Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một loạt lãnh đạo doanh nghiệp, người thân và nhóm cổ đông lớn liên tục bán ra cổ phiếu, thoái bớt vốn.
Trong thông báo mới nhất, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APG đã đăng ký bán ra 6 triệu cổ phiếu APG. Giao dịch dự kiến diễn ra theo phương thức thỏa thuận từ 20/5 đến 19/6/2025. Nếu thành công, ông Hưng sẽ chỉ còn nắm giữ gần 784 nghìn cổ phiếu APG (tương ứng tỷ lệ 0,35%).
Trên thị trường, cổ phiếu APG diễn biến khởi sắc từ đầu năm tới nay, hiện leo lên ngưỡng 11.900 đồng/cp, tương ứng tăng 78% sau hơn 5 tháng. Tạm tính theo mức giá này, ông Hưng có thể thu về hơn 71 tỷ đồng nếu hoàn tất việc bán ra 3% vốn công ty.
Trước đó, ông Hưng đã bán trọn 5 triệu cổ phiếu APG trong đầu tháng 10/2024, hạ tỷ trọng sở hữu xuống mức như hiện tại, đồng thời không còn là cổ đông lớn tại Chứng khoán APG.
Loạt lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau bán cổ phiếu, thoái bớt vốn.
Tại CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco), trong vòng một tháng qua, ông Lê Minh Tuân, Chủ tịch HĐQT đã hoàn tất bán ra 2 triệu cổ phiếu NTL như đã đăng ký.
Thương vụ này diễn ra trong giai đoạn từ 10/4 đến 9/5, giúp ông Tuân thu về khoảng 30 tỷ đồng nếu tính theo giá đóng cửa ngày cuối cùng là 15.000 đồng/cp. Tỷ lệ sở hữu của ông Tuân tại Lideco cũng giảm mạnh từ 3,34% xuống còn 1,72%.
Đáng chú ý, ông Tuân chỉ mới đảm nhiệm chức Chủ tịch chưa đầy một năm, kế nhiệm ông Nguyễn Văn Kha, người từng giữ ghế lãnh đạo hơn 20 năm. Không những vậy, quyết định bán cổ phiếu lại trùng khớp với thời điểm cổ phiếu NTL đã sụt giảm hơn 17% kể từ đầu năm cho thấy triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp đang không mấy sáng sủa.
Hay như tại CTCP Đầu tư PVR Hà Nội, bà Trần Thị Thắm, vợ của ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch HĐQT vừa đăng ký bán toàn bộ gần 12,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tương ứng 24% vốn điều lệ công ty. Giao dịch diễn ra từ thời gian từ 15/5 đến 13/6. Mục đích được công bố là để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Nếu thành công, bà Thắm sẽ không còn sở hữu cổ phiếu nào tại doanh nghiệp.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên bà Thắm bán số cổ phiếu này. Bà từng thất bại khi muốn bán số lượng tương tự vào năm ngoái vì thanh khoản quá thấp.
Thị giá PVR hiện giao dịch quanh 1.100 đồng/cp trong bối cảnh công ty đang tạm ngừng hoạt động kinh doanh, và cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Tại Novaland, 3 cá nhân thuộc nhóm cổ đông nội bộ người thân Chủ tịch Bùi Thành Nhơn gồm ông Bùi Cao Nhật Quân, bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh và bà Cao Thị Ngọc Sương cũng đồng loạt đăng ký bán cổ phiếu NVL vì lý do cá nhân, qua đó đưa tỷ lệ sở hữu của nhóm này về mức 6,818%.
Không chỉ dừng lại ở những cá nhân đơn lẻ, mà câu chuyện thoái vốn cũng diễn ra ở quy mô tổ chức.
Cũng tại Novaland, nhóm cổ đông lớn gồm NovaGroup và Diamond Properties đã đồng loạt đăng ký bán gần 19 triệu cổ phiếu NVL. Mục tiêu được lý giải là nhằm “cân đối danh mục và hỗ trợ tái cơ cấu nợ”.
Diễn biến này xảy ra giữa lúc NVL đang trải qua chuỗi ngày biến động mạnh. Cổ phiếu từng lao dốc xuống mức thấp kỷ lục 8.100 đồng/cp – đáy lịch sử kể từ khi niêm yết năm 2016 trước khi phục hồi nhẹ lên 12.450 đồng/cp vào giữa tháng 5.
Cuối tháng 5, Tập đoàn Hưng Thịnh, công ty mẹ đã đăng ký bán hơn 4,6 triệu cổ phiếu HTN của CTCP Hưng Thịnh Incons. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 27/5 đến 25/6 thông qua phương pháp khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Hưng Thịnh tại Incons sẽ giảm từ 25,04% xuống còn 19,79%.
Nhìn chung, mặc dù cổ đông lớn đưa ra những lý do để hợp lý hóa động thái thoái bớt vốn nhưng việc liên tục giảm sở hữu trong bối cảnh thị trường đang trong trạng thái nhạy cảm đã đặt ra câu hỏi về doanh nghiệp, khiến nhiều nhà đầu tư có phần e ngại hơn trong việc đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp.
Châu Anh
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/chua-day-nua-nam-co-dong-lon-tai-mot-so-doanh-nghiep-da-dang-ky-ban-ra-hang-trieu-co-phieu/32439733