CEO Jens Lottner: “Techcombank tìm kiếm đối tác chiến lược không chỉ vì vốn”
Tại buổi họp báo sau ĐHĐCĐ thường niên 2025, CEO Jens Lottner đã chia sẻ rằng Techcombank không coi việc tìm đối tác chiến lược là bắt buộc. “Chúng tôi rất rõ ràng trong tiêu chí lựa chọn: Nếu chỉ mang lại vốn thì chưa đủ, vì Techcombank đang có nền tảng vốn rất mạnh”, ông khẳng định.
*Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Khi thời điểm chín muồi, giá trị của Techcombank sẽ bùng nổ
Trong buổi họp báo, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc (CEO) của Techcombank đã chia sẻ những thông tin quan trọng về chiến lược phát triển của ngân hàng, đặc biệt liên quan đến việc tìm kiếm đối tác chiến lược, kế hoạch phát triển mảng bảo hiểm nhân thọ và định hướng mở rộng TCBS trong thời gian tới.
CEO Jens Lottner của Tecombank phát biểu tại buổi họp báo sau ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng 26/04 tại Hà Nội
|
Đối tác chiến lược phải mang lại giá trị
Liên quan đến một bài phỏng vấn trước đó, CEO Jens Lottner từng cho biết Techcombank sẽ cân nhắc việc bán khoảng 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phù hợp. Ở thời điểm hiện tại, ông Lottner nhấn mạnh ngân hàng luôn sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư chiến lược nhưng không coi đây là yêu cầu bắt buộc. Một số cổ đông lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân, theo chu kỳ đầu tư thông thường sẽ cần thoái vốn trong vòng 12-18 tháng tới. Câu hỏi đặt ra là lượng cổ phần này sẽ được chuyển giao cho một hay nhiều đối tác, và quyết định thuộc về cổ đông, không phải ban điều hành.
“Chúng tôi coi trọng sự ổn định cổ đông và quản lý quá trình chuyển nhượng sao cho hài hòa, vừa bảo vệ lợi ích cổ đông hiện hữu, vừa chào đón những cổ đông mới có giá trị bổ sung”, ông nói.
Hiện tại, theo CEO Jens Lottner, Techcombank chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào liên quan đến việc bán cổ phần, dù các cuộc thảo luận với đối tác tiềm năng vẫn đang diễn ra. Một số nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phần tại ngân hàng. Ông Lottner nhấn mạnh: “Chúng tôi rất rõ ràng trong tiêu chí lựa chọn: Nếu chỉ mang lại vốn thì chưa đủ, vì Techcombank đang có nền tảng vốn rất mạnh”.
Theo ông, ngân hàng tìm kiếm những đối tác có thể tạo thêm giá trị trong khai thác khách hàng, công nghệ hoặc chuyên môn bổ sung. Thực tế, số lượng tổ chức tài chính toàn cầu có thể đáp ứng được các yêu cầu này là không nhiều.
Bước chân vào bảo hiểm nhân thọ với mô hình mới
Về mảng bảo hiểm, CEO Jens Lottner cho biết, sau khi kết thúc hợp tác với đối tác trước đây, Techcombank đã tiến hành xin cấp phép thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Ngân hàng cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược để cùng phát triển mô hình này. Ông Lottner chia sẻ: “Techcombank có những thế mạnh rất riêng như nền tảng khách hàng, năng lực số hóa và uy tín thương hiệu, nhưng chúng tôi không phải là một công ty bảo hiểm”. Nếu tìm được đối tác cùng chí hướng, ông tin rằng mô hình hợp tác sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ngân hàng đã phát đi lời mời và hiện đang trong quá trình đàm phán. Nếu thành công, sẽ có thông báo trong vòng 1-2 quý tới. Tuy nhiên, nếu không tìm được đối tác phù hợp, Techcombank vẫn tự tin vào khả năng vận hành thành công công ty bảo hiểm nhân thọ của riêng mình, vì ông Lottner tin rằng đây là thời điểm rất thích hợp để ngân hàng bước chân vào lĩnh vực này.
Về lý do Techcombank muốn tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, CEO Jens Lottner cho rằng bảo hiểm nhân thọ không chỉ quan trọng với khách hàng cá nhân mà còn thiết yếu cho sự phát triển của thị trường vốn. Ông giải thích: “Việt Nam hiện có rất nhiều dự án hạ tầng lớn như đường cao tốc, năng lượng tái tạo, đường sắt, sân bay… Những dự án này cần nguồn vốn dài hạn, trong khi ngân hàng thường chỉ đáp ứng được vốn ngắn và trung hạn. Nhà nước hoặc các đối tác tư nhân như công ty bảo hiểm sẽ là nguồn lực cần thiết để tài trợ cho các dự án đó”.
Ông Lottner cũng nhấn mạnh rằng nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 10% trong tương lai, Việt Nam cần ngành bảo hiểm phát triển để trở thành một trụ cột tài chính. Ông nhận định về vận hành ngành bảo hiểm ở Việt Nam: “Cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối bảo hiểm ở Việt Nam trước đây chưa làm tốt. Nếu xây dựng lại ngành này với tư duy khác về thẩm định rủi ro, quản lý vốn, chi phí vận hành, chính sách hoa hồng… thì hoàn toàn có thể mở ra một con đường mới”.
Ông lấy ví dụ từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc, nơi ngành bảo hiểm đã thay đổi mạnh mẽ và tăng trưởng vượt bậc sau những cuộc khủng hoảng, và tin rằng Việt Nam cũng có thể có cơ hội tương tự.
Mặc dù bảo hiểm nhân thọ đặc thù ban đầu thường lỗ nặng do phải trả hoa hồng cao và chi phí thẩm định, nhưng về lâu dài, giá trị tích lũy rất lớn. Ông Lottner tự tin: “Với mô hình vận hành hiệu quả hơn, chi phí hợp lý hơn, chúng tôi có thể đạt lợi nhuận vận hành nhanh hơn nhiều – có thể chỉ trong 3-5 năm hoặc tối đa 7 năm, thay vì phải chịu lỗ kéo dài 10 năm như trước đây”.
CEO Techcombank khẳng định lĩnh vực bảo hiểm có khả năng tạo ra giá trị lớn hơn rất nhiều so với những gì TCBS đã làm được trong 10 năm qua, và ông khẳng định: “Cơ hội lần này còn lớn hơn, và đó chính là lý do chúng tôi quyết tâm theo đuổi”.
Chiến lược mở rộng TCBS và tham gia vào tài sản số
Khi được hỏi về chiến lược mở rộng TCBS, CEO Jens Lottner cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển TCBS, đặc biệt là trong lĩnh vực môi giới chứng khoán. Với việc bơm thêm vốn cho TCBS vào năm 2023, Techcombank đã nhìn thấy cơ hội lớn để mở rộng thị phần. Hiện tại, TCBS đã đạt thị phần khoảng 8% và sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này.
Về việc tham gia vào các loại tài sản số, ông Lottner cho biết mặc dù hiện nay chưa có quy định pháp lý rõ ràng, nhưng TCBS đã ứng dụng blockchain trong giao dịch từ trước và coi đây là một công nghệ bảo mật rất quan trọng cho nền tảng giao dịch của ngân hàng. TCBS cũng đang chủ động tham gia vào quá trình tham vấn các dự thảo pháp lý liên quan đến tài sản số. Nếu các quy định pháp lý mở rộng, TCBS sẽ sẵn sàng tham gia vào các tài sản số, nhưng sẽ rất thận trọng và chỉ tham gia vào những cơ hội thực sự tiềm năng.
Ông Lottner cũng cho biết thêm rằng Techcombank hiện đã sẵn sàng về mặt công nghệ để vận hành các sàn giao dịch tài sản số, sử dụng blockchain như một công cụ bảo mật. Tuy nhiên, điều phức tạp nhất không phải là giao dịch tài sản mà là quá trình lưu ký và chuyển đổi giữa tài sản số và tiền pháp định. “Phần phức tạp nhất không nằm ở giao dịch tài sản, mà ở quá trình lưu ký và chuyển đổi”, ông Lottner nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Jens Lottner cũng đề cập đến việc ngân hàng đang cân nhắc khả năng IPO một phần TCBS trong tương lai, tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng đây là một quyết định sẽ được xem xét kỹ lưỡng theo các yếu tố thị trường và chiến lược dài hạn của Techcombank.
Cuối cùng, ông cũng chia sẻ rằng gần như toàn bộ khoản đầu tư của Techcombank vào TCBS đều liên quan đến công nghệ. CEO nhấn mạnh: “Thực tế, tôi không rõ còn khoản chi nào ở TCBS mà không phải cho công nghệ, bởi khoảng 60% nhân sự tại đây là dân công nghệ”. Điều này thể hiện rõ TCBS không vận hành theo mô hình môi giới truyền thống, mà mọi quy trình đều được tự động hóa. Hệ thống này do bộ phận công nghệ đảm nhận, vì vậy chi phí chủ yếu tại TCBS thực chất là đầu tư cho công nghệ.
Nếu nhìn vào các kết quả tài chính mà TCBS công bố, có thể thấy rõ rằng phần lớn chi phí tại đây được dành cho công nghệ. Ngân hàng cũng đã đầu tư vào các nền tảng hỗ trợ TCBS, như các hệ thống định vị khách hàng. Do đó, các con số tài chính từ TCBS phản ánh phần lớn khoản đầu tư vào tài sản số, minh chứng cho việc ngân hàng chú trọng vào công nghệ như một yếu tố chiến lược trọng tâm trong quá trình phát triển.
– 07:55 28/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/ceo-jens-lottner-techcombank-tim-kiem-doi-tac-chien-luoc-khong-chi-vi-von-764-1302197.htm