Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam diễn ra sáng 28/7 tại TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) – bà Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là nâng cao chất lượng thị trường, hướng tới cầu đầu tư bền vững. Một trong những mục tiêu then chốt là cơ cấu lại nhà đầu tư theo hướng hợp lý giữa tổ chức và cá nhân, giữa trong nước và nước ngoài.
Theo đó, cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán nhằm tạo kênh hút vốn trung và dài hạn. Các sáng kiến đang được nghiên cứu bao gồm xây dựng khung pháp lý cho quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ (money market funds), chứng chỉ quỹ ETF phức hợp (leverage/inverse ETF), quỹ của quỹ (fund of funds)… Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa kênh phân phối chứng chỉ quỹ cũng là một trong những giải pháp then chốt, trong đó quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được kỳ vọng trở thành mũi nhọn, đóng vai trò tương tự như tại các thị trường phát triển.
Tính đến cuối tháng 6/2025, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD) ghi nhận gần 10,3 triệu tài khoản nhà đầu tư, trong đó cá nhân trong nước chiếm đến 99,3%. Số lượng nhà đầu tư tổ chức nội địa chỉ khoảng 18.339 tài khoản, trong khi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dừng ở mức 4.669 tài khoản. Con số này phản ánh sự mất cân đối trong cơ cấu nhà đầu tư và cho thấy tiềm năng lớn để mở rộng vai trò của khối tổ chức.
Ông Don Lam – Tổng Giám đốc VinaCapital cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư tổ chức, coi đây là lực lượng nền tảng để phát triển thị trường bền vững. Theo ông, việc chuyên nghiệp hóa thị trường cần đi đôi với phát triển các sản phẩm tài chính dài hạn như quỹ hưu trí, quỹ mở, đồng thời thúc đẩy hoạt động IPO chất lượng và nâng chuẩn minh bạch thông tin.
Dữ liệu của VinaCapital cho thấy, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện tương đương khoảng 62% GDP năm 2024, thấp hơn đáng kể so với các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc (90%), Malaysia (93%), Thái Lan (104%) hay Singapore (118%). Tại các nước này, vai trò của nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư dài hạn trong nước, chính là yếu tố then chốt giúp thị trường tăng trưởng đồng hành cùng nền kinh tế.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá TTCK Việt Nam trong 25 năm qua đã trở thành trụ cột quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia, góp phần huy động hàng triệu tỷ đồng vốn trung , dài hạn cho nền kinh tế. Với hơn 10 triệu tài khoản nhà đầu tư hiện nay, TTCK đã dần khẳng định vai trò là kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch và ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Để tiếp tục phát huy vai trò này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng thị trường cần tập trung tái cơ cấu các trụ cột theo hướng hiệu quả hơn, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa và đa dạng hóa sản phẩm – dịch vụ trên thị trường.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chu-tich-uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-tang-cuong-vai-tro-nha-dau-tu-to-chuc-huong-toi-phat-trien-thi-truong-ben-vung-1393358.html