Chuyên gia điểm tên các cổ phiếu đáng đầu tư

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc, khi VN-Index tăng điểm mạnh bất chấp những rung lắc đầu tuần do áp lực chốt lời và hiệu ứng đáo hạn phái sinh. VN-Index tiệm cận tiến sát vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm, với thanh khoản duy trì tăng, giá trị khớp lệnh trung bình tuần đạt hơn 29.700 tỷ đồng trên HOSE. Đà tích cực này có tiếp nối trong tuần giao dịch tiếp theo?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)

Thị trường duy trì tăng điểm tích cực nhưng đà tăng nhìn chung thu hẹp lại so với tuần tăng tốc trước đó. Áp lực chốt lời cũng đã xuất hiện nhiều hơn khiến thị trường liên tục rung lắc khi tiến sát vùng đỉnh lịch sử 1.480-1.530 điểm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30 – nhóm đóng góp chủ yếu vào đà tăng giai đoạn trước – đã có một tuần chủ yếu đi ngang và thay phiên giữ nhịp cho chỉ số. Ngược lại, dòng tiền tuần qua tìm tới các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ dù vẫn ưu tiên các dòng dẫn sóng như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản trong giai đoạn thanh khoản duy trì tích cực.

Điểm nhấn khác là khối ngoại trở lại bán ròng khoảng 250 tỷ đồng trên HoSE trong 2 phiên cuối tuần sau khi mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng từ đầu tháng. Nhìn chung, mức bán ròng 250 tỷ đồng là không đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh khối ngoại mua ròng tích cực gần đây được cho là nhờ dòng tiền P-Notes (khó đoán và mang tính đầu cơ cao), việc có tín hiệu bán ròng tại vùng kháng cự cũng sẽ tạo ra áp lực tâm lý lên nhà đầu tư trên thị trường trong ngắn hạn, nên đây sẽ là tín hiệu cần quan sát thêm.

Dự báo diễn biến tuần tới, VN-Index có khả năng tiếp tục vận động theo hướng sideway-up với lực bán gia tăng dần khi chỉ số tiến lên các vùng cản. Dòng tiền dự kiến phân hóa, ưu tiên nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 tích cực, trong khi các nhóm dẫn sóng chính có thể bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Trong một xu hướng tăng mạnh với giá trị khớp lệnh trung bình đã vượt 28.000 – 29.000 tỷ đồng trên HOSE thì có thể nói một xu hướng Uptrend lớn đang diễn ra. Tuy nhiên, các “chặng nghỉ” ngắn thường diễn ra ở gần, tại các khu vực kháng cự quan trọng cụ thể là mốc 1.500 – 1.520 điểm trong tuần tới và đây cũng chính là khu vực đỉnh cũ 3 năm kể từ quý I/2022.

Tuần tới sẽ là tuần quan trọng đáng chú ý đặc biệt là đối với các nhà đầu tư ngắn hạn bởi diễn biến tăng và giảm biên độ khá có thể xảy ra. Chúng ta có thể nói, đây là một giai đoạn tạo nền tích lũy của chỉ số mặc dù trạng thái thị trường vẫn trong xu hướng tăng điểm trung hạn và nhiều nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động cho dù thị trường biến động thế nào.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Chỉ số VN-Index đang tiếp tục chinh phục các đỉnh mới. Có thể so sánh như thế nào về định giá cổ phiếu hiện tại so với mốc 1.500 điểm trong quá khứ, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)

Theo dữ liệu cập nhật từ Fiinx tới ngày 18/07, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E khoảng 14,66 lần, nằm giữa khu vực cao hơn 1-2 lần độ lệch chuẩn bình quân 3 năm ở mức từ 14,2-15,3 lần.

Nếu nhìn về lịch sử định giá của thị trường, mức P/E 14,4 lần hiện tại chỉ ngang giai đoạn vùng đỉnh quý II/2024, thấp hơn nhiều lần so với các lần tạo đỉnh năm 2021 (P/E 18-20 lần) và năm 2018 (P/E 21-22,5 lần và vượt mức +2 lần độ lệch chuẩn bình quân 3 năm). Điều này cho thấy định giá thị trường của VN-Index ngắn hạn đã thoát ra khỏi vùng định giá rẻ của thị trường nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với các vùng thị trường tạo đỉnh về chỉ số và định giá trong quá khứ.

Kết luận gần tương tự khi sử dụng hệ số P/B, với mức giao dịch hiện tại quanh 1,90 lần, thấp hơn bình quân 3 năm gần nhất và thấp hơn 2 giai đoạn chỉ số tạo đỉnh năm 2021 (P/B 2,5-2,9 lần) và 2018 (P/B 3,0-3,3 lần).

Nguyên nhân cho sự thay đổi nền định giá so với quá khứ là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt là ngành ngân hàng đã có vị thế quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp định giá và lợi nhuận toàn thị trường. Tuy nhiên điều này không làm thay đổi thực tế là thị trường vẫn đang ở mức định giá rẻ hơn so với quá khứ.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Mức định giá hiện tại của thị trường vẫn còn hấp dẫn nếu so với giai đoạn 2021 khi P/E toàn thị trường giao động khoảng 18x – 19x. P/E trung bình 5 năm gần đây cũng ở quanh mức 14.8x và P/E hiện tại khoảng 14.2 – 14.4x, chưa tính từng nhóm riêng lẻ vì có nhóm ngành tiềm năng và triển vọng tốt hơn so với các nhóm ngành khác như nhóm tài chính, cảng biển, hóa chất, xây dựng và vật liệu, bán lẻ, tiêu dùng..

Thực tế không có thị trường nào tăng điểm mãi, ông/bà nhìn nhận như thế nào về khả năng điều chỉnh của thị trường?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)

Nhìn chung, việc thị trường gặp áp lực bán gia tăng khi đang gần vùng đỉnh chỉ số trong lịch sử là điều hoàn toàn bình thường. Khả năng thị trường điều chỉnh là có nhưng xu hướng chính vẫn đang là tăng giá với các thông tin hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh có thể sẽ mở ra cơ hội ngắn hạn cho nhà đầu tư trading ngắn hạn với khả năng thích ứng và cơ cấu danh mục nhanh.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Như đã trao đổi thì khả năng nhịp điều chỉnh có thể diễn ra ở tuần tới. Pha tích lũy trong “biên độ” – nói giảm nói tránh về một đoạn rung lắc tiềm tàng của thị trường bởi nhiều cổ phiếu tăng nhiều, áp chốt lời gia tăng ở một số cổ phiếu đã tăng nhiều giai đoạn vừa qua. Một số nhóm ngành khác thay thế nhóm tài chính tăng điểm đan xen, bên cạnh nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có thể có diễn biến tăng điểm tích cực.

Ngành ngân hàng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn quan trọng với những thay đổi lớn từ chính sách và môi trường kinh tế vĩ mô. Ba yếu tố nổi bật – luật hóa Nghị quyết 42, đề xuất bỏ trần tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), và sự phục hồi của thị trường bất động sản đang định hình triển vọng tích cực cho ngành này trong trung và dài hạn. Việc đầu tư vào nhóm ngành này ở thời điểm hiện tại cần lưu ý gì? Và cụ thể cổ phiếu ngân hàng nào còn dư địa tăng trưởng, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ngành ngân hàng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn quan trọng với những thay đổi lớn từ chính sách và môi trường kinh tế vĩ mô. Cụ thể, Luật hóa Nghị quyết 42 giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giảm áp lực trích lập và cải thiện ROE, chính sách đề xuất bỏ room tín dụng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tối ưu hóa phân bổ vốn tại các ngân hàng. Cùng với đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu, cải thiện chi phí dự phòng và tín dụng tăng trưởng tốt hơn.

Tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần nhìn nhận rõ một số rủi ro hiện hữu như sau. Thứ nhất, chất lượng tài sản vẫn là biến số khó lường, đặc biệt ở các khoản vay liên quan đến bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ hai, mặt bằng định giá ở nhiều cổ phiếu đã tăng đáng kể từ đầu năm, phần nào phản ánh trước kỳ vọng tích cực. Do đó, việc chọn lọc kỹ lưỡng, ưu tiên những ngân hàng có nền tảng tài chính vững, ROE cao, tăng trưởng tín dụng tốt và định giá còn hợp lý là điều rất quan trọng lúc này. Nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu như MBB ACB VPB CTG VCB, đây là những ngân hàng có giá cổ phiếu vẫn ở mức an toàn với dư địa tăng trưởng cuối năm lớn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Nhóm cổ phiếu ngân hàng không chỉ năm nay và cả năm 2024 vừa qua với khả năng sinh lời và triển vọng tăng trưởng doanh thu & lợi nhuận tốt cũng quanh 15 – 19% trên bình diện chung top các ngân hàng trong danh sách quan tâm ưu tiên trong năm nay bao gồm TCB, STB, BID, MBB, CTG…, chúng ta đừng quên là một số cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử từ khi niêm yết lần đầu đến nay.

Nhìn chung, nhóm ngân hàng, chứng khoán vẫn là nhóm cổ phiếu ưu tiên số một năm nay bên cạnh các nhóm cổ phiếu khác như xây dựng vật liệu, BDS, hóa chất, cảng biển…

Ngoài cổ phiếu ngân hàng đang được đề cập nhiều, đâu là nhóm cổ phiếu còn nhiều cơ hội ở giai đoạn này?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu trụ đã tăng mạnh thời gian vừa qua, hiện tại nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2/2025 và nửa cuối năm 2025.

Thị trường đang bước vào mùa cao điểm công bố BCTC quý 2, trong đó chúng tôi kỳ vọng các nhóm ngành có kết quả kinh doanh tích cực có thể kể đến như Bất động sản, Bán lẻ, Công nghệ thông tin, Chăn nuôi, Phân bón. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể quan tâm tới các nhóm ngành hưởng lợi nhờ một loạt các chính sách trong thời gian gần đây như Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc các dự án BĐS; Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; Tăng cường siết chặt kiểm soát hàng nhái, hàng giả.

Và cuối cùng, kỳ vọng nâng hạng thị trường giai đoạn cuối năm cũng sẽ mở ra cơ hội đối với nhóm Chứng khoán và một số doanh nghiệp bluechips có thể thu hút dòng tiền nước ngoài.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Ngoài một số nhóm đã bước vào pha tăng điểm tốt và điều chỉnh tuần tới. Một số cổ phiếu có thể tăng điểm tốt thay thế có thể là nhóm dầu khí, cảng biển, bán lẻ, hàng và dịch vụ công nghiệp… Các nhà đầu tư cũng chú ý về xu hướng dài hơn và các hoạt động giao dịch ngắn hạn để đưa ra các chiến lược quản lý danh mục đầu tư và giao dịch ngắn hạn cho phù hợp.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-gia-diem-ten-cac-co-phieu-dang-dau-tu-post373387.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *