Chuyển mình để đón “cơ hội vàng”

Sự chuyển mình của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần diễn ra ở mọi khía cạnh. Tiên quyết là củng cố nội tại và xác định triển vọng phát triển, song song với đó là nâng cao quản trị công ty, đảm bảo thông tin công khai minh bạch, tăng cường giao tiếp định kỳ với nhà đầu tư, xây dựng cơ cấu cổ đông phù hợp với giai đoạn chuyển mình mới của nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh nghiệp có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng để huy động nguồn lực trên thị trường vốn, bổ trợ cho chiến lược phát triển của mình.

Thách thức từ nội tại và cơ cấu cổ đông

Một ví dụ điển hình là trường hợp của một doanh nghiệp trong ngành thâm dụng vốn. Ông chủ doanh nghiệp này đã lên kế hoạch niêm yết thông qua thâu tóm một công ty đã niêm yết, sau đó tái cơ cấu toàn diện và chuyển đổi ngành nghề kinh doanh thế mạnh. Mục tiêu là huy động vốn từ nhà đầu tư, thay vì tiếp tục lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, dễ bào mòn biên lợi nhuận. Công ty sau đó có tờ trình tăng vốn gấp đôi, phát hành trái phiếu… nhưng tiến độ không nhanh như kỳ vọng.

Một phần vì thị trường chưa kịp nhận diện sau tái cấu trúc, phần khác vì đội ngũ chưa quen với việc công bố thông tin chuyên sâu, cung cấp các tài liệu ngoài quy định để thị trường hiểu rõ hơn về mình. Đáng nói, doanh nghiệp cũng chưa từng tiếp xúc với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, dẫn đến thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài liệu, số liệu, khiến các cuộc tiếp xúc kém hiệu quả. Hiện doanh nghiệp này đang “chậm lại” để hoàn thiện chiến lược công ty và “xây nền” cho công tác huy động vốn kỹ lưỡng hơn.

Nhiều doanh nghiệp khác lại gặp vấn đề về quy mô vốn nhỏ và cơ cấu cổ đông cô đặc, dẫn đến thanh khoản rất thấp. Điều này tạo thêm thách thức cho câu chuyện huy động vốn. Các giải pháp kỹ thuật thường được tìm đến là chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia thưởng cho cổ đông, phát hành ESOP… nhằm gia tăng số lượng cổ phiếu. Bên cạnh đó, thuyết phục các cổ đông sáng lập cần có kế hoạch để cổ phiếu có tính đại chúng hơn, gia tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) để từng bước cải thiện thanh khoản, trước khi tính đến bài toán phát hành cổ phần mới.

Một diễn biến nổi bật khác là xu thế nhà đầu tư cá nhân lấn át trong vài năm qua, giúp thị trường gia tăng thanh khoản. Với thị trường Việt Nam, lực cầu từ nhà đầu tư cá nhân đã phần nào cân bằng được áp lực bán ròng miệt mài hàng tỷ USD của khối ngoại trong liên tục vài năm gần đây.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tình trạng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn được nhà đầu tư tổ chức ưa thích và nắm giữ, gặp áp lực bán liên tục. Thách thức cần giải quyết với các doanh nghiệp này chính là “để nhà đầu tư nhận diện và yêu thích cổ phiếu của mình”. Bởi họ nhận thức rõ, nếu không có “nội khối” vào cuộc, áp lực cung mạnh từ khối ngoại đang ngày càng khiến cổ phiếu rơi vào xu thế giảm sâu, dù kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng.

Đây lại là một quá trình cần thời gian và kiên nhẫn từ phía doanh nghiệp, bởi đặc tính của nhà đầu tư cá nhân có sự khác biệt rõ với nhà đầu tư tổ chức: họ ưa thích giao dịch, đơn giản trong phân tích, thậm chí là không cần hiểu doanh nghiệp mà đi theo dòng tiền, theo phân tích kỹ thuật. Với họ, đôi khi chỉ là các con số doanh thu, lợi nhuận có tăng trưởng là tích cực, thay vì phân tích sâu về chất lượng doanh thu, lợi nhuận cũng như triển vọng tiếp theo.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, theo phân tích số liệu từ chính nhà đầu tư của Dragon Capital, hiện tại chỉ có khoảng 10 – 17%, tùy từng giai đoạn, đang tham gia đầu tư định kỳ (đóng góp hàng tháng thay vì đầu tư một lần và rút vốn bất kỳ lúc nào). Đặc biệt, thời gian nắm giữ trung bình chỉ từ 9 – 12 tháng. Có thể thấy nhà đầu tư cá nhân hiện đang nhìn nhận chứng khoán tương tự như các kênh như tiết kiệm, vàng, bất động sản, với tầm nhìn ngắn hạn. Tư duy đầu tư vẫn thiên về việc “timing the market” (cố gắng chọn điểm mua, điểm bán hoàn hảo), thay vì “time in the market” (duy trì đầu tư lâu dài theo thói quen và tầm nhìn dài hạn).

Trải qua các giai đoạn trong quá khứ, việc các doanh nghiệp niêm yết phải cân đối cơ cấu cổ đông tổ chức và cá nhân tiếp tục diễn ra. Điều này tương đồng với việc phải có chiến lược song song với nhà đầu tư cá nhân nội địa để nhận sự ủng hộ, đồng thời phải rất chuyên nghiệp để khi khối ngoại quay lại có thể đáp ứng được ngay yêu cầu của họ và có cơ hội huy động vốn tốt hơn.

Cơ hội và giải pháp nâng tầm thị trường

Việc doanh nghiệp có chiến lược phát triển khả thi, làm quen và ứng phó linh hoạt, đồng thời nhạy bén nhìn ra được các xu hướng lớn của thị trường gần như là yếu tố sống còn để có thể tồn tại và nắm bắt cơ hội.

Từ tháng 7/2020 đến nay, toàn bộ nhóm thị trường mới nổi (emerging markets – EM) đã trải qua giai đoạn bị rút vốn ròng mạnh mẽ. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, với tổng mức rút ròng lên tới gần 10 tỷ USD trong vòng 5 năm qua – một con số rất lớn.

Tuy nhiên, tình hình gần đây đã có chuyển biến tích cực. Dòng vốn ngoại, điển hình là các tổ chức như JPMorgan và Goldman Sachs, đang bắt đầu nâng xếp hạng đối với thị trường mới nổi. Lý do là EM hiện được đánh giá là nhóm thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, định giá hấp dẫn và môi trường chính sách ổn định.

Một thực tế hiện nay là định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Khi marketing với các nhà đầu tư quốc tế, chuyên gia Dragon Capital thường chia sẻ rằng, Việt Nam đang mang lại một môi trường đầu tư hiếm có với tăng trưởng cao nhưng định giá lại thấp.

P/E thấp đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang phải chịu mức chi phí vốn cao hơn so với tiềm năng thật sự của họ. Trong khi để huy động vốn hiệu quả, doanh nghiệp cần có mức định giá phù hợp, phản ánh đúng và đầy đủ tiềm năng phát triển dài hạn.

Vì vậy, mong muốn của nhiều người không phải là Việt Nam cứ mãi tăng trưởng cao mà P/E thấp, mà là tiến gần hơn đến những thị trường như Ấn Độ. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng EPS của Ấn Độ chỉ ở mức một con số, nhưng thị trường của họ vẫn đang giao dịch ở mức P/E từ 20 – 25 lần. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp tại Ấn Độ đang huy động vốn với chi phí hết sức hiệu quả.

Để thị trường có thể thu hút các quỹ đầu tư quy mô lớn, cần có độ sâu. Độ sâu bao gồm: một hệ thống sản phẩm đa dạng hóa, phù hợp với nhiều đối tượng đầu tư khác nhau; chất lượng doanh nghiệp niêm yết được cải thiện về minh bạch và công bố thông tin; quy mô doanh nghiệp lớn hơn, có điểm đột phá về tăng trưởng để hấp dẫn nhà đầu tư. Ngoài ra, cần chuẩn hóa thông tin phát hành, đảm bảo minh bạch và khuyến khích sự tham gia của các quỹ đầu tư dài hạn.

Tương tự, đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi trình độ kiến thức tài chính chứng khoán cũng như kinh nghiệm thực chiến gia tăng, việc họ khó tính hơn trong lựa chọn cổ phiếu cũng là điểm buộc các doanh nghiệp nếu muốn cổ đông đồng hành, cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng, đối thoại thẳng thắn với cổ đông.

Trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi nhanh chóng cả từ các quyết sách trong nước đến những biến động khó lường về thương mại quốc tế, việc doanh nghiệp có chiến lược phát triển khả thi, làm quen và ứng phó linh hoạt, đồng thời nhạy bén nhìn ra được các xu hướng lớn của thị trường gần như là “yếu tố sống còn” để có thể tồn tại và nắm bắt cơ hội. Đó là cơ hội trong kỷ nguyên vươn mình, có sự phân hóa chứ không phân bổ đồng đều.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-minh-de-don-co-hoi-vang-post373775.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *