Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cho rằng sản xuất là yếu tố cốt lõi của một quốc gia. Nếu một đất nước không trực tiếp tham gia vào sản xuất, chỉ cần một thế hệ thôi, khả năng sáng tạo sẽ mất đi.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse. Ảnh: Sunhouse.
Việt Nam và Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng. Trong đó, Mỹ sẽ giảm đáng kể thuế đối ứng (mức ban đầu 46%) cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương.
Sunhouse, một trong những nhà sản xuất hàng gia dụng lớn nhất Việt Nam, sẽ thích ứng ra sao trong bối cảnh mới này, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Phú: Điều chúng tôi quan tâm nhất lúc này là lợi thế cạnh tranh về thuế. Nếu thuế suất dành cho hàng Việt Nam cao hơn so với các nước cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Ấn Độ, đó thực sự là một mối lo ngại lớn.
Sunhouse đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó với những tình huống xấu nhất. Chúng tôi luôn tính đến phương án nếu thuế suất áp với Việt Nam cao hơn các đối thủ thì sẽ phải làm gì, thay đổi chuỗi cung ứng hay đẩy mạnh nội địa hóa đến mức nào để giữ lợi thế.
Chúng tôi kỳ vọng Mỹ sẽ áp dụng chính sách phân loại theo tỷ lệ nội địa hóa. Nếu sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao tại Việt Nam, sẽ được áp thuế thấp, trung bình thì áp mức bậc trung, còn thấp thì thuế cao. Nếu đúng như vậy, Sunhouse sẽ có lợi thế rõ rệt vì chúng tôi đầu tư mạnh vào sản xuất trong nước từ trước.
Trung Quốc là công xưởng thế giới, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tập đoàn công nghệ như Apple, Samsung đang đặt hàng nhiều linh kiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không ít người đánh giá hàng Việt Nam có linh kiện nhập từ Trung Quốc, hay hàng mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam mà đặt sản xuất ở Trung Quốc là hàng kém chất lượng. Ông bình luận gì về quan điểm này?
Ông Nguyễn Xuân Phú: Cần thay đổi quan điểm sai lầm là sản xuất ở Trung Quốc thì không tốt. Sunhouse có sản xuất cả tại Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất tới 80% hàng tiêu dùng toàn cầu. iPhone là sản phẩm của Mỹ nhưng sản xuất ở Trung Quốc. Samsung là thương hiệu Hàn Quốc nhưng phần lớn được sản xuất ở Việt Nam.
Bản chất của sản xuất toàn cầu hiện nay là tối ưu hóa: R&D ở nơi có chất xám tốt, sản xuất ở nơi chi phí hợp lý, và bán ở thị trường hiệu quả nhất. Đánh giá chất lượng sản phẩm cốt lõi phải là các tiêu chí về chất lượng, hệ thống quản trị, thương hiệu.
Doanh nghiệp muốn tồn tại bền vững phải đầu tư vào quản trị chất lượng. Sản phẩm gắn mác Sunhouse, dù sản xuất ở đâu, đều phải đạt tiêu chuẩn chất lượng như nhau. Chúng tôi xây dựng hệ thống quản trị chất lượng riêng của Sunhouse và đang sản xuất theo đơn đặt hàng cho các thương hiệu lớn toàn cầu để học hỏi, chuẩn hóa quy trình.
Ở Việt Nam, cách quản lý còn thiên về xuất xứ, trong khi xuất xứ hoàn toàn có thể bị gian lận, như hiện tượng nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam nhưng gắn mác châu Âu để bán giá cao.
Dây chuyền sản phẩm điện gia dụng nằm trong cụm nhà máy Sunhouse tại đại lộ Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Sunhouse.
Sản xuất là nơi tạo ra phát minh
Hiện các doanh nghiệp nước ngoài có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với Sunhouse theo hình thức nào? Mua linh kiện từ Sunhouse, đặt hàng Sunhouse nhưng theo thương hiệu riêng của họ, hay nhập khẩu trực tiếp thành phẩm? Được biết tập đoàn đặt mục tiêu xuất khẩu vượt 3.000 tỷ đồng trong năm 2025.
Ông Nguyễn Xuân Phú: Sản xuất là yếu tố cốt lõi của một quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà khi ông Trump lên nắm quyền đã nỗ lực kéo sản xuất về Mỹ. Vì sao? Vì sản xuất là nơi tạo ra phát minh. Nếu một đất nước không trực tiếp tham gia vào sản xuất, chỉ cần một thế hệ thôi, khả năng sáng tạo sẽ mất.
Lịch sử đã chứng minh điều đó. Nước Anh từng là trung tâm công nghiệp hóa, sau đó chuyển sang Mỹ, rồi Nhật, Hàn Quốc, và giờ là Trung Quốc. Nước nào làm chủ sản xuất, nước đó dẫn đầu phát minh. Giờ đây, Trung Quốc là nước có số lượng bằng sáng chế lớn nhất thế giới.
Việt Nam đang có lợi thế rất lớn từ làn sóng dịch chuyển sản xuất sau thương chiến Mỹ-Trung. Chúng ta là điểm đến thay thế cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Không quốc gia nào có tốc độ xây nhà máy và tăng trưởng xuất khẩu nhanh như Việt Nam hiện nay.
Hầu hết các thương hiệu lớn đều đã mua hàng hoặc đặt nhà máy tại Việt Nam. Đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn doanh nghiệp nội và FDI vẫn hoạt động tách biệt, ít liên kết. Chúng ta chưa “chui” được vào chuỗi cung ứng của họ, cũng chưa học hỏi được nhiều.
Cá nhân tôi hiểu rõ điều này nên từ năm 2018-2019, tôi đã chủ động đầu tư hạ tầng và hệ sinh thái để Sunhouse có thể tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Chúng tôi xây dựng đầy đủ từ nhà máy vi mạch, ép nhựa, cơ khí chính xác… Nhà máy ứng dụng dây chuyền và công nghệ Hàn Quốc, theo tiêu chuẩn nhà cung cấp cấp 1 của Samsung.
Chúng tôi đã sản xuất các sản phẩm như set-top box cho Deutsche Telekom (Đức), AI sticker cho SK (Hàn Quốc), chip điều khiển khóa thông minh của Thụy Sĩ… Tức là sản phẩm của Sunhouse đã đạt đến độ tinh vi để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, phải đạt hai điều kiện cực kỳ khó. Hệ thống chất lượng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giá thành sản phẩm phải cạnh tranh toàn cầu.
Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hàng đầu, ngoài yếu tố giá cả, quy mô sản xuất sẽ là yêu cầu để đáp ứng các đơn hàng lớn. Lợi thế kinh tế về quy mô (economies of scale) cũng sẽ giúp giảm chi phí trung bình trên mỗi đơn vị sản phẩm. Sunhouse giải quyết thách thức này ra sao?
Ông Nguyễn Xuân Phú: Không có quy mô thì chắc chắn không thể có giá thành cạnh tranh. Đây là nguyên tắc trong sản xuất. Tuy nhiên, quy mô sản xuất mở rộng đến đâu lại phải dựa vào khả năng dự báo nhu cầu thị trường và khách hàng.
Quan điểm của Sunhouse là mở rộng một cách tương thích, phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Chúng tôi đặt công tác dự báo làm ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo luôn sẵn sàng đón nhận cơ hội mà không bị động hay bất ngờ.
Điểm đáng chú ý là nội địa hóa bắt buộc phải đạt từ 80% trở lên mới có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, đó là thách thức lớn nhất. Ở 10 nhà máy của Sunhouse, chúng tôi tự chủ gần như toàn bộ quy trình – sản phẩm nào đã quyết định làm thì sẽ làm tới 80-90% ngay trong hệ thống nhà máy của mình.
Sunhouse có định hướng gì liên quan đến thương mại điện tử? Doanh nghiệp sẽ lưu tâm đến bán hàng trên các nền tảng lớn như Amazon hay xây dựng hệ thống thương mại điện tử riêng cho mình?
Ông Nguyễn Xuân Phú: Thương mại điện tử, đặc biệt trong ngành hàng gia dụng nhỏ, chắc chắn sẽ trở thành kênh bán hàng chính trong tương lai, khi thế hệ 9x-2000 trở thành lực lượng tiêu dùng chủ đạo. Đây là nhóm am hiểu công nghệ, sẵn sàng mua sắm online và quyết định rất nhanh. Sunhouse nhìn thấy rõ cơ hội này, nên coi thương mại điện tử là một trong hai trụ cột chiến lược tăng trưởng: (1) Xuất khẩu và (2) Thương mại điện tử.
Chúng tôi không đặt mục tiêu xây dựng nền tảng riêng để cạnh tranh với các “ông lớn” như Amazon hay Shopee, mà sẽ tập trung đầu tư gian hàng chính hãng trên các nền tảng lớn, tận dụng hạ tầng sẵn có để phát triển. Đồng thời, chúng tôi xây dựng hệ thống thương mại điện tử nội bộ để từng bước chủ động hơn trong hành trình dài hạn. Trong 2 năm gần đây, Sunhouse đạt mức tăng trưởng tốt nhất ở kênh thương mại điện tử.
Nhà máy Sunhouse Technologies, đại lộ Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Sunhouse.
“Gánh vác” rủi ro cùng doanh nghiệp
Sunhouse đang đầu tư lớn vào một nhà máy vi mạch. Ông đánh giá thế nào về các chính sách hiện nay đối với đầu tư vào các ngành công nghệ cao?
Ông Nguyễn Xuân Phú: Vừa rồi, tôi sang Trung Quốc. Trung Quốc có cách làm rất thực chất: mỗi tỉnh có quỹ đầu tư phát triển riêng, họ lựa chọn ngành mũi nhọn muốn tập trung phát triển, rồi chọn một vài doanh nghiệp có khát vọng, năng lực, để cùng đồng hành và đầu tư.
Ví dụ ở Quảng Tây, họ muốn làm nhà máy màn hình. Nhà nước chọn doanh nghiệp phù hợp để cùng đầu tư. Trong quá trình triển khai, nếu doanh nghiệp tư nhân có sai phạm, nhà nước vẫn kiên định với dự án: tuyển hẳn một đội chuyên gia người Hàn, mời giám đốc Samsung Display Trung Quốc về điều hành từ xây dựng, triển khai sản phẩm đến bán hàng.
Sunhouse đầu tư 20 triệu USD vào nhà máy vi mạch, và đến nay đã chịu lỗ hơn 150 tỷ đồng (5,73 triệu USD). Công nghệ cao là như vậy. Nếu Việt Nam thực sự muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành mũi nhọn, tạo ra giá trị lõi thì phải có doanh nghiệp dám làm. Nhưng muốn họ dám làm thì phải có người “gánh vác” rủi ro ban đầu cùng, có nhà nước dám đồng hành, phải coi đó như một trận đánh.
Tôi kỳ vọng nhà nước đi sâu nghiên cứu mô hình của các nước đi trước như Trung Quốc, Hàn Quốc vì họ đã làm được. Hiện Samsung làm màn hình giá 9 USD, Trung Quốc bán chỉ 6 USD. Samsung vẫn phải mua từ Trung Quốc, dù Samsung Display có nhà máy rất lớn tại Việt Nam, nhưng không cạnh tranh được. Vì sao Trung Quốc bán được 6 USD? Vì có nhà nước đầu tư cùng, chia sẻ rủi ro.
Nhưng cái “vướng” lớn nhất của chúng tôi hiện nay là thể chế và cơ chế quản lý ở địa phương.
Các “vướng” về thể chế, cơ chế quản lý ở địa phương cụ thể là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Phú: Ví dụ, nhà máy của tôi thường xuyên phải điều chỉnh “layout” (thiết kế), dây chuyền để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng. Mỗi lần như vậy phải xin phê duyệt lại toàn bộ về phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng, mở rộng…Những thứ tưởng nhỏ nhưng khiến doanh nghiệp nản lòng.
Cơ hội là có. Đối tác quốc tế đã tìm đến. Nhưng chính sách, thể chế và nhân lực hiện là rào cản. Ví dụ, giờ tuyển dụng công nhân cực kỳ khó. Lương Việt Nam ở khu vực 1 đã cao hơn cả Trung Quốc. Lao động trẻ thì không mặn mà với sản xuất, họ thích làm dịch vụ, văn phòng.
Doanh nghiệp làm thật, làm sản xuất là rất vất vả. Không dễ để kiếm một đồng tiền chân chính. Nhưng nếu vượt qua được, cơ hội sẽ rất lớn.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/chu-tich-sunhouse-san-xuat-la-nen-tang-cua-phat-minh-sang-tao/33654684