Chỉ đạo nóng của Chính phủ về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông hiện đại ngày càng cấp thiết, đề xuất của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed về việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ chính thức từ doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ ngày 15/5 đã ban hành thông báo kết luận cuộc họp do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, với chỉ đạo cụ thể đối với các bộ ngành liên quan.

duongsatcaotoc1(1).jpg
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ mở ra bước ngoặt lớn cho ngành hạ tầng Việt Nam (Ảnh sử dụng công nghệ AI)

Doanh nghiệp tư nhân đề xuất dự án 61,35 tỷ USD

VinSpeed – một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup – đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Theo phương án tài chính, VinSpeed cam kết tự thu xếp 20% tổng vốn (khoảng 12,27 tỷ USD), phần còn lại tương đương 80% sẽ do Nhà nước cho vay không lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Theo đại diện doanh nghiệp, cơ chế tài chính đặc thù này là cần thiết để giảm áp lực lên ngân sách nhà nước, trong bối cảnh các dự án đường sắt tốc độ cao trên thế giới thường có thời gian hoàn vốn kéo dài, dễ rơi vào tình trạng thua lỗ trong nhiều năm đầu vận hành. VinSpeed dự kiến khởi công dự án trước tháng 12/2025 và hoàn thành, đưa toàn tuyến vào khai thác trước cuối năm 2030.

Phó Thủ tướng chỉ đạo thẩm định toàn diện, yêu cầu rõ ràng về tính khả thi

Tại cuộc họp ngày 12/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần tiên phong của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng giao thông – vốn trước đây chủ yếu do Nhà nước đảm nhiệm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi mô hình đầu tư từ công sang tư nhân, đặc biệt với đề xuất vay ưu đãi không lãi suất và thời gian hoàn vốn kéo dài tới 99 năm, cần phải được đánh giá toàn diện và trình Quốc hội phê duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn tất các báo cáo đánh giá, tập trung vào các khía cạnh pháp lý, tài chính, cơ chế quản lý và hiệu quả đầu tư, chậm nhất là trước ngày 22/5. Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến, làm đầu mối trình báo cáo lên cấp có thẩm quyền tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Đồng thời, VinSpeed được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, trong đó phải có báo cáo so sánh giữa hai mô hình đầu tư công và tư nhân, làm rõ lợi thế, hiệu quả và tính khả thi nếu doanh nghiệp được giao thực hiện dự án. Những nội dung liên quan đến khả năng vay vốn ưu đãi, miễn lãi suất, ưu đãi đầu tư, cũng như đề xuất tách nợ dự án khỏi dư nợ của Tập đoàn Vingroup cần được các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ lưỡng, tránh rủi ro hệ thống.

Yêu cầu VinSpeed đóng vai trò “dẫn dắt công nghiệp đường sắt”

Một nội dung đặc biệt được Phó Thủ tướng lưu ý là việc phát triển chuỗi công nghiệp nội địa gắn với dự án. Nếu được phê duyệt, VinSpeed sẽ không chỉ xây dựng một tuyến đường sắt, mà còn phải đóng vai trò đầu tàu trong hình thành hệ sinh thái công nghiệp đường sắt tại Việt Nam – bao gồm sản xuất đầu máy, toa xe, thiết bị tín hiệu và đào tạo nhân lực kỹ thuật cao.

Hiện doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán với các đối tác đến từ Nhật Bản, Đức và Trung Quốc để tiếp nhận công nghệ, đồng thời lên kế hoạch triển khai sản xuất thiết bị ngay tại Việt Nam. VinSpeed cũng dự kiến tổ chức đào tạo đội ngũ kỹ sư trong nước để đảm bảo năng lực làm chủ công nghệ, tiến tới phát triển nền công nghiệp đường sắt tốc độ cao “Make in Vietnam”.

Bài toán vốn lớn, áp lực cao, kỳ vọng lớn

Với tổng vốn đề xuất hơn 61 tỷ USD, dự án của VinSpeed đang là một trong những đề xuất đầu tư hạ tầng tư nhân lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Không chỉ là bài toán tài chính khổng lồ, đây còn là phép thử cho năng lực quản trị, tầm nhìn chiến lược và cam kết dài hạn của khu vực tư nhân khi tham gia vào lĩnh vực giao thông vận tải – vốn là “xương sống” của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu được phê duyệt và triển khai thành công, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ mở ra bước ngoặt lớn cho ngành hạ tầng Việt Nam, không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, mà còn hình thành các cực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển vùng và kết nối chuỗi giá trị sản xuất – dịch vụ xuyên suốt quốc gia.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chi-dao-nong-cua-chinh-phu-ve-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-1378896.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *