Doanh thu vượt kỳ vọng, hệ thống bán lẻ ghi nhận lợi nhuận hiếm có
Sau nhiều năm chưa ghi nhận lợi nhuận kể từ khi được Tập đoàn Masan tiếp quản từ Vingroup vào cuối năm 2019, WinCommerce (WCM) bước vào năm 2025 với một chuyển biến đáng chú ý.
Theo công bố mới nhất, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy đà tăng trưởng tích cực và vượt xa kỳ vọng. Doanh thu thuần luỹ kế đạt 17.900 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt mục tiêu tăng trưởng cơ sở 8-12% mà doanh nghiệp đặt ra từ đầu năm. Riêng trong tháng 6, doanh thu đạt 3.218 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024.
Tăng trưởng doanh thu tại các cửa hàng hiện hữu (LFL) cũng ghi nhận mức tăng 6,9%, phản ánh sức hút ổn định của hệ thống WinMart và WinMart+ với người tiêu dùng.
Đây là kết quả từ quá trình cải thiện vận hành, tối ưu trải nghiệm mua sắm và nâng cao chất lượng sản phẩm tại điểm bán. Đáng chú ý, mức tăng này không đến từ sự mở rộng ồ ạt mà xuất phát từ nền tảng hoạt động bền vững.
Bên cạnh tăng trưởng doanh thu, chiến lược mở rộng mạng lưới bán lẻ của WinCommerce được triển khai có chọn lọc và đạt hiệu quả cao. Trong nửa đầu năm 2025, doanh nghiệp đã mở mới 318 cửa hàng, hoàn thành hơn 45% kế hoạch cả năm (400-700 cửa hàng).
Gần 75% số điểm bán mới thuộc mô hình WinMart+ nông thôn – khu vực được xem là dư địa phát triển lớn khi xu hướng tiêu dùng hiện đại ngày càng thay thế hình thức bán lẻ truyền thống.
Hơn nữa, toàn bộ các cửa hàng mới khai trương trong 6 tháng qua đều ghi nhận lợi nhuận dương – điều hiếm thấy trong ngành bán lẻ vốn đòi hỏi thời gian dài để đạt điểm hòa vốn.
Mô hình mở rộng của WCM không chỉ dừng lại ở số lượng, mà nhấn mạnh vào yếu tố hiệu quả và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng địa phương.
Tại miền Trung, khu vực tiêu biểu cho chiến lược mở rộng hướng về địa phương có tiềm năng tiêu dùng cao, WinCommerce đã mở mới 161 cửa hàng trong 6 tháng đầu năm, chiếm hơn một nửa tổng số cửa hàng mới trên toàn hệ thống.
Việc lựa chọn địa điểm kỹ lưỡng, kết hợp với mô hình vận hành tối ưu đã giúp các điểm bán này nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả và có lãi.
Lợi thế từ hệ sinh thái Masan
Bên cạnh chiến lược mở rộng bài bản, doanh nghiệp còn tận dụng tối đa sức mạnh từ hệ sinh thái tích hợp của Tập đoàn Masan.
Masan hiện là một trong số ít doanh nghiệp nội địa sở hữu chuỗi cung ứng tiêu dùng – bán lẻ đầu cuối hoàn chỉnh, từ sản xuất (Masan Consumer, Masan MEATLife, WinEco) đến logistics (Supra), tài chính tiêu dùng (Techcombank) và hệ thống phân phối (WinMart, WinMart+, WiN, kênh phân phối truyền thống và thương mại điện tử).
Là một mắt xích trong hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ của Masan, mối liên kết chặt chẽ với các đơn vị thành viên nêu trên đã giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả vận hành và triển khai nhanh các giải pháp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Đáng chú ý là việc ứng dụng nền tảng dữ liệu người dùng WiN giúp WCM theo dõi hành vi tiêu dùng thực tế, phân tích nhu cầu và điều chỉnh danh mục sản phẩm phù hợp theo từng nhóm khách hàng. Trong bối cảnh bán lẻ hiện đại đang chuyển dịch từ mô hình đại trà sang cá nhân hóa, năng lực phân tích dữ liệu và phản ứng nhanh với xu hướng tiêu dùng đang trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi.
Thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 12% tổng thị phần, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (~30%) hay Indonesia (~40%). Điều này cho thấy dư địa phát triển vẫn còn rất rộng mở.
Với nền tảng mô hình linh hoạt, chiến lược mở rộng đúng hướng và năng lực khai thác hệ sinh thái mạnh mẽ, WinCommerce đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để tham gia sâu hơn vào quá trình hiện đại hóa thị trường bán lẻ và nâng cao mức độ phủ sóng trên toàn quốc.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chuoi-ban-le-nha-masan-ghi-nhan-loi-nhuan-hiem-thay-dinh-vi-nong-thon-la-diem-den-trong-yeu-1391461.html