Châu Á có 263 quỹ quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), tổng giá trị thị trường đạt 235,8 tỷ USD

Sự sụt giảm chủ yếu đến từ việc giảm giá trị quy đổi sang USD tại các thị trường Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), do giá cổ phiếu quỹ giảm và biến động tỷ giá không thuận lợi.

Trong khi đó, thị trường REIT tại Trung Quốc đại lục nổi bật với mức tăng trưởng ấn tượng 85% so với cùng kỳ, nhờ vào việc phát hành sản phẩm mới và nhu cầu mạnh mẽ từ nhà đầu tư đối với các tài sản hạ tầng.

Tại các thị trường phát triển, các REITs tại Nhật Bản ghi nhận mức tăng lợi suất cổ tức đáng kể, nhờ giá cổ phiếu điều chỉnh và hiệu suất tài sản cải thiện, đặc biệt là các quỹ đầu tư vào khách sạn được hưởng lợi từ sự phục hồi của du lịch quốc tế.

Tại Singapore, lợi suất tổng thể tích cực được ghi nhận trên nhiều loại hình bất động sản trong năm 2024, bao gồm trung tâm dữ liệu (9,7%) và y tế (6,9%). Ở các thị trường khác, Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với giá trị thị trường tăng 41%, đứng thứ hai trong khu vực. Philippines, Malaysia và Ấn Độ lần lượt ghi nhận mức tăng 37%, 21% và 13%, được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vững chắc và lĩnh vực bất động sản hấp dẫn.

Thị trường

Số lượng REITs

Giá trị thị trường (tỷ USD)

Thị phần (%)

Nhật Bản

57

90,8

38,5

Singapore

39

67,4

28,6

Trung Quốc đại lục

58

21,4

9,1

Hong Kong (Trung Quốc)

11

16,1

6,8

Ấn Độ

4

11,0

4,6

Thái Lan

38

8,3

3,5

Malaysia

18

7,7

3,2

Philippines

8

5,8

2,5

Hàn Quốc

24

5,3

2.3

Đài Loan (Trung Quốc)

6

21,0

0,9

Tổng:

263

235,8

100

Tổng giá trị thị trường của các REITs đang hoạt động trên các sàn giao dịch lớn tại châu Á (tháng 12/2024). Nguồn Cushman & Wakefield.

Trung Quốc mở rộng thị trường C-REIT

Năm 2024 đánh dấu một bước đột phá trong hoạt động phát hành quỹ đầu tư tín thác bất động sản tại Trung Quốc đại lục (C-REIT), với 29 quỹ mới được đưa ra thị trường, trong đó có 19 quỹ được bảo đảm bằng tài sản bất động sản. Đây là số lượng phát hành cao nhất từng được ghi nhận trong một năm. Trong các nhóm sản phẩm, quỹ đầu tư vào hạ tầng phục vụ tiêu dùng dẫn đầu với 7 mã niêm yết mới, tiếp theo là quỹ đầu tư vào khu công nghiệp với 6 mã.

Bước sang năm 2025, đà tăng trưởng vẫn được duy trì với 6 quỹ mới được phát hành trong quý I, trong đó có 5 quỹ được bảo đảm bằng bất động sản. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng cộng có 64 quỹ đầu tư tín thác vào hạ tầng công cộng đang được niêm yết tại Trung Quốc, đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường.

Cushman & Wakefield cho biết, thị trường C-REIT đã đạt được một cột mốc lịch sử trong năm 2024, cả về giá trị thị trường lẫn số lượng sản phẩm phát hành mới. Sự bùng nổ này phản ánh niềm tin ngày càng lớn của nhà đầu tư vào các quỹ được bảo đảm bằng tài sản hạ tầng, cũng như thành công của các sản phẩm mới trong lĩnh vực bán lẻ và công nghiệp. Trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục đa dạng hóa và mở rộng, khi khung pháp lý ngày càng hoàn thiện để thu hút cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

GCC thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng tại Ấn Độ

Cũng theo báo cáo của Cushman & Wakefield, Trung tâm Vận hành Toàn cầu (GCC) đang thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng tại Ấn Độ. Các REITs văn phòng tại Ấn Độ đang thu hút nhu cầu lớn từ các GCC, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho thị trường văn phòng của quốc gia này. Trên phạm vi toàn quốc, các GCC chiếm trung bình 28 – 29% tổng khối lượng cho thuê trong 4 quý gần nhất tính đến quý I/2025. Đáng chú ý, các chủ sở hữu REIT đạt tỷ lệ cho thuê từ các GCC cao hơn nhiều, dao động từ 40 – 60%, cho thấy tài sản do các tổ chức sở hữu đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Theo Cushman & Wakefield, thị trường REIT tại Ấn Độ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong phân khúc văn phòng. Các công ty đa quốc gia, đặc biệt là các GCC, đã thúc đẩy hoạt động cho thuê đạt mức kỷ lục, hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong nguồn cung văn phòng hạng A của cả nước. Ngoài ra, nhu cầu đối với các tài sản cao cấp cũng đang gia tăng, mang lại lợi ích rõ rệt cho các quỹ REIT. Cả ba quỹ REIT văn phòng hiện có tại Ấn Độ đều đạt tỷ lệ lấp đầy gần 90% vào cuối quý I năm 2025.

Một quỹ REIT văn phòng thứ tư dự kiến sẽ niêm yết vào cuối năm 2025. Với tổng diện tích văn phòng hạng A trên toàn Ấn Độ lên tới 4,46 triệu m2 (trong đó 3,44 triệu m2 đã đi vào hoạt động và 1,02 triệu m2 đang được phát triển), Knowledge Realty Trust – được hậu thuẫn bởi Blackstone và Sattva Developers – được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những quỹ đầu tư tín thác bất động sản lớn nhất tại Ấn Độ.

Cushman & Wakefield dự báo, thị trường quỹ đầu tư tín thác bất động sản tại châu Á đang trên đà phát triển, đồng thời đối mặt với hai xu hướng song song: sự ổn định tại các thị trường trưởng thành và sự mở rộng tại các thị trường mới nổi. Các thị trường trưởng thành như Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả vận hành, trong khi vẫn phải đối mặt với những thách thức từ chính sách tiền tệ toàn cầu. Ngược lại, các thị trường mới nổi – đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan – được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nền tảng kinh tế vững chắc và khung pháp lý hỗ trợ.

Báo cáo của Cushman & Wakefield cũng cho biết, các quỹ đầu tư vào trung tâm dữ liệu và lĩnh vực khách sạn sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư, nhờ vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và sự phục hồi của ngành du lịch. Ngoài ra, hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) được kỳ vọng sẽ gia tăng, khi các nhà đầu tư tìm cách mở rộng quy mô và đa dạng hóa danh mục để ứng phó tốt hơn với biến động thị trường

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chau-a-co-263-quy-quy-dau-tu-tin-thac-bat-dong-san-reit-tong-gia-tri-thi-truong-dat-2358-ty-usd-post373455.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *