Chuyện hiếm thấy: Khối ngoại bán ròng gần 2.000 tỷ đồng, một cổ phiếu hàng không vẫn tăng dựng đứng

Phiên giao dịch ngày 22/7 chứng kiến diễn biến tích cực bất ngờ của cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng không Vietjet khi mã này tăng hết biên độ 6,9%, lên mức 101.700 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản đạt hơn 2,9 triệu đơn vị, qua đó đưa vốn hóa thị trường của hãng hàng không này vượt mốc 60.000 tỷ đồng.

vietjet.jpeg
Bên cạnh kết quả tài chính, Vietjet cũng liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, từng bước khẳng định vị thế tại thị trường quốc tế

Sắc tím của VJC càng đáng chú ý hơn nữa cổ phiếu này được khối ngoại thực hiện bán thoả thuận quy mô lớn. Cụ thể, gần 20 triệu cổ phiếu VJC đã được chuyển nhượng qua hình thức thỏa thuận ở mức giá 94.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng.

Đà tăng của VJC cũng tác động trực tiếp đến tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT Vietjet. Hiện bà Thảo đang trực tiếp sở hữu 47,47 triệu cổ phiếu VJC, đồng thời gián tiếp nắm giữ gần 155 triệu cổ phiếu VJC thông qua công ty Huong Duong Sunny Investment. Với tổng cộng 202,4 triệu cổ phiếu, giá trị tài sản quy đổi từ cổ phiếu VJC mà bà Thảo đang sở hữu ước đạt khoảng 20.584 tỷ đồng.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của Forbes, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đạt khoảng 2,8 tỷ USD, đứng thứ 1.377 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, tăng thêm 165 triệu USD so với ngày liền trước.

Cổ phiếu VJC cũng từng được Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh về mức độ tăng trưởng ấn tượng tại Hội nghị đầu tư Techcombank Investment Summit 2025 ngày 9/7. Theo chia sẻ tại sự kiện, những nhà đầu tư đồng hành cùng Vietjet từ những ngày đầu đã chứng kiến cổ phiếu tăng khoảng 5 lần, trong khi những người gắn bó lâu dài hơn từ cách đây 5 năm có thể đã hưởng mức tăng trưởng gần 100 lần.

Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, Vietjet ghi nhận doanh thu từ hoạt động hàng không đạt 17.920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 820 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2024. Trên cơ sở hợp nhất, doanh thu đạt 17.952 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 836 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh kết quả tài chính, Vietjet cũng liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, từng bước khẳng định vị thế tại thị trường quốc tế. Tháng 1/2025, hãng thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đến Hoa Kỳ. Trong chuyến đi này, các hợp tác trị giá khoảng 14 tỷ USD với đối tác tại Mỹ đã được bàn thảo, nối tiếp các thỏa thuận chiến lược trước đó với Boeing, GE, Pratt & Whitney, Honeywell…, nâng tổng giá trị các hợp tác lên gần 50 tỷ USD.

Tháng 5/2025, Vietjet cũng đánh dấu bước ngoặt mới với việc ký kết hợp tác cùng hãng Qazaq Air (Kazakhstan). Theo kế hoạch, liên doanh Vietjet Qazaqstan sẽ khai thác ít nhất 20 tàu bay Boeing 737 và thiết lập trung tâm vận hành tại Kazakhstan. Đây là bước tiến giúp Vietjet tăng cường kết nối với các thị trường Nga, châu Âu và khu vực CIS.

Vietjet Thái Lan – một liên doanh khác của Vietjet hiện cũng đã trở thành một trong những hãng hàng không chi phí thấp hàng đầu tại Thái Lan sau thời gian hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, ở mảng đội bay, hãng cũng vừa ký hợp đồng đặt mua thêm 20 chiếc Airbus A321neo, dự kiến được bàn giao từ năm 2026.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chuyen-hiem-thay-khoi-ngoai-ban-rong-gan-2-000-ty-dong-mot-co-phieu-hang-khong-van-tang-dung-dung-1392343.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *