.
Không ít lần chị phải đối mặt khó khăn: vay vốn đầu tư nhà kính, thay đổi tư duy sản xuất của bà con, rồi thị trường tiêu thụ chậm. Có lúc, chị phải vận động cả gia đình thu gom dưa về sơ chế, đóng gói, bán online. Nhưng, chị tin nếu mình bỏ cuộc, nhiều chị em khác sẽ mất niềm tin.
“Càng khó tôi càng muốn làm tới cùng. Sự kiên trì là chìa khóa để biến giấc mơ thành hiện thực”, chị chia sẻ.
Nhờ kiên nhẫn và quyết tâm, sản phẩm “dưa lưới nhà kín Tân Quới Lộ” đã được chọn vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang năm 2024. Hợp tác xã đang hướng tới chuẩn VietGAP, OCOP 3 sao và xây dựng nhãn hiệu riêng gắn với địa phương.
Nhưng hơn cả những con số, với chị Kiều, điều quan trọng nhất là giúp bà con, đặc biệt là phụ nữ quê mình, có thêm cơ hội đổi đời.
“Giấc mơ của tôi không chỉ là kiếm lời từ cây dưa. Tôi mong phụ nữ nông thôn có thể tự tin khởi nghiệp, con em được học hành đàng hoàng. Nông sản sạch sẽ là con đường bền vững nhất”, chị nói.
Giữa cái nắng gắt mùa hè, chị Kiều vẫn miệt mài bên khu nhà kính. Với chị, trồng dưa không chỉ là một công việc, mà còn là câu chuyện về sự bền bỉ, niềm tin và khát vọng vươn lên từ mảnh đất quê nhà.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/bi-noi-la-lieu-nguoi-phu-nu-mien-tay-khoi-nghiep-thu-ve-hang-tram-trieu-moi-vu-nho-mo-hinh-doc-dao-1388592.html