Chứng khoán Việt đã kết thúc điều chỉnh trong 3 tuần trở lại?
Mức giảm từ đỉnh năm 2025 đã thu hẹp xuống dưới 10% từ sau phiên giao dịch 23/04, và VN-Index lấy lại trạng thái tăng trưởng của năm thứ ba liên tiếp. Sau cú sốc thuế quan 2025, hơn 1,000 cổ phiếu hồi phục từ đáy, nhưng không phải nhóm ngành nào cũng bật mạnh.
VN-Index đã thoát điều chỉnh từ sau phiên giao dịch 23/04
Cú sốc thuế quan 2025 đã khiến VN-Index trải qua nhịp giảm mạnh trong tháng 4/2025. Đỉnh điểm, chỉ số rơi vào vùng “thị trường con gấu” (bear market) với mức giảm từ đỉnh năm 2025 (maximum drawdown) vượt 20% vào phiên 09/04.
Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh chỉ diễn ra trong 10 phiên giao dịch của tháng 4. Sau phiên 23/04, VN-Index thu hẹp drawdown xuống dưới 10%, đánh dấu sự phục hồi nhanh chóng.
Sau khi chạm vào lằn ranh “thị trường gấu”, VN-Index đã trở lại trạng thái tăng trưởng.
|
Tính đến phiên 15/05, VN-Index vượt mốc 1,300 điểm, ghi nhận mức tăng 3.66% từ đầu năm 2025.
Đây là nhịp điều chỉnh mạnh nhất kể từ năm 2022 – năm thị trường giảm sâu thứ hai trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, so với giai đoạn COVID-19 năm 2020, khi maximum drawdown đạt 35% và kéo dài 138 phiên, nhịp điều chỉnh nửa đầu năm 2025 cả về quy mô lẫn thời gian đều nhẹ hơn.
Số phiên điều chỉnh của VN-Index trong năm 2025 dừng lại tại con số 10.
|
Về mặt thống kê, đây là nhịp điều chỉnh ngắn nhất trong các năm thị trường tăng trưởng kể từ sau năm 2016, cho thấy sức bật đáng kể của thị trường.
Những cổ phiếu nào đã vượt qua cú sốc thuế quan 2025?
Cú sốc thuế quan 2025 khiến mặt bằng giá của hầu hết cổ phiếu chạm đáy trong phiên 9/4. Đến hết phiên 15/5, hơn 1.000 mã trên toàn thị trường hồi phục từ đáy, tương ứng tỷ lệ 66% số mã chứng khoán trên 3 sàn.
Trong đó, nhiều cổ phiếu đạt mức tăng trưởng trên 25% – ngưỡng bình quân để về lại đỉnh năm 2025.
Nhóm bất động sản trở thành tâm điểm với hàng loạt cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ. Ông lớn VIC đã tăng 40% từ phiên 09/4 lên mức giá gần 80,000 đồng/cổ phiếu, trở thành động lực quan trọng cho cả VN30 và VN-Index.
Thông tin hỗ trợ mạnh đến từ sự kiện gần 1.8 tỷ cổ phiếu VPL (Vinpearl) chính thức lên sàn HOSE ngày 13/5. Các mã khác như VRE đã tăng 34%, NVL tăng 49%, HHS tăng 45%, DXG tăng 32%, và GEX tăng 48%, cho thấy sức hút mạnh mẽ của nhóm này.
Trong khi đó, cảng biển và logistics dù chịu tác động trực tiếp từ cú sốc thuế quan nhưng đã gây bất ngờ với mức hồi phục ấn tượng. VSC tăng 59% từ đáy còn PHP tăng 47%. HAH tăng 45%, đồng thời lập kỷ lục giá mới.
Ngược lại, nhóm tài chính chưa thực sự vượt trội dù hệ thống KRX đã chính thức vận hành từ ngày 05/5.
Tại ngành ngân hàng, chỉ 6/27 mã đạt mức tăng trên 25% từ đáy, gồm VAB (+31%), EIB (+27%), TCB (+27%), KLB (+27%), TPB (+26%), và SHB (+25%). Đáng chú ý, cổ phiếu TCB mới lập kỷ lục giá trong phiên 14/5.
Còn nhóm chứng khoán dù có 12/34 mã hồi phục trên 25%, nhưng lại tập trung chủ yếu vào các mã vốn hóa nhỏ. Chỉ SHS (+32,43%) và VIX (+25,36%) nổi bật.
Dù chịu tác động từ cú sốc thuế quan 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn cho thấy cơ hội luôn tồn tại. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định: “Trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy kinh tế tư nhân, thị trường cho thấy “trong nguy vẫn có cơ” với những nhà đầu tư năng động”.
Với nhà đầu tư thận trọng, ông Minh khuyến nghị không cần quá nôn nóng và có thể phân bổ vào kênh tài sản an toàn như gửi tiết kiệm hoặc trái phiếu, chờ tín hiệu rõ ràng từ kết quả đàm phán thuế quan của Mỹ và Việt Nam. “Khi đó, có thể chính những nhóm ngành chịu ảnh hưởng sâu nhất từ thuế quan 2025 như Khu công nghiệp, Xuất khẩu lại là những nhóm đem đến cơ hội lớn nhất”, ông Minh cho biết.
– 08:33 16/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/chung-khoan-viet-da-ket-thuc-dieu-chinh-trong-3-tuan-tro-lai-830-1309143.htm