Chỉ số chứng khoán Việt Nam vào top tốt nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ và loạt nước ASEAN

Tính đến ngày 13/5, chỉ số ETF của chứng khoán Việt Nam (VNM) đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 11% từ đầu năm, theo dữ liệu từ YCharts do Visual Capitalist tổng hợp. Với kết quả này, Việt Nam đã vượt qua nhiều nền kinh tế trong khu vực ASEAN như Indonesia (-5,1%), Thái Lan (-6,5%) và Malaysia (1,6%), đồng thời nằm trong nhóm các thị trường có hiệu suất tốt nhất thế giới.

So với mặt bằng chung toàn cầu, Việt Nam thậm chí còn vượt xa nhiều thị trường phát triển như Mỹ (0,4%), Nhật Bản (7,7%) và Canada (7,7%). Đặc biệt, trong khi các nền kinh tế như Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Đan Mạch và Malaysia chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn dưới 2%, thì Việt Nam nổi bật với đà tăng mạnh mẽ bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.

Dẫn đầu bảng xếp hạng là Ba Lan với mức tăng trưởng 47,6%, theo sau là Áo (34,3%) và Hy Lạp (32,7%). Tuy nhiên, trong nhóm các nền kinh tế mới nổi và khu vực châu Á, Việt Nam vẫn giữ vị thế nổi bật và có dấu hiệu thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế.

Chỉ số chứng khoán Việt Nam vào top tốt nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ và loạt nước ASEAN- Ảnh 1.

Chỉ số ETF của chứng khoán Việt Nam (VNM) đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 11,0% từ đầu năm. Đồ hoạ: Visual Capitalist.

Kết quả này không chỉ phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế tại Việt Nam, mà còn là tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính trong nước trong bối cảnh nhiều quốc gia khu vực đang chật vật vượt qua các thách thức nội tại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam 2025: Động lực tăng trưởng và kỳ vọng nâng hạng

Bên cạnh đà tăng trưởng ấn tượng, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 còn được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố nội tại và chính sách hỗ trợ. Theo báo cáo của Chứng khoán Agribank (Agriseco), dựa trên kế hoạch kinh doanh năm 2025, lợi nhuận ròng toàn thị trường dự kiến tăng hơn 16%, trong khi tổng doanh thu (không bao gồm nhóm ngân hàng) tăng gần 14% so với năm trước. Những con số này phần nào lý giải vì sao ETF đại diện cho thị trường Việt Nam lại đạt hiệu suất vượt trội như vậy.

Đặc biệt, các nhóm ngành như bất động sản, bán lẻ và ngân hàng được kỳ vọng sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng. Ngành bất động sản ghi nhận sự phục hồi nhờ nhiều dự án bước vào giai đoạn bàn giao và hạch toán lợi nhuận, cùng với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp hỗ trợ giảm chi phí lãi vay. Ngành bán lẻ tiếp tục tăng trưởng nhờ sức cầu nội địa phục hồi, được hỗ trợ bởi chính sách giảm thuế VAT và mức lương cơ bản tăng. Trong khi đó, ngành ngân hàng hưởng lợi từ sự cải thiện chất lượng tài sản và biên lãi ròng (NIM) ổn định.

Một yếu tố quan trọng khác đang tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư là kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm nay. Việc nâng hạng không chỉ giúp thu hút dòng vốn ngoại dài hạn mà còn là cú hích nâng cao vị thế tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư quốc tế lớn gia nhập thị trường. Theo nhiều chuyên gia, điều này có thể mang lại dòng vốn lên tới hàng tỷ USD trong giai đoạn 2025–2026.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, thị trường cũng đối mặt với một số thách thức như áp lực từ tỷ giá USD/VND, rủi ro địa chính trị khu vực và diễn biến khó lường của kinh tế thế giới. Ngoài ra, quá trình nâng hạng vẫn đòi hỏi sự cải thiện thực chất về thanh khoản, chất lượng báo cáo tài chính và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp – những vấn đề lâu nay được coi là “điểm nghẽn” của thị trường Việt Nam.

Dù vậy, với nền tảng vĩ mô ổn định, dư địa chính sách còn lớn và lực đỡ từ cải cách thể chế, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm sáng trong khu vực, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước trong nửa cuối năm 2025.

Nguồn: https://cafef.vn/chi-so-chung-khoan-viet-nam-vao-top-tot-nhat-the-gioi-vuot-qua-ca-my-va-loat-nuoc-asean-188250523144338801.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *