Cổ phiếu VIC tăng trần, vượt mốc 100.000 đồng sau nhiều năm. Câu nói “Anh chỉ mất khi anh bán” của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng được nhắc lại, gợi suy ngẫm về niềm tin, lợi nhuận và thời điểm ra quyết định của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong phiên giao dịch sáng 10/7. Tính đến 11h, chỉ số VN-Index tăng gần 11 điểm, vượt ngưỡng 1.445 điểm. Đáng chú ý, chỉ số VN30 ghi nhận mức tăng mạnh hơn 20 điểm, lên 1.563 điểm – tiệm cận vùng đỉnh từng được xác lập vào năm 2021.
Góp phần quan trọng vào đà bứt phá của chỉ số VN30 là bộ ba VIC – VHM – VRE của hệ sinh thái Vingroup. Nổi bật nhất là cổ phiếu VIC, khi mã này tăng trần lên 101.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản vượt 5 triệu đơn vị. Dù đã “tím lịm”, VIC vẫn ghi nhận hơn 1 triệu cổ phiếu chờ mua tại mức giá trần, cho thấy lực cầu rất mạnh.
Cổ phiếu
Việc chinh phục lại mốc 100.000 đồng/cp sau nhiều năm không chỉ là cột mốc kỹ thuật đáng chú ý, mà còn giúp Vingroup tiếp tục giữ vị thế là doanh nghiệp tư nhân có giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, giá trị vốn hoá thị trường của doanh nghiệp đã vượt ngưỡng 394.000 tỷ đồng.
Đà tăng của VIC diễn ra trong bối cảnh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, đơn vị thành viên của Vingroup, vừa hoàn tất đợt nhận góp vốn cổ phần từ Chủ tịch Phạm Nhật Vượng.
Cụ thể, ngày 27/6/2025, ông Vượng đã chuyển nhượng 87,5 triệu cổ phiếu VIC cho VinSpeed, tương ứng 2,26% vốn điều lệ Vingroup. Trước đó, vào ngày 10/6, ông cũng đã chuyển nhượng 48 triệu cổ phiếu. Tổng cộng, VinSpeed hiện sở hữu hơn 135,6 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 3,5% vốn điều lệ, với giá trị thị trường ước tính vượt 12.000 tỷ đồng (tính theo mức giá ngày 4/7).
Sau các giao dịch góp vốn nói trên, ông Vượng vẫn trực tiếp nắm giữ gần 450 triệu cổ phiếu VIC, trong khi các công ty do ông kiểm soát đang sở hữu thêm gần 1,8 tỷ cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phần ông nắm giữ trực tiếp và gián tiếp tại VIC hiện vào khoảng 222.000 tỷ đồng – tăng thêm hơn 9.000 tỷ đồng so với trước đó.
Trên bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, tài sản của ông Vượng đạt 10,7 tỷ USD, đứng thứ 263 trong danh sách tỷ phú toàn cầu, tăng khoảng 460 triệu USD (tương đương hơn 12.000 tỷ đồng) chỉ trong một ngày.
Nhà đầu tư nên chốt lời hay tiếp tục nắm giữ?
Từ vùng đáy khoảng 40.000 đồng/cp hồi tháng 2/2025, giá VIC hiện đã tăng hơn 2,5 lần. Đây là mức tăng đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cổ phiếu bluechip khác chưa hồi phục hoàn toàn. Những nhà đầu tư kiên trì nắm giữ VIC từ giai đoạn khó khăn đã thu về mức lợi nhuận vượt trội, bỏ xa VN-Index và cả các kênh đầu tư truyền thống như vàng trong cùng thời gian.
Một lần nữa, câu nói của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 được nhắc lại: “Anh chỉ mất khi anh bán”. Khi ấy, VIC được giao dịch quanh mức 50.000 đồng/cp, và thị trường vẫn còn đầy hoài nghi về khả năng hồi phục của doanh nghiệp.
Dù vậy, việc VIC tăng mạnh trong thời gian ngắn cũng khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi về triển vọng ngắn hạn và khả năng tiếp tục bứt phá của cổ phiếu này. Với mức sinh lời hiện tại, áp lực chốt lời là điều khó tránh khỏi, đặc biệt từ nhóm nhà đầu tư dài hạn đã đạt kỳ vọng lợi nhuận.
Dưới góc độ kỹ thuật, vùng hỗ trợ gần nhất của VIC được xác định quanh mức 82.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức điều chỉnh khoảng 20% nếu giá quay đầu giảm. Trong bối cảnh dòng tiền đầu cơ có xu hướng luân chuyển nhanh và các cổ phiếu vốn hóa lớn thường biến động mạnh sau chuỗi tăng nóng, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi mua đuổi theo tâm lý FOMO.
Hoàng Anh
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/chua-ban-la-chua-mat-co-phieu-vic-vuot-moc-100000-dong/33609953