Chất lượng tín dụng quyết định lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm

Chất lượng tín dụng quyết định lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm

Kết quả kinh doanh của khối ngân hàng trong nửa cuối năm 2025 sẽ phản ánh rõ sự phân hóa trong tăng trưởng tín dụng. Giai đoạn tái cấu trúc, khả năng quản trị rủi ro và tốc độ chuyển đổi số sẽ quyết định mức tăng trưởng của ngân hàng chứ không đơn thuần nằm ở tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Tín dụng khả quan, kinh doanh ngân hàng ổn định

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên cấp cao, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại không chỉ cao hơn cùng kỳ mà còn mở ra triển vọng đạt mục tiêu 16% cho cả năm; phản ánh nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc chủ động bơm vốn ra thị trường một cách có kiểm soát, hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Sự khởi sắc của tín dụng được dự báo sẽ trực tiếp cải thiện kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Mối lo lớn nhất – nợ xấu vẫn hiện hữu nhưng được đánh giá là không quá lo ngại nếu so sánh với các chu kỳ khủng hoảng trước đây.

Bối cảnh hiện tại đang tạo ra một môi trường tương đối ổn định cho ngành ngân hàng trong năm 2025, với điều kiện không xuất hiện các cú sốc vĩ mô bất ngờ từ bên ngoài.

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng, ngành ngân hàng với vai trò là trụ cột của nền kinh tế và thị trường tài chính nhiều khả năng sẽ có một năm kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, mức độ khả quan này sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng. Nguyên nhân nằm ở sự phân hóa rõ nét, khi tỷ trọng tiền gửi vẫn ở mức cao và khả năng tận dụng các chính sách hỗ trợ giữa các ngân hàng là khác nhau. Đồng thời, sự phân hóa trong tăng trưởng giữa các ngành kinh tế cũng sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động ngân hàng. Do đó, những ngân hàng có chiến lược phù hợp và năng lực phân tích, dự báo tốt sẽ có cơ hội ghi nhận kết quả kinh doanh nổi bật hơn so với phần còn lại.

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa theo chất lượng dòng vốn

Ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi đánh giá, bức tranh tín dụng của hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm 2025 đang chuyển mình theo hướng “chất lượng hóa”.

Tăng trưởng tín dụng sẽ có sự phân hóa mạnh, không còn lan tỏa đại trà như giai đoạn trước mà tập trung vào những lĩnh vực có sức bật, năng lực phục hồi cao và phù hợp với định hướng chuyển đổi của nền kinh tế như sản xuất xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ, năng lượng tái tạo và chuyển đổi xanh.

Nhu cầu tín dụng sẽ gia tăng trở lại nhờ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công và tâm lý tích cực dần trở lại với khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất nếu không đi kèm các cải cách về thể chế, thủ tục và hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực quản trị tài chính kinh doanh.

Về phía huy động, xu hướng dịch chuyển trở lại của dòng tiền vào hệ thống ngân hàng sẽ rõ nét hơn từ quý 4, khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ và kỳ vọng lạm phát được kiểm soát tốt. Mặc dù vậy, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục cạnh tranh khốc liệt về sản phẩm và dịch vụ nếu muốn thu hút dòng vốn trung – dài hạn bền vững.

Kết quả kinh doanh của khối ngân hàng trong nửa cuối năm cũng sẽ phản ánh rõ sự phân hóa này. Những ngân hàng có nền tảng công nghệ mạnh, tỷ lệ CASA cao, tập trung vào ngân hàng bán lẻ và tín dụng tiêu dùng an toàn sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Ngược lại, các ngân hàng còn bị “kẹt” trong trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, nợ xấu từ bất động sản hoặc cấu trúc tín dụng kém đa dạng sẽ phải trích lập dự phòng lớn, khiến lợi nhuận sụt giảm đáng kể. Đây là giai đoạn tái cấu trúc, khả năng quản trị rủi ro và tốc độ chuyển đổi số sẽ quyết định mức tăng trưởng của ngân hàng, chứ không đơn thuần nằm ở tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng (9.9%) trong 6 tháng đầu năm cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn (6.57%). Sự chênh lệch này cho thấy áp lực thanh khoản đang gia tăng trong hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh các ngân hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn như tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động (LDR) không vượt quá 85% và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không quá 30%.

Một điểm đáng quan tâm khác là tín dụng dành cho kinh doanh bất động sản hiện chiếm 18.47% tổng dư nợ toàn hệ thống – mức cao so với mặt bằng chung, tiềm ẩn rủi ro hệ thống lớn nếu thị trường này biến động tiêu cực. Tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức khoảng 134% càng làm nổi bật nguy cơ tập trung tín dụng quá mức vào bất động sản. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế, nên việc dồn dòng vốn lớn vào bất động sản càng làm dấy lên những lo ngại về mất cân đối và nợ xấu trong tương lai.

Trước những rủi ro này, chính sách tiền tệ cần được điều hành thận trọng và linh hoạt, cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng thông qua giảm lãi suất với việc kiểm soát các rủi ro về tỷ giá, lạm phát và dự trữ ngoại hối. Đồng thời, NHNN cần tăng cường giám sát chất lượng tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản và có định hướng rõ ràng trong ưu tiên vốn cho các phân khúc có tính xã hội cao như nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, thay vì tiếp tục chảy vào các dự án cao cấp vốn đã dư cung và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về phía ngân hàng, ông Trịnh Bằng Vũ – Trưởng khối Kinh doanh Bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam – dự báo, trong nửa còn lại của năm 2025, tỷ giá và chỉ số lạm phát, dù có áp lực tăng trong thời gian tới, nhưng Chính phủ và NHNN vẫn có thể chấp nhận một mức tăng nhất định, tận dụng tối đa các nguồn lực và công cụ để can thiệp và hạn chế tác động, giúp các ngân hàng thương mại giữ và ổn định mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay), hỗ trợ tín dụng, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về phía các ngân hàng thương mại, dù có các áp lực trong thời gian gần đây như: Biên lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng hơn trước… nhưng thay vì tăng lãi suất cho vay, họ cần phải hết sức linh hoạt và nỗ lực xoay sở các giải pháp khác nhau để giữ thấp lãi suất, cắt giảm tối đa chi phí hoặc buộc phải hy sinh một phần lợi nhuận… từ đó có thể duy trì được năng lực cạnh tranh, giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đặc biệt cho giai đoạn cao điểm cuối năm.

Cát Lam

FILI

– 08:22 17/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/chat-luong-tin-dung-quyet-dinh-loi-nhuan-ngan-hang-nua-cuoi-nam-757-1328528.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *