Chủ tịch SII: Nhà máy nước Củ Chi cần đến 2032 mới có thể tự chủ dòng tiền
Ngày 30/06, CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (UPCoM: SII) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2025. Đại hội tiếp tục chứng kiến sự bất đồng giữa các cổ đông lớn, hầu hết tờ trình chỉ vừa đạt đủ tỷ lệ thông qua 51%.
Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Hoàng Minh Hùng nhìn nhận Doanh nghiệp đang đối mặt với một số thách thức, đặc biệt tại 2 dự án trọng điểm là nhà máy nước Củ Chi và Sài Gòn An Khê (Gia Lai). Trong đó, dự án Củ Chi được đầu tư theo định hướng của Nhà nước và vẫn còn thua lỗ kể từ khi vận hành.
Ông cho biết Công ty phải dùng lợi nhuận từ các dự án khác để bù lỗ, nhận tiền mặt từ công ty mẹ để duy trì hoạt động. Quy mô đầu tư tuy lớn, hệ thống cấp nước ở Củ Chi chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, do sản lượng tiêu thụ thấp và sự phối hợp địa phương còn hạn chế.
Theo Chủ tịch, phần lớn người dân vẫn có thói quen sử dụng nước giếng khoan, trong khi các khu công nghiệp lại chọn phương án tự xử lý nước thay vì lấy từ nhà máy. Nhằm thúc đẩy nhu cầu sử dụng nước sạch, Công ty đã liên tục tuyên truyền, đồng thời đơn giản hóa quy trình lắp đặt đồng hồ để khuyến khích đấu nối.
Một vấn đề khác là thất thoát nước cao do mạng lưới chưa đồng bộ. Nhiều đoạn ống cũ thường bị đào trúng khi thi công nông thôn mới, gây rò rỉ nghiêm trọng. Giai đoạn đầu, Công ty không đủ thiết bị, phương pháp và nhân lực để kiểm soát. Đến cuối 2022, tình hình mới được cải thiện khi công ty mẹ cử chuyên gia và cung cấp công cụ hỗ trợ. Tổn thất hiện đã giảm, năng suất lao động tăng và thu nhập người lao động được cải thiện.
Với dự án Sài Gòn An Khê, dù doanh thu khiêm tốn và lương nhân viên ở mức thấp, nhiều người vẫn gắn bó suốt nhiều năm để đảm bảo cấp nước cho thị xã An Khê (nay là phường An Khê, tỉnh Gia Lai).
Dù chịu áp lực từ các dự án thua lỗ, hoạt động cốt lõi của SII trong năm 2024 được Chủ tịch đánh giá cải thiện rõ rệt, với nhiều chỉ tiêu vượt chuẩn ngành. Tuy nhiên, Công ty tiếp tục không chia cổ tức do cần dòng tiền để trả nợ và duy trì hoạt động tại Củ Chi.
“Để dự án Củ Chi tự vận hành được về mặt tài chính, phải đến năm 2032”, ông Hùng nói và cho biết công ty mẹ vẫn tiếp tục hỗ trợ dù không phải nhà đầu tư ban đầu. Ông cũng cho rằng việc bán Tân Hiệp 2 là “quyết định hợp lý” sau 10 năm đầu tư, vì nếu giữ lại thì cổ tức sẽ giảm dần do chi phí tăng, trong khi không thể hỗ trợ các dự án khác.
“Giá trị bán vừa rồi mang lại hiệu quả cao, thậm chí còn tốt hơn so với cổ tức“, ông giải thích, đồng thời nhấn mạnh nguồn tiền thu về từ thương vụ buộc phải giữ lại để tiếp tục trả nợ gốc và lãi. Nếu chia cổ tức lúc này, Công ty sẽ thiếu hụt dòng tiền, dẫn đến nguy cơ bị ngân hàng siết nợ, khiến tài sản phải tạm ngưng vận hành để chuyển giao và ảnh hưởng đến dự án Củ Chi.
“Để đảm bảo an toàn tài chính, mốc tự chủ của dự án Củ Chi được dự kiến vào năm 2032. Thời gian cụ thể sẽ do bộ phận tài chính tiếp tục rà soát và tính toán kỹ lưỡng“, ông Hùng thông tin.
Năm 2025, SII đặt mục tiêu doanh thu mảng nước sạch tăng 13%, đạt 287 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 69%, song vẫn dự tính sẽ lỗ ròng 67 tỷ đồng do chi phí vận hành cao, đặc biệt là lãi vay. Riêng dự án Củ Chi dự kiến lỗ trước thuế hơn 82 tỷ đồng, giảm so với mức gần 88 tỷ năm trước, nhờ doanh thu kỳ vọng tăng 10%.
SII dự báo dự án Củ Chi tiếp tục lỗ năm 2025 nhưng giảm so với cùng kỳ. Nguồn: SII
|
Văn phòng giao dịch của SII tại Củ Chi – Ảnh: DNP
|
Cổ đông lớn phản đối hàng loạt tờ trình
Đại diện cổ đông Manila Water South Asia Holdings Pte Ltd (Manila Water, nắm 38% vốn) và VIAC (No.1) Limited Partnership (VIAC, nắm 10.9%) không đồng thuận với nhiều nội dung tại đại hội, đặc biệt là báo cáo tài chính 2024 đã kiểm toán.
Phía Manila Water cho rằng báo cáo kiểm toán 2024 có nhiều điểm thiếu chính xác, nhất là khoản hơn 154 tỷ đồng SII phải trả cho Manila Water theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Cấp thoát Nước Củ Chi. Thuyết minh cho rằng 2 bên “đang trong quá trình thảo luận để phát hành cổ phần mới” bị cho là không đúng bản chất. Theo đại diện cổ đông đến từ Philippines, Manila Water hiện vẫn đang yêu cầu SII thanh toán toàn bộ khoản phải trả này chứ không có “đàm phán”.
Manila Water cũng phản đối việc SII bán CTCP Đầu tư Nước Tân Hiệp – chủ đầu tư Nhà máy nước Tân Hiệp 2, cho rằng không đúng thẩm quyền, đồng thời chỉ ra khoản vay 233 tỷ đồng từ công ty mẹ CTCP Đầu tư Ngành nước DNP chưa được HĐQT phê duyệt đúng quy trình. Ngoài ra, các khoản vay cho bên thứ ba không có tài sản đảm bảo, lãi suất không đồng nhất.
“Điều này tiềm ẩn rủi ro và có thể gây tổn thất cho cổ đông SII”, vị này nhấn mạnh, và dẫn chứng báo cáo kiểm toán năm 2024 cho thấy SII vẫn đang gánh nhiều khoản nợ lớn, với tổng nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn tính đến cuối năm hơn 1.3 ngàn tỷ đồng.
SII ghi nhận phải trả Manila Water và VIAC số tiền hơn 154 tỷ đồng với mỗi bên. Nguồn: BCTC hợp nhất kiếm toán 2024 của SII
|
Đáp lại, Chủ tịch SII Hoàng Minh Hùng cho biết các giao dịch đều tuân thủ điều lệ, được kiểm toán phê duyệt, và nếu cổ đông có nghi vấn có thể gửi kiến nghị đến Ban Kiểm soát theo đúng quy trình công khai. Ông nhiều lần khẳng định đại hội không phải nơi xét xử các vấn đề pháp lý chưa rõ ràng, những nội dung ngoài chương trình sẽ không được ghi nhận chính thức.
Về các khoản vay chưa có tài sản đảm bảo, ông Hùng nói Công ty đã bổ sung, điều chỉnh và sẽ thể hiện trong kỳ báo cáo tới. Đối với khoản cho vay nội bộ, ông cho rằng cần chờ số liệu tài chính thực tế để đánh giá hiệu quả, thay vì kết luận sớm.
“Nếu có tiền mà chỉ gửi ngân hàng thì đâu cần doanh nghiệp”, lãnh đạo nói, “Kinh doanh không thể không có rủi ro”, đồng thời kêu gọi cổ đông đồng hành trong giai đoạn tái cấu trúc, đặc biệt tại dự án Củ Chi.
Trước lo ngại rằng việc bán nhà máy nước Tân Hiệp sẽ làm mất nguồn thu ổn định trong những năm tới và chưa chắc SII có thể có lãi sau năm 2032, ông Hùng cho rằng nếu loại khoản đầu tư này khỏi kế hoạch năm 2025, mức lỗ hơn 60 tỷ đồng vẫn là tín hiệu tích cực so với các năm trước. Theo ông, khả năng có lãi sau năm 2032 phụ thuộc vào hiệu quả điều hành của Ban Lãnh đạo hiện nay. Nếu có đủ quyết tâm và giải pháp đúng hướng, mốc tự chủ tài chính có thể được rút ngắn còn 5 năm, thậm chí chỉ 3 năm.
Dù vậy, bất đồng giữa các cổ đông lớn chưa thể tháo gỡ. Manila Water và VIAC không tán thành 7 trong số 8 nội dung nghị quyết tại đại hội, chỉ đồng ý với phần phân phối lợi nhuận 2024 và kế hoạch thù lao 2025. Cả hai cổ đông cũng không thông qua biên bản họp và toàn bộ nghị quyết cuối cùng. Tuy nhiên, với tỷ lệ chấp thuận trên 51% đến từ công ty mẹ Đầu tư Ngành nước DNP và một số cổ đông nhỏ lẻ khác, nghị quyết và biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2025 vẫn đủ điều kiện thông qua.
* SII hậu thâu tóm (kỳ 1): Bán tài sản tốt rồi đem tiền cho vay
* SII hậu thâu tóm (kỳ 2): Mang tiền cho vay và đầu tư vào một công ty chìm trong nợ
* SII hậu thâu tóm (kỳ 3): Bản chất “khoản phải trả” và kế hoạch tương lai
– 11:20 02/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/chu-tich-sii-nha-may-nuoc-cu-chi-can-den-2032-moi-co-the-tu-chu-dong-tien-737-1323798.htm