“Giấc mơ thép” nằm im hơn một thập kỷ
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố kế hoạch thanh tra chuyên đề nhắm vào các công trình có dấu hiệu trì trệ, tồn đọng lâu năm, hiệu quả thấp hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát, lãng phí tài nguyên quốc gia. Trong danh sách được công bố, dự án mỏ sắt Thạch Khê tại Hà Tĩnh, từng được kỳ vọng sẽ trở thành “mỏ vàng” cho ngành công nghiệp luyện kim cũng có tên.
Tọa lạc tại khu vực ven biển của 5 xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 8km và gần biển chừng 1,6km, mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1960. Với trữ lượng ước tính khoảng 544 triệu tấn, đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm tới một nửa tổng tài nguyên quặng sắt của cả nước.
Dự án khai thác mỏ do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đảm nhiệm, khởi động chính thức vào năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu vào khoảng 14.500 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu từ 2009 đến 2011, TIC đã bóc tách hơn 12,7 triệu m³ đất và khai thác thử nghiệm khoảng 3.000 tấn quặng ở độ sâu 34m. Tuy nhiên, hành trình tiến ra biển lớn nhanh chóng bị gián đoạn khi Chính phủ yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động từ cuối năm 2011 để rà soát lại thiết kế kỹ thuật cũng như tái cơ cấu cổ đông, do phát sinh nhiều vướng mắc về năng lực triển khai, vốn và giải phóng mặt bằng.
Sau nhiều năm “đắp chiếu”, đến tháng 4/2016, dự án được phê duyệt tái khởi động với tổng mức đầu tư không thay đổi nhưng được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên dự kiến khai thác 5 triệu tấn quặng mỗi năm trong vòng 7 năm; giai đoạn thứ hai nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm và kéo dài tới 29 năm. Tổng vòng đời khai thác của mỏ theo kế hoạch là 52 năm.
Trung ương muốn làm, địa phương chưa sẵn sàng
Dù được Bộ Công Thương và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ủng hộ triển khai, dự án này vẫn không được sự đồng ý từ phía chính quyền Hà Tĩnh. Tại kỳ họp HĐND tỉnh năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định tỉnh này “kiên quyết đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê”, chủ yếu do lo ngại về hệ lụy môi trường và đời sống dân sinh.
Theo các đánh giá kỹ thuật, mỗi ngày hoạt động khai thác có thể xả ra từ 3–4 triệu m³ nước thải ra biển, cùng với đó là khối lượng lớn chất nổ sử dụng trong phạm vi chỉ cách khu dân cư vài kilomet. Ngoài nguy cơ ô nhiễm nước biển và không khí, dự án còn được cảnh báo có thể gây xâm nhập mặn, cạn kiệt nước ngầm, sa mạc hóa đất đai, sạt lở bãi thải – tất cả đều đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân địa phương.
Trong khi các cấp chính quyền địa phương lo ngại về tác động tiêu cực, giới doanh nghiệp sản xuất thép lại cho rằng việc “để không” mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á là sự lãng phí không thể chấp nhận. Nhiều nhà phân tích ước tính nếu được khai thác hiệu quả, mỏ Thạch Khê có thể mang lại nguồn thu từ thuế và phí lên đến 15–20 tỷ USD trong suốt vòng đời dự án – một con số không nhỏ cho ngân sách quốc gia.
Tập đoàn Hòa Phát – doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam cũng từng bày tỏ ý định khai thác mỏ này. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết hiện nay ngành thép trong nước vẫn phụ thuộc tới 95% nguyên liệu từ nhập khẩu, tương đương 30 triệu tấn quặng sắt mỗi năm.
Chủ tịch Hoà Phát bày tỏ sự trân trọng đối với Bộ Công Thương vì đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhập khẩu, đồng thời đề xuất cần sớm khai thác mỏ sắt Thạch Khê nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-vao-cuoc-thanh-tra-mo-sat-lon-nhat-dong-nam-a-tung-duoc-hoa-phat-de-xuat-khai-thac-tro-lai-1393262.html