Cho vay margin của VPS tăng kỷ lục, đẩy mạnh dư nợ trái phiếu

Cơ cấu tài sản của VPS ghi nhận nhiều thay đổi sau 6 tháng đầu năm, với dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tăng mạnh lên vượt ngưỡng 17.000 tỷ đồng.

 

Các chỉ tiêu tài chính của VPS tăng trưởng tích cực trong quý 2/2025. Ảnh minh họa: Hà Anh – Mekong ASEAN

Theo báo cáo tài chính quý 2/2025 vừa được CTCP Chứng khoán VPS công bố, công ty ghi nhận 1.724 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng nhẹ so với quý 2/2024. Trong đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 530 tỷ đồng, doanh thu nghiệp vụ môi giới đạt 748 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,23% và giảm 16% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh doanh thu không có nhiều chênh lệch, VPS tiết giảm đáng kể chi phí, với tổng chi phí hoạt động giảm 20,64% về còn 669 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nghiệp vụ môi giới giảm 26% về còn 623,6 tỷ đồng.

Trừ đi thuế phí, VPS báo lãi sau thuế 702,2 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2024. Dù giảm lần lượt 4,4% so với quý 1/2025, và 16,1% so với quý 4/2024, đây là mức lãi quý cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPS ghi nhận 3.192 tỷ đồng doanh thu hoạt động, 1.438 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 2,6% và tăng 40% so với nửa đầu năm 2024. Năm 2025, VPS đặt mục tiêu lãi trước thuế 2.800 tỷ đồng, như vậy, công ty đã hoàn thành 51,4% kế hoạch sau 2 quý hoạt động.

Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của VPS đạt 32.138 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm đầu năm. Dù tỷ lệ chênh lệch không quá lớn so với đầu kỳ, cơ tấu tài sản của VPS ghi nhận sự thay đổi mạnh.

Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tại cuối quý 2/2025 đạt 5.154, cao gấp 3 lần đầu năm; tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 68,7% về còn 2.528 tỷ đồng, chủ yếu do khoản công cụ thị trường tiền tệ giảm tới 91,4% về còn 600 tỷ đồng.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của VPS là các khoản cho vay với 17.436 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng, tương ứng 40% so với đầu năm. Trong đó, hoạt động cho vay ký quỹ (margin) đạt 17.009 tỷ đồng – cao nhất từ trước đến nay.

Chi phí xây dựng dở dang, dù chiếm tỷ trọng không lớn, tăng 162,5% so với đầu năm lên 54,6 tỷ đồng. Vào ngày 5/6/2025, HĐQT VPS đã có nghị quyết thay đổi trụ sở chính, từ khu văn phòng số 65 phố Cảm Hội, Hai Bà Trưng – trụ sở nhiều năm nay của VPS, sang số 88 Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt, TP Hà Nội.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của VPS tăng nhẹ 1,75% lên 19.337 tỷ đồng. Tương tự tài sản, tổng nợ của VPS không có nhiều biến động, tuy nhiên cơ cấu nợ có nhiều thay đổi so với đầu năm.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 26,7% so với đầu năm về còn 13.431 tỷ đồng. Trong khi đầu năm VPS không ghi nhận nợ dài hạn, tại cuối quý 2/2025, nợ phải trả dài hạn của VPS đạt 5.103 tỷ đồng, bao gồm 100 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, và 5.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành dài hạn.

Vào ngày 3/3/2025, VPS đã phát hành 50 triệu trái phiếu ra công chúng, huy động về 5.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, là trái phiếu không có đảm bảo, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của VPS.

Minh Phong-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/cho-vay-margin-cua-vps-tang-ky-luc-day-manh-du-no-trai-phieu/33873677

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *