Chỉ vài giờ nữa thôi, đôi bờ sông Hồng sẽ chứng kiến một bước ngoặt hạ tầng mới của Thủ đô

Theo kế hoạch, sáng nay ngày 19/5, lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường kết nối hai đầu cầu sẽ chính thức diễn ra tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Đây là công trình hạ tầng trọng điểm không chỉ của Hà Nội mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với cả vùng Thủ đô, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu kết nối khu vực nội đô với phía Bắc ngày càng cấp thiết.

songhong.jpg
Không chỉ mang ý nghĩa giao thông, dự án còn là một phần trong chiến lược giãn dân nội đô (Ảnh minh họa)

Dự án cầu Tứ Liên được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 30/3/2020, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Với tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5 km, dự án bắt đầu từ nút giao Nghi Tàm (quận Tây Hồ) đến nút giao Vành đai 3 thuộc cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Trong đó, riêng phần cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9 km, bao gồm cầu chính dài 1 km được thiết kế theo kiến trúc dây văng hiện đại, mặt cắt ngang đảm bảo 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.

Cầu Tứ Liên có vai trò như một cửa ngõ chiến lược mới, kết nối khu vực Âu Cơ – Nghi Tàm (quận Tây Hồ) với xã Đông Hội (huyện Đông Anh), mở ra trục phát triển hạ tầng hoàn toàn mới từ trung tâm thành phố ra phía Bắc. Khi hoàn thành, cây cầu sẽ góp phần giảm tải đáng kể cho các tuyến giao thông huyết mạch hiện tại như cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và cầu Chương Dương, đồng thời hình thành lối đi thứ ba từ sân bay Nội Bài về khu vực nội đô. Dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025 – 2027.

Không chỉ mang ý nghĩa giao thông, dự án còn là một phần trong chiến lược giãn dân nội đô, mở rộng không gian đô thị hai bên sông Hồng, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được Chính phủ phê duyệt. Cầu Tứ Liên là một trong những hạng mục đầu tiên hiện thực hóa quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng mà Hà Nội ấp ủ suốt nhiều năm qua.

cautulien2.jpg
Cầu Tứ Liên có vai trò như một cửa ngõ chiến lược mới, kết nối khu vực Âu Cơ – Nghi Tàm

Công tác giải phóng mặt bằng – yếu tố then chốt đảm bảo tiến độ – cũng đang được triển khai quyết liệt tại các địa phương liên quan. Tại quận Tây Hồ, diện tích cần thu hồi gần 266.524m², ảnh hưởng tới 558 trường hợp, trong đó có 322 hộ có đất ở, 230 hộ có đất nông nghiệp và 6 trường hợp là đất tổ chức, công. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 2.884 tỷ đồng, với 194 hộ dân có nhu cầu tái định cư. Tại quận Long Biên, diện tích giải phóng là 73.794m², còn huyện Đông Anh là khoảng 261.100m². Việc triển khai nhanh gọn công tác đền bù, hỗ trợ và tái định cư là yếu tố sống còn để đảm bảo dự án được thi công đúng tiến độ.

Trước đó, vào tháng 11/2024, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) đã ký kết biên bản ghi nhớ, hình thành liên danh nhà thầu tham gia đấu thầu dự án theo hình thức hợp đồng EPC. Việc các doanh nghiệp lớn chủ động tham gia các dự án hạ tầng chiến lược không chỉ thể hiện năng lực tài chính và thi công, mà còn khẳng định niềm tin vào triển vọng phát triển bền vững của Hà Nội và khu vực Bắc sông Hồng.

Cầu Tứ Liên không đơn thuần là một cây cầu vượt sông Hồng. Đây là biểu tượng cho giai đoạn phát triển mới của Thủ đô, cho thấy tầm nhìn chiến lược dài hạn của thành phố trong việc mở rộng không gian đô thị, giải quyết các điểm nghẽn giao thông và tạo cú hích cho kinh tế – xã hội hai bên bờ sông. Sau nhiều năm chuẩn bị, giờ đây, mọi điều kiện đã sẵn sàng để bước ngoặt hạ tầng này được khởi công, mở ra cánh cửa mới cho Thủ đô vươn xa.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chi-vai-gio-nua-thoi-doi-bo-song-hong-se-chung-kien-mot-buoc-ngoat-ha-tang-moi-cua-thu-do-1379373.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *