Chứng khoán sau 25 năm, cần thay đổi về chất, đưa thị trường lên tầm cao mới

Chứng khoán sau 25 năm, cần thay đổi về chất, đưa thị trường lên tầm cao mới- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Ngày 23/7, tại Hà Nội, Báo Tài chính- Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” nhân dịp thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 25 năm vận hành (28/7/2000 – 28/7/2025).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tài chính- Đầu tư Phạm Văn Hoành nhấn mạnh, sau một phần tư thế kỷ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chuyển mình từ những phiên giao dịch “nhỏ giọt” với chỉ 2 mã cổ phiếu, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng bậc nhất cho nền kinh tế. “Một điều trùng hợp thú vị là trong những ngày kỷ niệm 25 năm thị trường, chúng ta được chứng kiến những phiên giao dịch bùng nổ về giá trị và thanh khoản, vượt qua nhiều thị trường khu vực ASEAN”, ông Hoành nói.

Đồng thời, Tổng Biên tập Báo Tài chính – Đầu tư cũng đặt vấn đề: Liệu đây có phải là dấu hiệu của những “lực đẩy dòng vốn mới” và nếu có, những dòng vốn này đến từ đâu, cần điều kiện gì để phát triển bền vững hơn?

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, chặng đường 25 năm hình thành thị trường từ con số 0 đã đạt được những thành tựu nổi bật: Hệ thống pháp lý dần hoàn thiện; cộng đồng nhà đầu tư vượt mốc 10 triệu tài khoản; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt trên 65% GDP; nền tảng công nghệ hiện đại như hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành…

Chứng khoán sau 25 năm, cần thay đổi về chất, đưa thị trường lên tầm cao mới- Ảnh 2.

Toàn cảnh tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính- Đầu tư tổ chức

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, phản ánh sức khỏe, triển vọng và năng lực phát triển quốc gia”, Thứ trưởng Chi nói đồng thời yêu cầu phải làm rõ khuôn khổ pháp lý hiện hành nhằm phát triển thị trường vốn, hướng đến thay đổi về chất và đưa thị trường lên tầm cao mới.

Theo Thứ trưởng, cần xác định cụ thể đâu là điểm nghẽn pháp lý, những nội dung nào trong Luật Chứng khoán 2019 và các nghị định hướng dẫn cần sửa đổi, điều chỉnh thì phải chỉ rõ để kiến nghị sửa kịp thời. Đồng thời, cũng cần xem xét liệu các quy định cụ thể từ sở giao dịch chứng khoán có đang gây cản trở hoạt động thị trường hay không.

Về vấn đề hàng hóa trên thị trường, Thứ trưởng đặt câu hỏi: “Chúng ta cần giải pháp gì để có thêm hàng hóa đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thị trường, cả về chất lượng và quy mô vốn hóa, đủ sức thu hút các nhà đầu tư lớn?”.

Ông đề xuất cần nghiên cứu giải pháp để xây dựng những hàng hóa mới, kể cả việc xem xét cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia niêm yết.

Liên quan đến cấu trúc thị trường, Thứ trưởng đề nghị đánh giá rõ tỷ trọng giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân hiện nay. Qua đó, đặt vấn đề làm nào để tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường.

Trong khi đó, với nhà đầu tư cá nhân, cần có chiến lược đào tạo năng lực, nâng cao hiểu biết về thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, cần rà soát xem các công ty chứng khoán, thành viên thị trường hiện nay có tồn tại bất cập gì và có đề xuất kiến nghị nào cụ thể để khắc phục hay không.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến hạ tầng công nghệ, kỹ thuật của thị trường chứng khoán, vốn là yếu tố nền tảng cho sự vận hành an toàn và hiệu quả.

Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cần xác định rõ kỳ vọng nâng hạng thị trường, trong đó không chỉ là câu chuyện nâng hạng thành công, mà còn là giữ được hạng và tiếp tục được nâng hạng trong tương lai. Việc này đòi hỏi cam kết chính sách, hành động cụ thể và bền bỉ từ tất cả các chủ thể liên quan.

Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc khối thị trường vốn Dragon Capital cho biết, 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,25%, mức cao nhất khu vực; tín dụng tăng 9,9% so với cùng kỳ; giải ngân đầu tư công tăng tốc, đạt khoảng 11,7 tỷ USD. Quan trọng hơn cả là viễn cảnh tăng trưởng dài hạn, Việt Nam có thể dẫn đầu Đông Nam Á về hạ tầng vào thập niên 2030–2040, trở thành quốc gia đầu tiên hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Với kỳ vọng này, dòng vốn dài hạn có thể được kích hoạt mạnh mẽ, đặc biệt khi Việt Nam đang tiến gần đến các cột mốc nâng hạng thị trường.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng trong tháng 9 này và tiến tới lọt vào rổ thị trường mới nổi của MSCI trong 18–24 tháng tới”, bà Minh nhận định.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng, cần hành động cụ thể như cơ cấu lại thành phần nhà đầu tư, đa dạng hóa dòng tiền, cải thiện định giá thị trường đang ở mức thấp và tăng chất lượng hàng hóa để tạo hấp dẫn cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.

Nguồn: https://cafef.vn/chung-khoan-sau-25-nam-can-thay-doi-ve-chat-dua-thi-truong-len-tam-cao-moi-188250723154017411.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *