Bùng nổ cổ phiếu lưu hành và bài toán giữ giá trị thật cho nhà đầu tư
Trên sàn chứng khoán Việt Nam, không ít doanh nghiệp đã vượt mốc hàng tỷ cổ phiếu lưu hành. Việc liên tục phát hành thêm để tăng vốn chủ sở hữu đang trở thành xu hướng rõ nét, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức về việc pha loãng giá trị cổ đông, hiệu quả sử dụng vốn và sức hấp dẫn thực sự của cổ phiếu trên thị trường.
Sự gia tăng “khổng lồ” về số lượng cổ phiếu
Với gần 8.36 tỷ cp đang lưu hành sau đợt chia cổ tức 49.5% bằng cổ phiếu, Vietcombank (VCB) hiện là doanh nghiệp có lượng cổ phiếu đang lưu hành lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Con số này thậm chí vượt tổng dân số toàn cầu ước tính 8.09 tỷ người vào đầu năm 2025, theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ.
Câu chuyện của Vietcombank không phải là trường hợp cá biệt. Tính đến ngày 22/07/2025, thống kê từ VietstockFinance cho thấy: hơn 50 doanh nghiệp trên sàn sở hữu lượng cổ phiếu đang lưu hành trên 1 tỷ đơn vị; trong đó, 15 doanh nghiệp vượt ngưỡng 3 tỷ cổ phiếu.
Đây không chỉ là hiện tượng về con số, mà phản ánh một xu hướng rõ ràng trong chiến lược tài chính doanh nghiệp, khi phát hành thêm cổ phiếu trở thành công cụ phổ biến để tăng vốn, chia cổ tức hoặc phục vụ các thương vụ M&A.
Không khó để nhận thấy các doanh nghiệp lớn trong ngành ngân hàng như VPBank (VPB), BIDV (BID), MBB, TCB hay CTG đều liên tục tăng số lượng cổ phiếu trong những năm gần đây. VPBank là trường hợp điển hình, từ mức 2.45 tỷ cp năm 2020 đã vọt lên 7.93 tỷ cp, tương đương mức tăng 223% trong 5 năm, chủ yếu thông qua các đợt chia cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu trong giai đoạn 2021-2022.
Xu hướng tương tự cũng xuất hiện ở nhóm doanh nghiệp sản xuất và bất động sản như Hòa Phát (HPG) hay Vinhomes (VHM), cho thấy sự lan rộng vượt ngoài phạm vi các tổ chức tài chính.
Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp lựa chọn duy trì cơ cấu vốn ổn định như BSR hay Viettel Global (VGI), với lượng cổ phiếu lưu hành hầu như không thay đổi trong suốt 5 năm qua, quanh mức hơn 3 tỷ đơn vị.
Lợi ích không thể phủ nhận
Việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức hoặc tăng vốn giúp doanh nghiệp giữ lại dòng tiền mặt, từ đó có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất, tái cấu trúc tài chính hoặc đầu tư vào các dự án dài hạn. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu tăng lên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể nâng cao hệ số an toàn tài chính, tạo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn vay hoặc triển khai các kế hoạch phát triển quy mô lớn.
Tăng số lượng cổ phiếu lưu hành cũng đồng nghĩa với việc tăng thanh khoản – yếu tố được nhiều nhà đầu tư cá nhân đánh giá cao. Trong bối cảnh thị trường sôi động, cổ phiếu “dễ mua – dễ bán” là lợi thế không nhỏ để thu hút dòng tiền, đặc biệt từ các nhà đầu tư ngắn hạn.
Giai đoạn 2020-2022 được coi là đỉnh cao của làn sóng tăng vốn, khi lãi suất thấp, dòng tiền rẻ tràn ngập thị trường, và thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục. Nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để gia tăng quy mô vốn điều lệ. Theo thống kê của SSI Research, nhóm công ty chứng khoán tăng trưởng vốn điều lệ với tốc độ kép hơn 30%/năm từ năm 2020 đến nay. Dù chững lại trong năm 2023, nhưng bước sang 2025, làn sóng này đã khởi động trở lại khi thị trường hồi phục.
TCBS, vào đầu tháng 6/2025, đã thực hiện đợt tăng vốn vượt mốc 20,800 tỷ đồng, chính thức vượt SSI để trở thành công ty chứng khoán có vốn lớn nhất thị trường. Chứng khoán TPHCM (HSC) cũng phát hành gần 360 triệu cp ra công chúng, nâng vốn lên hơn 10,800 tỷ đồng, sử dụng 70% tiền thu được để bổ sung cho vay ký quỹ và đầu tư tự doanh.
Cái giá của sự “bành trướng”
Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích về tài chính và thanh khoản là hệ quả về việc pha loãng giá trị cổ phiếu. Khi số lượng cổ phiếu tăng quá nhanh và quá nhiều, giá trị lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) giảm sút. Điều này có thể làm thị giá cổ phiếu bị điều chỉnh, thậm chí lao dốc nếu kết quả kinh doanh không cải thiện tương ứng.
Trường hợp của Novaland (NVL) là ví dụ điển hình. Vốn điều lệ của NVL đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2020 đến nay, vượt 19,500 tỷ đồng, với nhiều đợt phát hành lớn như ESOP, thưởng cổ phiếu, cổ tức cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu. Nhưng hệ quả là cổ phiếu NVL từng đạt đỉnh trên 90,000 đồng vào năm 2021, sau đó giảm gần 90% – xuống dưới mức 10,000 đồng vào đầu năm 2024, phần do áp lực pha loãng, phần do khó khăn nội tại. Dù hiện phục hồi lên vùng 17,000 đồng/cp (vốn hóa ~33,000 tỷ đồng), thị giá vẫn thấp hơn nhiều so với trước giai đoạn tăng vốn mạnh.
Tương tự, Chứng khoán VIX cũng trải qua hành trình tăng vốn điều lệ gấp 12.5 lần, từ 1,200 tỷ đồng lên hơn 14,500 tỷ đồng trong vòng 5 năm, thông qua hàng loạt đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. Việc mở rộng vốn điều lệ với tốc độ nhanh khiến thị giá cổ phiếu VIX khó tạo được đột phá đáng kể trong thời gian dài, chủ yếu dao động quanh vùng 10,000-15,000 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi chạm đáy quanh mức 8,000 đồng/cp vào đầu tháng 4/2025, cổ phiếu VIX đã hồi phục tích cực, hiện giao dịch ở vùng 17,000 đồng/cp, mức cao nhất trong hơn 1 năm. Dù thị giá cải thiện, vốn hóa vượt 28,000 tỷ đồng, áp lực pha loãng từ lượng cổ phiếu lưu hành lớn vẫn là yếu tố chi phối triển vọng dài hạn.
Những con số “khổng lồ” về lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng đặt ra bài toán: Làm sao để nhà đầu tư không rơi vào ảo giác giá rẻ? Thực tế, thị giá thấp không đồng nghĩa với cổ phiếu “rẻ” nếu giá trị nội tại không tương xứng. Việc đánh giá doanh nghiệp chỉ dựa trên thị giá cổ phiếu mà bỏ qua EPS, ROE hay năng lực tạo dòng tiền có thể khiến nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy định giá.
Một điểm tích cực của lượng cổ phiếu lớn là giúp tăng thanh khoản thị trường. Thống kê của VietstockFinance cho thấy trong 5 năm qua, các mã như STB, HPG, SHB, HAG hay SSI luôn nằm trong top giao dịch nhiều nhất trên HOSE với bình quân mỗi phiên từ 13-18 triệu cp. Trên HNX, cổ phiếu SHS cũng đạt mức bình quân gần 10 triệu đơn vị mỗi phiên.
Tuy nhiên, thanh khoản cao chưa phải là yếu tố duy nhất giữ chân nhà đầu tư dài hạn. Khi thị giá trì trệ hoặc giảm liên tục vì áp lực pha loãng và hiệu quả sử dụng vốn thấp, cổ phiếu dần mất đi sức hấp dẫn đối với dòng vốn chất lượng, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức hoặc các quỹ ngoại có chiến lược đầu tư dài hạn.
Giá trị thực mới là thước đo cuối cùng
Ở giai đoạn thị trường “tiền rẻ”, sự hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp đua nhau phát hành cổ phiếu. Nhưng sau đợt điều chỉnh mạnh từ đầu năm 2022, khi dòng tiền suy yếu, thanh khoản giảm và tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại, không ít cổ phiếu đã rơi vào trạng thái “căng vỏ – rỗng ruột”, thị giá không còn phản ánh đúng giá trị.
Việc phát hành thêm cổ phiếu, nếu không gắn với chiến lược sử dụng vốn hiệu quả và minh bạch về mục đích, có thể trở thành “con dao hai lưỡi”. Nó giúp doanh nghiệp tăng vốn và quy mô, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm mờ giá trị thật, khiến nhà đầu tư phải đánh đổi về tỷ suất sinh lời thực tế.
Vậy nhà đầu tư được gì khi cổ phiếu mình nắm giữ tăng số lượng liên tục qua các đợt chia thưởng? Họ sở hữu thêm đơn vị cổ phần, nhưng liệu có thêm giá trị tương ứng? Và quan trọng hơn, Doanh nghiệp có đang tạo ra giá trị mới hay chỉ chia nhỏ miếng bánh cũ?
Sau cùng, câu hỏi cần được đặt ra không chỉ là “cổ phiếu tăng bao nhiêu?”, mà là “doanh nghiệp tăng trưởng bao nhiêu giá trị thật?”. Đây là điều mà chỉ báo cáo tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh mới có thể trả lời, chứ không phải số lượng cổ phiếu ngày một nhiều lên.
– 10:24 23/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/bung-no-co-phieu-luu-hanh-va-bai-toan-giu-gia-tri-that-cho-nha-dau-tu-830-1331484.htm